Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị phải xử lý nghiêm minh những đối tượng ngược đãi, hành hạ, đánh đập trẻ em vừa xảy ra tại cơ sở mầm non tại quận Thủ Đức, TP.HCM.
Để nghe tiếng nói của những người làm công tác bảo vệ trẻ em, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn với bà Ninh Thị Hồng, UVTV Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Sau khi xem hình ảnh về vụ đày đọa trẻ em ở Cơ sơ mầm non Phương Anh (quận Thủ Đức- TpHCM), bà Hồng đã không giấu nổi cảm xúc thương cảm và tỏ thái độ phẫn nộ với những người mang danh bảo mẫu đó.
Hình ảnh bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục quận Thủ Đức, TP.HCM
Sự thờ ở của một số cán bộ chính quyền hiện nay, nhiều nơi, xin phép thành lập trường, phong bì phong bao là ký, còn kiểm tra giám sát ra sao thì không chú ý. |
Thưa bà, gần đây câu chuyện về nhà giữ trẻ đày đọa, bạo hành trẻ em xuất hiện nhiều trên các phương tiện đại chúng. Là người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, bà có suy nghĩ gì?
Theo tôi, việc xuất hiện nhiều thông tin về trẻ em bị bạo hành nói chung và trẻ em bị đày đọa ở nhà giữ trẻ, có mấy lý do sau:
Thứ nhất, hiện nay công tác bảo vệ trẻ em được nhiều người quan tâm. Phóng viên đã rất quan tâm. Ngay những người dân cũng quan tâm chú ý đến việc này. Bởi vì, có thể hình ảnh này do người dân ghi và cung cấp cho báo chí nên thông tin này đã đến được với chúng ta nhiều hơn.
Thứ hai, việc quản lý nhà trẻ tư thục của chúng ta đang bất cập và sơ hở. Nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động là lớn nhưng trường công lập thì không đủ để tiếp cận hết các em. Từ đó, nảy sinh ra nhu cầu người gửi nên có những dịch vụ trường mầm non tư thục ra đời. Quan điểm mở rộng giáo dục cho mầm non tư thục thì không có vấn đề nhưng khâu quản lý hiện tại là chưa tốt, dẫn đến điều kiện để mở trường, cơ sở vật chất chỉ là một phần, còn đội ngũ cô nuôi dạy trẻ ở trường mầm non tư thục mới là vấn đề chúng ta làm chưa tốt. Hiện tại, chưa có cuộc khảo sát nào nói lên: Trong những trường mầm non tư thục thì bao nhiêu phần trăm những người đang chăm sóc nuôi dạy trẻ em đã được đào tạo qua những lớp.
Mặt khác, đào tạo giáo viên chỉ là đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ, cách tiếp xúc với trẻ còn việc làm tốt hay không còn phải phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp.Có thể nói, nghề trông trẻ khác với nghề khác chỉ cần thành thục là có thể làm được. Chăm sóc trẻ còn đòi hỏi phải có tình yêu thương, trách nhiệm với con trẻ thì mới làm được. Tôi thấy việc này chúng ta làm chưa tốt. Nếu các nhà báo tìm hiểu sẽ thấy nhiều người trước đây họ làm nghề khác nhưng mà vì thất bại hoặc thu nhập không cao ở những nghề đó nên họ đã kiếm sống bằng nghề giữ trẻ.
Như chúng ta biết, trông giữ trẻ là một nghề rất vất vả. Nếu không có tình yêu thương trẻ thì khó có thể chăm sóc được. Chỉ cần một 2 đứa trẻ khóc đã thấy gay. Nếu một người trông giữ trẻ phải trông giữ 10-15 cháu nếu không yêu trẻ chắc chắn khó đủ kiên nhẫn để chăm sóc trẻ tử tế.
Do đó có thể nói, việc quản lý, đào tạo cô trông giữ trẻ, quản lý đội ngũ cô trông trẻ và các nhà trẻ tư thục chưa tốt. Bởi vậy, có nhiều câu chuyện đau lòng mà chúng ta vừa xem.
Bà Ninh Thị Hồng, UVTV Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam đang trả lời Infonet (ảnh: Hồng Chuyên)
Theo bà, việc đày đọa, ngược đãi trẻ em như vậy sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển của trẻ?
