Theo đại diện VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu gây ra hậu quả đặc biệt lớn hơn 498.000 tỉ đồng.
Ngày 19-3, TAND TP.HCM xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKS.
Theo đại diện VKS, trong thời gian vừa qua, các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế trên cơ sở xử lý không có vùng cấm để làm trong sạch, minh bạch nền kinh tế.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan và các công ty trong hệ sinh thái đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về cơ cấu lại ngân hàng để cơ cấu, chi phối SCB. Sau khi hợp nhất ba ngân hàng, bị cáo này đã thâu tóm và nắm 91,5% số cổ phần, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo SCB. Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB là công cụ tài chính để phục vụ cho lợi ích của mình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bị cáo Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, bố trí thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của SCB để nắm quyền điều hành; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, …; tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.
Bị cáo này còn thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp Chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỉ lệ nợ xấu; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm.
Cũng theo đại diện VKS, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu, gây ra hậu quả đặc biệt lớn là hơn 498.000 tỉ đồng (sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm đã được Công ty định giá Hoàng Quân định giá).
Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỉ đồng. Đến ngày 17-10-2022 còn 1.284 khoản vay, còn dư nợ 677.286 tỉ đồng; dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại SCB.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn gặp gỡ bàn bạc và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD, tặng quà, tiền cho các các thành viên khác trong đoàn thanh tra để che dấu thực trạng yếu kém của SCB để không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, dữ liệu điện tử và lời khai của các bị cáo khác có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội đưa hối lộ.
Theo VKS, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không tỏ ra ăn năn hối lỗi, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội, do đó cần nghiêm trị đối với bị cáo này, cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội.
Quá trình đề nghị mức án, đại diện VKS xem xét mức độ hành vi phạm tội, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, việc tích cực khắc phục thiệt hại của các bị cáo.
Đối với bị cáo Bùi Anh Dũng, nguyên là Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB; Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Do đó, VKS đề nghị cần có mức hình phạt nghiêm trị, cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan), cơ quan công tố đánh giá bị cáo đã giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỉ đồng. Tại tòa bị cáo ăn năn hối cải thừa nhận hành vi phạm tội, bị cáo cũng đã tích cực nộp tiền để khắc phục hậu quả thiệt hại. Song hành vi của bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, VKS cho rằng cần có mức án nghiêm khắc với bị cáo.