LS Nguyễn Danh Huế kiến nghị HĐXX phiên toà xử BS Hoàng Công Lương xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc viện này, với tư cách là người đứng đầu.
Chiều 28/5, thực hiện quyền bào chữa cho BVĐK tỉnh Hoà Bình, LS Nguyễn Danh Huế đã thông tin trước toà một số vấn đề liên quan đến giá chạy thận tại BVĐK tỉnh Hoà Bình.
Theo đó, ông Huế cho biết, giá chạy thận của bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Hoà Bình cao gần gấp đôi so với BV Bạch Mai – tuyến đầu của cả nước về chạy thận. Cụ thể, mỗi ca chạy thận, BVĐK tỉnh Hoà Bình thu 7.7 đô la (tương đương khoảng 160.000đ/người/lần). Trong khi ở các nơi khác chỉ 3.5-4 đô la (tương đương khoảng 90.000đồng).
“Bệnh nhân đã nghèo, sao lại phải chịu giá gấp đôi chỗ khác?” – LS Huế nói.
Theo quy định của Thông tư 15, việc liên doanh liên kết đặt trang thiết bị y tế trong BV phải đảm bảo 3 yếu tố: Hiệu quả kinh tế (theo LS Huế, qua những buổi làm việc, báo cáo tài chính, quá trình hợp tác Thiên Sơn, đơn nguyên Thận nhân tạo luôn lỗ); Đảm bảo lợi ích bệnh nhân (nhưng thực tế bệnh nhân lại chịu mức giá gấp đôi); Lợi ích nhà đầu tư đảm bảo.
“Bệnh nhân chi trả cao, đối tác thu tiền giá cao, chúng tôi kiến nghị HĐXX xem xét vấn đề này trong đó cần nói rất rõ về vai trò người đứng đầu bệnh viện rất lớn” – LS Huế nói.
Ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình
Cũng liên quan đến vai trò trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, theo LS Huế, ông Dương để xảy ra sự việc nghiêm trọng này, phải bị xử lý theo người đứng đầu theo Luật công chức.
“Ông Dương cũng phải bồi thường thay cho viện, nếu viện có lỗi buộc phải bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị hại. Vì chúng tôi xác định lỗi này hoàn toàn do người đứng đầu” – LS Huế nói.
Cũng trong phần bào chữa của mình, LS Huế cho rằng, Thiên Sơn chuyển nhượng trái phép với Trâm Anh để ăn chênh lệch tiền giá trị hơp đồng. Theo quy định 283 Bộ Luật Dân sự, việc chuyển nhượng thầu trái pháp luật không xin phép, không có sự đồng ý của BVĐK tỉnh Hoà Bình là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Dân sự. Cũng theo LS Huế, Công ty Thiên Sơn không hề đưa Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ, chuyển nhượng 100% công việc sang cho Trâm Anh là vi phạm luật Đấu thầu.
Luật sư đánh giá hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật của Thiên Sơn là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố y khoa làm chết 9 người. Điều này được thể hiện rất rõ trong kết luận điều tra số 10 ngày 15/1/2018.
Với tư cách là người bào chữa cho BVĐK tỉnh Hoà Bình, LS Huế kiến nghị HĐXX phải buộc công ty Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ cho gia đình nạn nhân. Hành vi chuyển thầu trái pháp luật gây bức xúc lớn trong xã hội, nhân dân, xói mòn niềm tin, hành vi này cần xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Bên cạnh đó, LS Huế cũng kiến nghị đề xuất Thiên Sơn không được tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc lĩnh vực y tế.
“Thiên Sơn cũng gây tổn thất nặng nề, đặc biệt nghiêm trọng, đề nghị HĐXX xem xét kiến nghị khởi tố hình sự ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Thiên Sơn, điều này sẽ tạo sự công bằng, răn đe trước pháp luật, giảm nỗi đau cho những gia đình có ảnh hưởng bởi sự cố” – LS Huế nói.
Được mời lên trình bày, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái một nạn nhân vụ việc cho biết, các gia đình nạn nhân không xin giảm án cho BS Lương, “vì bác sĩ Lương không có tội” – chị Tuyết nói.
Đối với 2 bị cáo Quốc, Sơn, chị Tuyết bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét để các bị cáo sớm trở về với gia đình và xã hội.