Từ kinh nghiệm cuộc sống, là người mẹ, người bà, tôi thấy trẻ em bị đối xử tàn tệ như vậy sẽ vô cùng ảnh hưởng. Việc đầu tiên là ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Một bữa ăn mà như cực hình, mà đánh đập như thế thì không ăn lại còn tốt hơn. Nếu cháu không ăn cháu chỉ bị suy kiệt về dinh dưỡng nhưng ăn trong tình trạng này thì vô cùng nguy hiểm, có thể bị sặc dẫn đến tình trạng tử vong. Một số trẻ chết trong nhà trẻ, nguyên nhân do sặc cháo vì cháu không nuốt nhưng cứ ép, nhồi thức ăn khiến thức ăn vào phổi.
Thứ 2 là sự khiếp đảm như một cuộc tra tấn. Những hình ảnh như trường mầm non Phương Anh này thì không thể gọi là nạp dinh dưỡng cho trẻ mà là sự tra tấn. Hành động này có thể sẽ dẫn cháu đến khiếp sợ. Tâm lý của cháu sẽ phát triển không bình thường. Trẻ sẽ sợ sệt, tự ti, tổn thương tính cách, hình thành tính hung dữ....
Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị phải xử lý nghiêm minh những đối tượng ngược đãi, hành hạ, đánh đập trẻ em. Đồng thời, đề nghị ngành giáo dục, đề nghị các ban ngành địa bàn xã phường có nhà giữ trẻ, trường mầm non tư thục phải kiểm tra thường xuyên, quản lý chặt chẽ các điểm trông giữ trẻ, ngăn ngừa phát hiện những tình trạng ngược đãi, hành hạ trẻ em. Bà Ninh Thị Hồng, UVTV Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam |
Giáo dục trẻ chưa đến 3 tuổi phải bằng tình yêu thương. Còn bạo hành như vậy ảnh hưởng rất sâu sắc suốt đời trẻ.
Những hành động bạo hành trẻ em luôn bị xã hội lên án. Vậy theo bà, vì sao chuyện này xuất hiện nhiều thời gian gần đây?
Như tôi đã nói ở trên, có thể do người dân đã có ý thức hơn về việc bảo vệ trẻ em, sẵn sàng lên án, phản ánh những hành động bạo hành trẻ em lên cơ quan thông tin đại chúng.
Một nguyên nhân khác, đó là sự báo động về nạn bạo hành trẻ em. Ngày xưa, cô giáo có thể nghèo, không có cuộc sống như bây giờ nhưng giàu lòng yêu thương trẻ. Ngày xưa, những người trông giữ trẻ có thể là những phụ nữ nông thôn không biết chữ nhưng khi cháu bé khóc luôn sẵn sàng ôm ấp, sẻ chia chăm sóc cháu. Nhưng giờ, đạo đức xuống cấp, những người làm việc này không phải vì tình yêu thương với trẻ mà chỉ nhằm vào trẻ em không biết gì để làm xong nhiệm vụ để được nhiều tiền trên mỗi cháu. Miễn là được nhiều tiền và không cần biết trẻ em sẽ ra sao.
Ngoài ra, công tác tổ chức, quản lý cấp phép trường mầm non tư thục là rất kém. Tôi không biết họ chạy chọt kiểu gì để được cho phép hoạt động. Rồi cấp xong, chắc ai giám sát kiểm tra nên dẫn đến tình trạng này.
Có một nghịch lý đang diễn ra, khi công tác bảo vệ trẻ em đang được các đoàn thể xã hội quan tâm hơn nhưng lại vẫn liên tục xuất hiện câu chuyện đau lòng về trẻ em bị hành hạ đến tử vong, trẻ em bị đày đọa ở nhà giữ trẻ?
Theo cá nhân tôi, công tác chăm sóc trẻ em cũng có nhiều quan tâm, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động quốc gia, chương trình bảo vệ trẻ em. Nhưng mà hiện tượng bạo hành trẻ em vẫn còn. Quan điểm của Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành là phải ưu tiên trẻ em: Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Nhưng tôi thấy, quan điểm đó chỉ là khẩu hiệu thì chưa đủ. Nó phải tác động đến hành động cụ thể của người dân. Người trông giữ trẻ và người dân phải coi trẻ em giống như con em của họ. Chỉ lên bục nói không thì chưa ăn thua. Nói thì rất hay nhưng làm thì chưa đến nơi. Hay chương trình rất quy mô nhưng trẻ em chẳng được hưởng lợi bao nhiêu. Bệnh thành tích của chúng ta vẫn còn. Công việc bảo vệ trẻ em phải là kiên trì bền bỉ không thể chạy theo phong trào, thành tích được.
