Để cứu vãn hôn nhân, Philip đã vay mượn thêm tiền của bạn bè ở Đức để đưa cho vợ. Thế nhưng chị Lan vẫn không hài lòng…
Cách đây gần 3 năm, khi luật sư Trương Anh Tú – Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) tiếp đón một người đàn ông rất đặc biệt. Anh ta là một người Đức, sinh năm 1966. Philip cao chừng 1m80, mắt xanh, râu quai nón và có nụ cười rất dễ mến.
Người đàn ông này cần tư vấn về thủ tục ly hôn và nhờ luật sư giúp mình giành được quyền nuôi con. Vụ án ly hôn này có nhiều điểm bất lợi dành cho Philip. Vì cô con gái của họ khi đó mới chỉ 2 tuổi, anh này sang Việt Nam không có công việc ổn định, lại thường xuyên phải bay về Đức vì hết hạn thẻ Visa. Theo đó, để giành được quyền nuôi con là điều gần như không thể. Sau khi nghe luật sư phân tích, Philip vẫn một mực nhờ luật sư giúp đỡ mình.
Philip quen chị Nguyễn Kiều Lan (SN 1982, quê Ba Đình, Hà Nội) khi người phụ nữ này có chuyến công tác ngắn hạn ở Đức. Hai người quen nhau qua người bạn chung tại một buổi tiệc. Những ngày ngắn ngủi trong chuyến công tác của chị Lan, Philip cũng đã kịp chinh phục cô gái người Việt đầy cá tính này.
Sau khi chị Lan bay về Việt Nam, hai người liên hệ với nhau qua mạng xã hội. Một tháng sau, Philip đã bay sang Việt Nam thăm người yêu và để ra mắt “bố mẹ vợ tương lai”.
Lấy nhau rồi, hai vợ chồng về Đức sinh sống, chị Lan được chồng động viên và tạo điều kiện cho đi học thạc sĩ. Khi Lan vừa hoàn thành khóa học, Philip đã thưởng cho vợ một chuyến về thăm quê kéo dài 2 tháng.
Anh chỉ định đưa con gái đi chơi đây đó vài ngày nhưng không ngờ sự việc lại trở nên phức tạp như vậy. (Ảnh minh họa)
Philip từng trải qua một cuộc hôn nhân và có hai con riêng. Điều này anh không hề giấu chị Lan. Anh cũng công khai chuyện mình chu cấp tiền cho các con riêng đi du học. Hai người lấy nhau được hơn 3 năm thì chị Lan mang bầu. Lúc này, chị Lan muốn về Việt Nam sinh nở nên đã xin chồng cho về quê. Thương vợ, Philip đồng ý.
Đến Việt Nam, Philip tìm một công việc ngắn hạn để trang trải cuộc sống. Anh thường xuyên phải bay đi bay lại giữa hai nước. Cuộc sống êm đềm trôi đi cho đến khi chị Lan sinh con. Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi số tiền Philip đưa cho vợ ngày càng ít đi.
Chị Lan lúc đầu không hài lòng thì chỉ cằn nhằn. Lâu dần chị bắt đầu lớn tiếng chì chiết chồng. Hai vợ chồng họ thường xuyên xảy ra cự cãi. Đến khi con gái được 6 tháng, chị Lan bắt đầu tìm việc ở Việt Nam. Với tấm bằng thạc sĩ nước ngoài, chị Lan dễ dàng được nhận vào một tập đoàn truyền thông nổi tiếng trong nước.
Chị cũng nói rõ với chồng là sẽ không quay lại Đức nữa. Philip dù rất giận nhưng anh cũng không ép vợ. Anh này vẫn làm việc thời vụ và bay đi bay về giữa Đức và Việt Nam.
Hơn một năm sau, mâu thuẫn giữa vợ chồng Philip ngày càng lớn thêm. Chị Lan nhiều lần đề nghị ly hôn nhưng Philip không đồng ý. “Người đàn ông đó tâm sự với tôi, anh rất yêu con gái. Anh không muốn cô con gái bé nhỏ phải chịu cảnh bố mẹ mỗi người một nơi như hai con riêng của anh”, luật sư Tú kể lại.
Và để cứu vãn hôn nhân, Philip còn vay mượn thêm tiền của bạn bè ở Đức để đưa cho vợ. Thế nhưng chị Lan vẫn không hài lòng. Chị muốn chồng phải bán hết tài sản ở Đức để về Việt Nam sống. Đặc biệt, chị yêu cầu chồng không được chu cấp thêm cho hai con riêng nữa. Những đòi hỏi này của chị Lan không được Philip đồng ý. Sau đó Philip dọn ra sống riêng.
