Bị cáo trong vụ án "Vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại BVĐK tỉnh Hoà Bình - BS Hoàng Công Lương - đã gửi tâm thư tới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ.
Bức tâm thư của BS Hoàng Công Lương, đơn nguyên Thận nhân tạo - khoa Hồi sức Tích cực, BVĐK tỉnh Hoà Bình, dài 7 trang giấy, đề ngày 20/4/2018, gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình.
BS Lương đang bị Viện KSND tỉnh Hoà Bình truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 5/7/2017. Trước đó, anh bị tạm giam 13 ngày. Sau khi được tại ngoại, BS Lương tiếp tục công việc của mình tại khoa Hồi sức tích cực. BS Lương chia sẻ, từ nhỏ anh đã ấp ủ ước mơ làm bác sĩ, chữa bệnh, cứu người.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (áo trắng)
Anh đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa ĐH Y Thái Nguyên, rồi tốt nghiệp chuyên khoa 1 chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tại ĐH Y Hà Nội. Bức tâm thư của BS Lương cũng "thuật" lại diễn biến của vụ việc này. Trong tâm thư, anh viết: "Bác sĩ chúng cháu sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu dẫn đến tử vong, nhưng không thể buộc chúng cháu phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn, nhiệm vụ của mình.
Nguyên nhân chết người bệnh do công tác sửa chữa, bảo dưỡng làm sai, sử dụng hóa chất độc hại cấm dùng, sục rửa, xả thải cẩu thả và do người có trách nhiệm của Phòng vật tư – TTBYT không giám sát chặt chẽ khi được phân công từ ngày hôm trước chứ không phải là lỗi của bác sĩ điều trị chúng cháu thực hiện khám chữa bệnh vào ngày hôm sau.
Đó là chưa kể đến việc người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng cũng không phải là người của Công ty Thiên Sơn đã ký hợp đồng với người bệnh".
Tâm thư của bác sĩ Hoàng Công Lương
Anh cho biết, trong gần 1 năm qua (từ 29/5/2017- ngày xảy ra sự cố), anh chưa bao giờ nguôi suy nghĩ về sự việc. Vì bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (TP Hoà Bình), anh muốn về thăm ông bà, bố mẹ, cháu cũng rất khó, đành để dịp Tết.
"Gia đình có việc lớn, chỉ về quê thôi cũng thật sự khó khăn vì thân phận bị can, phải làm các thủ tục xin phép rất vất vả và cảm thấy vô cùng tủi nhục" - bức tâm thư viết.
Bức tâm thư kết bằng dòng mong mỏi các cấp lãnh đạo "giúp đỡ cho xem xét lại vụ án", xét xử đảm bảo công bằng, khách quan, đúng người đúng tội, không bỏ sót tội phạm, không làm oan người vô tội, để người đã tử vong sau vụ việc được thanh thản về cõi vĩnh hằng, người dân yên tâm tin tưởng vào thầy thuốc, cơ sở y tế...