Đặc biệt, sự thờ ở của một số cán bộ chính quyền hiện nay, nhiều nơi, xin phép thành lập trường, phong bì phong bao là ký, còn kiểm tra giám sát ra sao thì không chú ý. Nếu việc kiểm tra thường xuyên, đầy đủ thì sẽ phát hiện sớm ngăn chặn những hành vi như thế này.
Mặt khác, cuộc sống mưu sinh của gia đình các em nhỏ khiến họ không thể quan sát để ý đến biểu hiện của con em mình. Họ quên đi trách nhiệm với con mình. Họ cứ gửi con là xong việc. Chính gia đình phải quan sát, chú ý những biểu hiện bất thường của con và phải tìm nguyên nhân. Để xảy ra tình trạng này cũng có phần trách nhiệm của gia đình. Để đến giờ mới phát hiện ra rồi tại sao lại như thế...
Bà có thể chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng này là của cơ quan, đơn vị nào không?
Rõ ràng trách nhiệm đó là ngành giáo dục và chính quyền sở tại. Ngành giáo dục cho phép các trường mầm non hoạt động, chính quyền sở tại cho phép, quản lý hoạt động của những trường mầm non này. Do thiếu sự quản lý chặt chẽ của những đơn vị này. Không giám sát chặt chẽ giáo viên, bảo mẫu xem có đủ tiêu chuẩn không.
Ở vụ việc cơ sở mầm non Phương Anh thì trách nhiệm trước hết thuộc về Phòng giáo dục và chính quyền sở tại.
Ngoài ra, tôi hoàn toàn đồng tình với việc cơ quan Công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tôi cũng đồng tình với Luật sư Trần Văn Hiếu (Đoàn Luật sư Tp HCM) cần phải khởi tố đối tượng này. Hậu quả của hành động bạo hành là rất lớn, sẽ gây tổn thương lâu dài đến trẻ.
Trước tình trạng bạo hành trẻ em trong nhà giữ trẻ, Hội bảo vệ quyền trẻ em sẽ làm gì để tham gia vào việc chấm dứt tình trạng này?
Hội bảo vệ quyền trẻ em có 19.000 hội viên, chúng tôi không ngừng tuyên truyền, tập huấn nhận thức cho hội viên, đồng thời các hội viên cũng là những người tuyên truyền nhận thức về quyền trẻ em ở nơi mình sinh sống, công tác.
Bên cạnh đó, tới đây, Hội sẽ đóng góp ý kiến của mình trong sửa đổi Luật Chăm sóc bảo vệ Trẻ em sẽ trình vào năm 2014 nhằm đề cao hơn nữa vấn đề bảo vệ quyền trẻ em. Chúng tôi cũng mong muốn có nhiều hình thức để người dân phát hiện, phản ánh đến cơ quan chức năng và cơ quan quản lý.
Tuần này, chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến Bộ giáo dục và Đào tạo, đề nghị ngành giáo dục cần có văn bản, công điện khẩn hoặc có hình thức nào đó để yêu cầu tất cả các Sở giáo dục đào tạo, các phòng giáo dục đào tạo kiểm tra rà soát, xem xét tất cả các hoạt động của các trường mầm non tư thục. Bởi vì, gần đây có rất nhiều tai tiếng về vi phạm quyền trẻ em trong trường mầm non tư thục, điểm trông giữ trẻ như đánh đập gây ra cái chết cho trẻ và bây giờ là hành hạ, ngược đãi trẻ.
Xin cảm ơn bà!
"Đặc biệt, sự thờ ở của một số cán bộ chính quyền hiện nay, nhiều nơi, xin phép thành lập trường, phong bì phong bao là ký, còn kiểm tra giám sát ra sao thì không chú ý. Nếu việc kiểm tra thường xuyên, đầy đủ thì sẽ phát hiện sớm ngăn chặn những hành vi như thế này. Mặt khác, cuộc sống mưu sinh của gia đình các em nhỏ khiến họ không thể quan sát để ý đến biểu hiện của con em mình. Họ quên đi trách nhiệm với con mình. Họ cứ gửi con là xong việc. Chính gia đình phải quan sát, chú ý những biểu hiện bất thường của con và phải tìm nguyên nhân. Để xảy ra tình trạng này cũng có phần trách nhiệm của gia đình. Để đến giờ mới phát hiện ra rồi tại sao lại như thế..." Bà Ninh Thị Hồng, UVTV Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam |