Đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ ngồi ăn trứng vịt lộn ngay chánh điện của một ngôi chùa đang nhận về nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, sự thật phía sau ẩn chứa nhiều điều bất ngờ.
Mạng xã hội mới đây xôn xao những hình ảnh về một người phụ nữ thoải mái ngồi ăn trứng vịt lộn ngay trong chùa. Cụ thể, xuất hiện trong đoạn video khoảng 15 giây, người phụ nữ thản nhiên bóc quả trứng vịt lộn và ăn. Nhìn quang cảnh xung quanh có thể thấy đây là chánh điện của một ngôi chùa, phía bên trên có nhiều tượng Phật.
Trong quan niệm của nhiều người, khi nghe đến đạo Phật sẽ nghĩ ngay về việc ăn chay. Đặc biệt trong chốn chùa chiền không bao giờ được xuất hiện những món đồ ăn mặn, vì đó là điều gần như cấm kị. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh người phụ nữ thoải mái ăn trứng vịt lộn trong khuôn viên ngôi chùa này khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Cảnh người phụ nữ thoải mái ngồi ăn trứng vịt lộn trong khuôn viên một ngôi chùa gây chú ý trên mạng xã hội
Dư luận tranh cãi trái chiều, nhiều người cho rằng hình ảnh này không phù hợp với chốn tâm linh
Đoạn video được chia sẻ đã nhận về nhiều sự quan tâm bàn luận của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng hành động ngồi ăn trứng vịt lộn trong chùa là điều không phù hợp với hoàn cảnh cũng như những giá trị của đạo Phật. Bên cạnh đó, có ý kiến chia sẻ nên xem xét kỹ trước khi chỉ trích vì không thể nào có thể vô tư đem đồ mặn vào ăn trong chùa mà xung quanh không ai nhắc nhở như vậy.
Video ghi lại khoảnh khắc một người phụ nữ ăn trứng vịt lộn tại chánh điện một ngôi chùa
Tuy nhiên theo tìm hiểu, đây là một ngôi chùa của người Khmer theo Phật giáo Nam tông và người tu tập được ăn mặn như bình thường. Chính vì vậy việc người dân đến chùa ăn mặn không vi phạm đạo giới, nhưng việc ngồi ăn ngay chánh điện vẫn được xem là không phù hợp, bởi thông thường sẽ có khu vực, phòng ăn riêng.
Đại bộ phận người Khmer theo Phật giáo Nam tông, người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn thịt, cá… Người Khmer theo Phật giáo Nam Tông lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh.
Nhà sư Khmer cũng được phép ăn mặn, trừ một số loại thịt như: cọp, khỉ, mèo, chó, chồn… Tu sĩ Phật giáo Nam Thông được dùng mặn theo luật “Tam Tinh nhục”, có nghĩa là không thấy, không nghĩ, không nghe sinh vật bị giết hại vì mình. Đồng thời được phép dùng bữa cơm từ lúc sáng sớm đến giờ Ngọ, còn từ giữa trưa đến chiều tối chỉ được dùng sữa, bánh ngọt, nước giải khát.
Người theo Phật giáo Nam tông hoặc tu sĩ được phép ăn mặn trừ một số loại thịt nhất định
Phật giáo Nam tông có vai trò rất quan trọng đối với dân tộc Khmer và đã trở thành cốt lõi của nền văn hóa Khmer đặc sắc và độc đáo. Hầu như mọi sinh hoạt của gia đình, cộng đồng đều gắn với tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, người Khmer đều dựa vào triết lý của đạo Phật. Người dân, dù ở lứa tuổi nào ai ai cũng đều đi chùa. Từng gia đình ít nhiều đều có đọc Kinh Phật.
Sự đa dạng về văn hóa vùng miền được thể hiện ngay cả trong đạo Phật khi có những trường phái tu tập và quy định riêng về lễ nghi và chuyện ăn uống. Mặc dù không nhất định ăn chay nhưng người theo Phật giáo Nam tông nhất định giữ giới, bản thân họ không tự mình sát sinh, không khích lệ người khác sát sinh, không tùy hỷ sự sát sinh và do đó không phạm giới sát sinh.
Tu sĩ theo Phật giáo Nam tông không nhất định ăn chay nhưng vẫn giữ giới, không phạm giới sát sinh
Một số ý kiến bình luận từ công chúng về câu chuyện ăn chay - ăn mặn với người theo đạo Phật Nam tông:
Chùa Khmer theo hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy nên được phép ăn mặn. Ngay cả trong Chùa hay Tịnh Xá, ngày còn nhỏ đi lễ dâng y Katthina trong Chùa cũng đãi Phật tử đồ mặn chứ không có đồ chay.
Phật giáo Nam tông Nguyên Thủy vẫn ăn mặn mà, ở ngoài Bắc mà mình còn biết tục này. Ăn chay ở Phật giáo Bắc tông Đại Thừa thôi.
Với Phật giáo Nam tông vẫn ăn mặn bình thường nhé. Phật tử cúng gì ăn đó và không cấm ăn mặn.
Người Khmer theo Phật giáo Nam tông vẫn ăn mặn được, nhưng chùa nào cũng có phòng ăn, ngồi ăn ngay chánh điện như vậy thì không phù hợp cho lắm.