Mặc dù xăng dầu đã giảm giá tới gần 40% nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước. Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đang quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá cước với hy vọng giá sẽ giảm trước Tết Nguyên Đán.
Doanh nghiệp không giảm
Tin liên quan: * Vé xe Tết 'mua bao nhiêu cũng đáp ứng đủ' |
Từ nửa cuối năm 2014, việc điều hành giá xăng dầu của Chính phủ đã có những thay đổi tích cực, phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới mỗi ngày một giảm sâu.
So với tháng 7/2014, hầu hết các mặt hàng xăng dầu đều giảm giá mạnh, riêng xăng giảm tới 38,9%. Trong khi đó, giá cước vận tải, đặc biệt là giá cước vận tải hành khách bằng ô tô, tuy có giảm song không đáng kể, gây nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây.
Tại khu vực Hà Nội, trung tâm vận tải hành khách lớn lớn nhất miền Bắc, đại diện các bến xe cho hay, số các doanh nghiệp vận tải chưa chịu giảm giá cước chiếm tỷ lệ áp đảo.
Cụ thể, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho hay, hiện mới có 60 trong tổng số 150 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước, chiếm chưa đến một nửa số doanh nghiệp. Mức giảm từ 3% - 16%.
Còn bến xe Mỹ Đình cũng chỉ có 95 trong tổng số 209 doanh nghiệp giảm giá cước, còn 114 doanh nghiệp chưa giảm giá. Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay, bến xe đã lập danh sách các doanh nghiệp chưa giảm giá cước dán thông báo tại bến và đưa lên hệ thống loa phát thanh để người dân được biết.
Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp chưa giảm giá tại bến xe Giáp Bát bao gồm Hợp tác xã ô tô Ka Long (Quảng Ninh), Công ty cổ phần vận tải Hưng Hà (Thái Bình), Công ty TNHH vận tải Việt Thanh; Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Tiến Phương; Hợp tác xã Vận tải Hoa Lư (Ninh Bình)…
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước
Trước tình hình này, Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên Đán. Khoảng 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai sẽ bị kiểm tra trong tuần này.
Tại Hà Nội, đoàn kiểm tra do ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính dẫn đầu sẽ kiểm tra tại 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, các trường hợp chây ỳ không giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt dù giá xăng dầu giảm sâu sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Tuyến cho hay, trong lần kiểm tra này, không chỉ yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá mà đoàn kiểm tra còn xác định tính đúng đắn, hợp lý, hợp lệ trong cơ cấu giá thành của
Các đơn vị vận tải. Trên cơ sở đó xác định các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô định giá cước đã hợp lý hay chưa để yêu cầu định giá lại cho phù hợp. Ông Tuyến nói: “Xăng dầu đã giảm giá tới 40% thì chi phí giá cước phải giảm như thế nào là hợp lý. Bên cạnh đó, cũng phải tính tới các chi phí tăng thêm của doanh nghiệp như đầu tư phương tiện, như chi phí nhân công tăng, chi phí cầu đường, bến bãi,... mà doanh nghiệp kê khai có hợp lý, hợp lệ hay không để xác định giá cước vận tải cho đúng”.
Các Đoàn kiểm tra sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xuất trình Báo cáo quyết toán tài chính năm 2013 và 6 tháng năm 2014 cũng như toàn bộ hồ sơ niêm yết giá, kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước nhất là giai đoạn từ tháng 7/2014 đến nay, khi giá xăng dầu giảm tới 40% xem việc doanh nghiệp kê khai giá đã hợp lý chưa. “Chúng tôi hy vọng với những giải pháp đang thực hiện giá cước vận tải sẽ giảm ngay trước dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi tới”, ông Tuyến nói.
Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình không hạ giá hoặc cố tình đưa các chi phí bất hợp lý vào giá thành để đẩy chi phí giá thành lên cao, đoàn kiểm tra sẽ bóc tách, yêu cầu hạch toán lợi nhuận, cần thiết sẽ chuyển cơ quan thuế để xác định thuế thu nhập bổ sung. Nếu có lợi nhuận bất hợp lý thì sẽ đề xuất Bộ Tài chính có biện pháp xử lý các khoản thu nhập bất hợp lý cho phù hợp.