Bên cạnh thu gom người xin ăn, TP HCM sẽ tập trung xử lý nghiêm kẻ chăn dắt; làm tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ học nghề cho người lang thang
Ngày 18-12-2014, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 49 về việc quản lý người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định. Một ngày sau, UBND TP tiếp tục có công văn khẩn gửi các sở - ngành, quận - huyện về tăng cường công tác quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết mục tiêu trước mắt của chủ trương này là bảo đảm an sinh cho người lang thang, xin ăn, phòng tránh họ gặp những nguy cơ về tai nạn giao thông cũng như bị các đối tượng chăn dắt lợi dụng; còn về lâu dài là xây dựng TP hiện đại, văn minh.
Một người xin ăn bên vệ đường đầy xe cộ trên xa lộ Hà Nội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý người lang thang, xin ăn trong thời gian qua của TP HCM?
- Ông Lê Chu Giang: Với các giải pháp đồng bộ, người xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP trong những năm qua đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên gần đây, trên địa bàn xuất hiện đối tượng xin ăn biến tướng như người cao tuổi bán tăm bông, giả dạng tu sĩ khất thực, người khuyết tật lê lết trên đường phố... lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền. Trong nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị, TP không thể để tiếp diễn những hình ảnh như vậy. Vì vậy, TP tiếp tục xác định việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên với hướng giải quyết mang tính căn bản, thiết thực và bền vững.
Thưa ông, hiện nay trên đường phố có nhiều người buôn bán tăm bông, bánh kẹo, vé số nhưng với bộ dạng rất tồi tàn, bệnh tật để đánh vào lòng thương hại của người khác. Những đối tượng này có được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội?
- Theo chủ trương của TP, người xin tiền dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát, giả dạng tu sĩ khất thực hoặc những hành vi có tính đối phó khi bị kiểm tra như bán vé số, bán bánh kẹo và các hành vi tương tự… đều bị xử lý. Đối với những người bệnh lang thang xin ăn, khi đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội sẽ được phân loại. Nếu người đó bị bệnh thật, trung tâm sẽ phối hợp với cơ sở y tế chăm sóc, chữa trị chu đáo; nếu bệnh giả, người đó sẽ được xử lý theo quy định chung đối với người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng.
Bên cạnh đó, người sinh sống nơi công cộng như vỉa hè, gầm cầu, công viên, vườn hoa, trạm dừng xe buýt, bến xe, chợ...; người không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú, không có nơi ở cố định; người có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại đó mà thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định đều thuộc diện đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Có thể nói việc giải quyết người lang thang, xin ăn ở TP HCM đã được xới lên nhiều lần nhưng cái vòng luẩn quẩn “hồi gia rồi trở lại TP HCM xin ăn” cứ tiếp diễn. Theo ông, biện pháp nào có thể chấm dứt tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”?
- Đây là bài toán nan giải mà TP phải tính toán kỹ nếu không chỉ dừng ở bước giải quyết phần ngọn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xin ăn tiếp diễn như sự phối hợp chưa tốt giữa các địa phương, chưa xử lý tới nơi tới chốn các đối tượng chăn dắt... Cho nên ngoài công tác tập trung đối tượng, các cơ quan phối hợp theo dõi, phát hiện đối tượng chăn dắt để xử lý nghiêm, nếu đủ yếu tố vi phạm hình sự thì đề nghị cơ quan công an khởi tố. Bản thân các trung tâm bảo trợ xã hội xác định phải làm tốt công tác nuôi dưỡng; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; định hướng việc làm phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của đối tượng.
Riêng giải pháp phối hợp đưa người lang thang, xin ăn trở về nơi cư trú, TP đã làm căn cơ hơn. TP thực hiện giao kết chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM với một số địa phương có nhiều người lang thang, xin ăn, giúp họ ổn định cuộc sống, định cư lâu dài tại nơi cư trú. Thực tế cho thấy giải pháp căn cơ nhất chính là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có người dân đi tha phương cầu thực. Để giúp họ ổn định cuộc sống, chính quyền sở tại phải xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho những người yếu thế khi họ trở về cũng như ngăn chặn sự ra đi của họ. Với các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, TP tin sẽ giải quyết cơ bản người lang thang, xin ăn.
Khi phát hiện người lang thang, xin ăn, người dân hãy gọi cho đường dây nóng của Phòng Bảo trợ xã hội: 38.292491 hoặc 0903.959929, Trung tâm Hỗ trợ xã hội: 35.533258. |
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP HCM: Đừng để trung tâm thành “nhà tù” Việc tập trung những người lang thang, xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội xuất phát từ mục đích tốt đẹp là tạo điều kiện để những đối tượng này có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, khi đưa vào trung tâm, cơ quan quản lý cần phải đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe cho họ, tránh trường hợp các trung tâm trở thành “nhà tù” giam giữ người xin ăn. Các trung tâm cần công khai hoạt động của mình để cho thấy việc ở đây là bảo đảm, là tốt thì lẽ tất nhiên những người lang thang, xin ăn sẽ tự động tập trung vào. Đặc biệt, cần phải xác định chính xác những người nào thuộc đối tượng tập trung để tránh trường hợp nhầm những người buôn bán bằng chính sức lao động của mình. Ngoài ra, muốn trị dứt nạn xin ăn, các cơ quan chức năng phải tìm ra những kẻ chăn dắt và trừng trị thích đáng. P.Dũng ghi |