Từ một đứa trẻ đáng yêu, biết cười, biết lẫy, giờ bé chỉ biết nằm trong lòng mẹ, khua chân, khua tay vụng về, ánh mắt đờ đẫn...
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, các bác sĩ tại khoa Nội nhi – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, tại đây có một bệnh nhi người dân tộc Mông có hoàn cảnh rất khó khăn.
Tìm đến phòng 2, khoa Nội nhi, chúng tôi được gặp bé Hảng Thị Hò (10 tháng tổi, trú tại thôn Mù Cao, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) là bệnh nhi kể trên. Người mẹ đang bế bé trên tay, chị gầy nhom và chỉ biết đưa mắt nhìn chúng tôi ngơ ngác.
Được biết, chị tên là Hảng Thị Hâng, năm nay mới 20 tuổi. Sinh năm 1997 nhưng đã là mẹ của hai đứa con vì chị đi lấy chồng từ năm 17 tuổi. Đứa con gái lớn giờ đã 4 tuổi, còn Hò là bé thứ hai nay đã 10 tháng.
Người mẹ trẻ vừa nghèo, vừa không hề biết tiếng Kinh, nhiều người thương tình vẫn hay cho đồ ăn, quần áo...
Nhìn chúng tôi với ánh mắt ngơ ngác, người mẹ này có vẻ sợ sệt trước người lạ, phần vì chị không biết chữ, phần không biết nói tiếng phổ thông. Gặng hỏi mãi, chúng tôi mới biết, hai vợ chồng chị đưa con xuống đây đã được 5 tháng, nhưng khi hỏi về bệnh tình của con thì chị chỉ biết lắc đầu bảo rằng "không, không hiểu".
Khi bé Hò được 5 tháng tuổi thì bị viêm não, đôi vợ chồng trẻ vội vàng gom chút tiền đưa con xuống Hà Nội. Theo chuẩn đoán, hiện Hò đang mắc phải chứng động kinh và di chứng viêm não. Từ một đứa trẻ đáng yêu, đã biết lẫy, biết cười đùa thì giờ đây, bé chỉ có thể nằm trong vòng tay mẹ, cổ mềm nhũn không thể ngóc dậy được nữa.
Ngắm em bé bụ bẫm, trắng trẻo và xinh xắn nhưng ánh mắt chìm trong vô cảm, đờ đẫn, ai cũng thương xót. Thi thoảng, bé lại lên cơn co giật, khua chân, khua tay. Chị Hâng có dáng người nhỏ bé và khá gầy, chốc chốc lại đưa bầu sữa lép kẹp cho con bú… Vậy nhưng, Hò không bú được mấy, mỗi lần chỉ cho được 1-2 giọt, nếu không bé sẽ bị sặc và trớ.
Tuy may mắn giữ được mạng sống nhưng đến giờ bé vẫn không thể ngồi dậy, không thể ngóc đầu vì cổ quá mềm yếu. Tại đây, Hò được châm cứu, xoa bóp, điều trị và có chút biến chuyển nhưng giờ tiền lại không còn.
Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ tại đây cho biết: "Thương lắm. Bé này chủ yếu sống bằng sự giúp đỡ của mọi người thôi. Ai cho gì ăn nấy, cho gì mặc nấy. Lần rước suýt nữa là phải về, vì hết tiền".
Theo chỉ định, bé Hò cần được phục hồi chức năng, tăng cường tuần hoàn não, chống động kinh, chống co giật, phục hồi dinh dưỡng, chống viên phổi. Căn bệnh này phải chữa trị lâu dài và phải rất kiên trì, ít nhất là phải giúp bé khôi phục ngóc được cổ.
Chị Hâng bảo: "Chồng đi làm", nhưng khi hỏi là làm gì, ở đâu thì lại "không biết". Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết, anh Hảng A Tủa (bố bé Hò) tuy biết chữ nhưng cũng chỉ học đến lớp 5, nghe đâu đang theo người đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi mấy mẹ con trong viện.
Bé gái 4 tuổi cũng chưa hề biết nói tiếng Kinh, phải theo bố, mẹ xuống Hà Nội cùng em mấy tuần nay... Ảnh: Nông Thuyết
Tuy 4 tuổi nhưng rất thương em và biết giúp đỡ mẹ... Ảnh: Kim Hoa
Nói là mấy mẹ con vì cả bé gái 4 tuổi cũng phải theo bố mẹ xuống bệnh viện chăm em từ mấy tuần nay, vì ở nhà không có người trông.
Từ ngày xuống Hà Nội đến nay, chị Hâng mới bập bẹ nói được vài từ tiếng Kinh. Ở cái tuổi còn quá trẻ, lại mù chữ nên hiểu biết rất kém. Chị xanh xao, ngơ ngác, ai cho gì thì ăn nấy, thi thoảng bác sĩ lại phải nhắc nhở "đồ đó không ăn được nữa đâu, bỏ đi đi".
Bé gái lớn 4 tuổi thì khá tinh nghịch nhưng cũng chưa hề biết nói tiếng Kinh, thỉnh thoảng lại ôm lấy em hôn hít, bé Hò vẫn cười vu vơ với đôi mắt vẫn tròn xoe, xinh xắn. Mọi người ở đây xót xa kể rằng, bé gái 4 tuổi này thế mà ngoan lắm,"bé tí nhưng đã biết giúp mẹ giặt quần áo rồi, biết cả dùng kim khâu nữa".
Có người thì bảo: "Nhiều người thấy thương nên cũng cho họ đồ ăn, quần áo, nhưng đâu có thế mãi được, hết tiền thì sẽ phải về, mà em nó còn phải chữa trị lâu dài may ra mới ngóc được cổ...".
Được biết, anh Tủa đi làm đến tối mới quay về viện, đồng lương phụ hồ cũng chẳng đáng là bao trong khi không biết bệnh tình của cô con gái bé bỏng sẽ kéo dài đến bao giờ…