“Ly thân được khoảng 2 tháng thì Philip tìm đến tôi nhờ tư vấn về thủ tục ly hôn. Đặc biệt, anh nhờ tôi hỗ trợ giành quyền nuôi con gái. Hôm đầu đến, nhìn anh ấy rất lịch sự, bảnh bao. Thế nhưng, khoảng nửa tháng sau gặp lại, tôi gần như không nhận ra người đàn ông này. Philip già đi trông thấy, quần áo xộc xệch, râu tóc bù xù. Anh nói, nửa tháng nay chị Lan cấm không cho anh gặp con gái. Vì nhớ con, lại lo sợ không giành được quyền nuôi con nên anh rất suy sụp…”, anh Tú nhớ lại.
Nhận thấy Philip là một người rất giàu tình cảm, luật sư Tú và các đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình (gửi thư, tìm gặp thuyết phục chị Lan, nhờ sự giúp đỡ của đại sứ quán Đức ở Việt Nam…) để giúp đỡ người đàn ông này. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Lan đã đồng ý và ký vào bản cam kết là sẽ để chồng nuôi con nửa thời gian.
“Theo luật pháp Việt Nam thì con dưới 3 tuổi mẹ được quyền nuôi, còn cha chỉ được đến thăm và chu cấp tiền. Chúng tôi đã phải thuyết phục người phụ nữ này rất nhiều để đạt được thỏa thuận là để Philip nuôi con một nửa thời gian. Ví dụ, một tuần chị Lan chăm con vào thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm thì Philip Philip sẽ đón con vào những ngày còn lại”, luật sư Tú kể.
Thế nhưng, phiên tòa kết thúc được khoảng 20 ngày thì Philip lại tìm đến luật sư Tú. Lý do là bởi, chị Lan không thực hiện đúng theo cam kết. Philip cho biết, chị Lan không những không giao con cho chồng cũ mà còn cấm anh này đến gặp con. Nhiều lần anh tìm đến nhà vợ cũ thì hoặc cửa đóng hoặc anh bị người nhà chị Lan xua đuổi.
Philip tỏ rất sốc và buồn. Anh lại đến cầu cứu luật sư. Và trong quá trình luật sư Tú gửi đơn yêu cầu tòa án thực thi bản án thì anh nhận được tin, con gái chị Lan mất tích. Cùng với đó là sự biến mất của Philip. Mọi Lan tiện liên hệ với người đàn ông này cũng bị ngắt quãng.
Chị Lan lúc này đã đi báo công an rồi tung tin lên báo chí rằng, chính chồng cũ đã bắt cóc con gái đi. Chị Lan còn thuê người tìm con gái. Hơn 1 tháng sau, Philip trở về và giao con cho chị Lan. Lúc này tìm đến luật sư Tú, Philip tâm sự, vì anh quá nhớ con nên đã xông vào trường nơi cô bé đang học để đón đi. Anh chỉ định đưa con gái đi chơi đây đó vài ngày nhưng không ngờ sự việc lại trở nên phức tạp như vậy.
Ngay sau khi đón được con gái trở về, chị Lan đã âm thầm làm đơn gửi lên tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Chị cho rằng, Philip bắt cóc con nên không được quyền được nuôi dưỡng. Trước những chứng cứ mà chị Lan đưa, tòa án đã bác quyền chăm sóc con của Philip. Anh chỉ được đến gặp nếu có sự đồng ý của chị Lan.
“Lần cuối Philip tìm đến gặp tôi là cuối năm 2016. Anh ta nhìn rất đáng thương, cân nặng giảm sút trầm trọng. Philip đã khóc và nói rằng, anh không ngờ vợ mình cạn tình đến vậy. Trải qua bao khó khăn mới đến được với nhau mà chỉ vì anh gặp khó khăn đã đòi ly hôn. Anh ấy nhờ chúng tôi làm cầu nối giúp anh có thể đưa con gái đi chơi vài ngày trước khi anh về Đức. Chúng tôi đã gửi thư, gọi điện cho chị Lan nhưng không được chị này chấp thuận. Sau đó, tôi không còn nhận được tin gì từ Philip nữa”, luật sư Tú nói.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi