Nhờ tấm lòng của cô Thoa, bốn ngôi trường khang trang đã được xây dựng. Vào đầu tháng Mười, chương trình bữa ăn có thịt cá tại Trà Leng chính thức được hoạt động.
Đồng cảm với những khó khăn của người dân, chị chia sẻ hình ảnh sự thiếu thốn trường lớp, các em học sinh lên facebook với mong muốn nhận được sự giúp đỡ. Đến nay, nhờ tấm lòng của cô Thoa, bốn ngôi trường khang trang đã được xây dựng. Vào đầu tháng Mười, chương trình bữa ăn có thịt cá tại Trà Leng chính thức được hoạt động.
Những lớp học “chuồng bò”
Gặp Trần Thị Bích Thoa (25 tuổi) tại nhà của cha mẹ ở trung tâm thị trấn Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), người viết ngỏ ý được vào điểm chị dạy, cũng là nơi những ngôi trường đặc biệt được dựng lên. Thoa ái ngại: “Trường xa lắm! Không biết anh có vào được hay không? Trường thuộc xã Trà Leng cách thị trấn này 50km. Từ trung tâm xã, đường đồi núi phải đi bộ, vượt qua bốn con suối mới tới nơi. Như em, đi quen cũng mất hết hơn 3 giờ đồng hồ”.
Cô giáo Thoa lên facebook xin được bốn ngôi trường.
Len bước theo chân Thoa, những ngọn đồi bỏ dần phía sau lưng. Góp vui trên đường, chúng tôi khơi gợi về những tháng ngày bám rừng, bám núi. Thoa kể, từ ấu thơ đã thích trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị chọn ngành mầm non để học. Năm 2012, chị lên Trà Leng dạy hợp đồng.
Ban đầu, chị dạy tại trường gần đường lớn, nên không có suy nghĩ gì. Đến năm 2014, chị được chuyển lên điểm trường thôn 4 Ông Dũng (xã Trà Leng). Lần đầu tiên cuốc bộ, theo chân người dẫn đường, nước mắt chị lăn dài. Đến nơi, đôi chân phồng rộp, rướm máu. Nhìn xa xa, có một vài mái nhà mốc meo, buồn bã. Lấy điện thoại định than thở với người thân, bạn bè thì không có mạng.
Lúc ấy, Thoa có ý định bỏ điểm dạy để về. Người dẫn đường đề nghị: “Ở đây, cuộc sống bà con khó khăn lắm! Nhiều cô giáo lên dạy rồi bỏ về. Nếu cô Thoa cũng về nữa thì các em thất học mất”. Nghe những lời ấy, chị nghẹn lòng, đồng ý ở lại vài ngày, nếu không chấp nhận được thì về vẫn chưa muộn.
Gọi là trường mầm non, nhưng chỉ có một lớp, được dựng lên bằng cây rừng. Tường cao chừng nửa mét, vây quanh bằng tre nứa. Mái được lợp bằng mấy tấm tôn cũ nát. Gió lùa, hắt nắng rát mặt cả cô lẫn trò. Khổ nhất là những ngày mưa, nước tạt vào ướt sũng... Nói không ngoa, nhìn ngôi trường ấy chẳng khác gì một chiếc chuồng bò của bà con ở miền xuôi. Chỉ vài ngày lưu lại, tim Thoa run rẩy bắt gặp những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó. Chúng được sinh ra, có gì ăn nấy. Đứa nào có dép mang dép, có áo quần mang áo quần... Còn không, chúng ở truồng đến trường. Sáng sớm và chiều tối, chúng run rẩy, da tái dại vì gió rừng táp vào da thịt. Đến trưa, chúng đổ mồ hôi nhễ nhại vì nắng nóng. Những đôi mắt tròn xoe, miệng mấp máy vài tiếng Kinh bập bẹ khiến cô giáo trẻ day dứt.
Sau giờ dạy, Thoa tìm hiểu, được biết, ở thôn này có 30 nóc nhà, chủ yếu là người dân tộc M’Nông. Bà con sống dựa vào một mùa lúa nương, đọt măng rừng, con vật được săn bắt... Bữa cơm là măng rừng độn cơm. Trẻ em không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều. Vì trường “chuồng bò”, nhiều phụ huynh không cho con đi học mà dẫn theo vào rừng.
Dò sóng, xin được bốn ngôi trường
Cảnh sống của người dân tộc M’Nông lẩn khuất trong tâm trí, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của cô giáo trẻ. Nhiều đêm, chị nằm gác tay lên trán suy ngẫm, sự vất vả của mình chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống của người dân nơi đây. Chị tứ hứa: “Phải mang lại điều gì đó tốt đẹp cho học sinh”. Sau cùng, chị suy nghĩ ra một cách đặc biệt là dùng điện thoại, chụp lại những hình ảnh của trường học, học sinh, đưa lên facebook kêu gọi giúp đỡ.
Các em học sinh đang ăn trưa với chương trình bữa ăn có thịt cá.
Ở thôn 4 Ông Dũng, không phải nơi nào cũng có mạng, chị phải dùng điện thoại đi khắp nơi dò sóng. Gặp nơi có sóng, chị vội vàng tải hình lên facebook. Mạng yếu, có tấm hình, chị ngồi đợi gần nửa tiếng mới lên được. Thế nhưng, lắm khi, chị sợ, do mạng yếu, hình chưa đăng được nên lại chạy ra xem. Đến nay, nơi nào sóng tốt, sóng yếu, chị nắm rõ trong lòng bàn tay.
Những hình ảnh ấy âm thầm lan truyền trên mạng xã hội. Chị hồi hộp, không biết những hình ảnh chân thật ấy có nhận được sự quan tâm của mọi người hay không. Về sau, chị còn chia sẻ tin tức vào trang mạng xã hội của các hội từ thiện. Chừng mười ngày trôi qua, chị nhận được điện thoại của tổ chức từ thiện hỏi về những bức ảnh. Sau đó, những túi áo quần, dụng cụ học tập... được gửi lên khiến chị vỡ òa hạnh phúc.
Cuối tháng 9/2014, Thoa nhận được điện thoại của hội từ thiện Ong Vàng. Sóng yếu, mặc cơn mưa lớn, chị chạy đến nơi mạng mạnh để trò chuyện. Họ cho biết, thông qua hình ảnh không thể tin đó là một ngôi trường. Họ hứa sẽ lên xác minh, nếu sự thật có lớp học “chuồng bò” thì sẽ cấp kinh phí xây trường. “Hôm ấy, nước mưa hòa lẫn nước mắt. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ, những hình ảnh chia sẻ trên facebook lại có sự lan tỏa mạnh đến vậy”, chị nói.
Ngôi trường khang trang đầu tiên tại thôn 4 Ông Dũng rộng 30m2 được xây dựng. Niềm vui tràn đầy, Thoa không “ngủ yên trên chiến thắng”. Chị biết, ở Trà Leng, nhiều thôn khác vẫn tồn tại lớp học “chuồng bò”. Do đó, chị tiếp tục gửi tâm tư thông qua những tấm hình lên facebook.
Một lần nữa, may mắn chạm ngõ khi hội từ thiện Vô Ưu đồng ý xây dựng ngôi trường 35m2 tại thôn 4 Ông Lò. Hai tháng sau, hội từ thiện Tiếp sức những ước mơ gật đầu xây dựng ngôi trường 40m2 tại thôn 2 Tak Lẻ. Gần đây nhất, hội từ thiện Hương Từ Tâm xây dựng căn nhà gỗ 40m2 tại thôn 3 Đèn Pin.
Mang ơn cô Thoa
Đến Trà Leng, chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy bốn ngôi trường khang trang, được sơn màu tím, xanh... nổi bật. Trong lúc trò chuyện, đồng bào chia sẻ: “Nhờ cô Thoa, chúng tôi mới có trường mầm non đàng hoàng. Chúng tôi mang ơn cô Thoa. Do đó, chúng tôi tự đặt những ngôi trường tên là trường cô Thoa”.
Thoa cho biết, đi xin trường đã khó, mà việc biến chúng thành hiện thực lại càng khó hơn gấp bội. Do đường sá xa xôi hiểm trở, mỗi khi có đoàn lên khảo sát, chính chị là người làm tiền trạm. Chị hẹn họ ở nhà cha mẹ ruột, sau đó mới lên kế hoạch dẫn vào Trà Leng. Khi được duyệt xây trường, vật liệu xây dựng vận chuyển lên cũng rất khó. Có tuần, chị phải cuốc rừng bốn đến năm chuyến, cùng các tình nguyện viên vác vật liệu xây dựng vào.
Chị nhớ, có lần, đang đi giữa đường thì trời mưa. Đường núi trơn trượt khiến mọi người ái ngại. Họ càng ghê rợn hơn khi nhìn thấy những con vắt nhảy trong mưa... Lúc ấy, dù rất mệt và đau vì có tiền sử giãn dây chằng, nhưng chị vẫn cố cười, động viên mọi người trong đoàn. Vào đến nơi, ai cũng ướt sũng rã rời. Đêm ấy, đôi chân chị đau buốt, không thể nhấc lên nổi...
Số tiền xây trường có giới hạn. Để giảm chi phí, Thoa vận động người dân cùng thực hiện. Ai có gỗ góp gỗ, không có gỗ thì góp công cưa gỗ, xuống suối đãi cát sạn... Xây trường ở thôn 4 Ông Dũng khá thuận lợi vì chị công tác ở đây, đã trở thành người thân của đồng bào. Riêng ba thôn còn lại, chị chưa từng công tác nên việc vận động rất khó khăn. Vận động người nào cũng bị từ chối. Không ngại khó, chị vẫn quyết bám trụ, nhờ vả từ chiều đến tối khuya. Sau cùng, nhận thấy tấm lòng của cô giáo trẻ, người dân cũng nhiệt tình góp sức.
Đến nay, trẻ mầm non thôn 4 Ông Dũng, thôn 4 Ông Lò, thôn 2 Tak Lẻ và thôn 3 Đèn Pin đã có những ngôi trường, dù chưa được khang trang nhưng vẫn giúp các cháu có chỗ để học. Không dừng lại, chị kêu gọi, nhờ các nhà hảo tâm để nâng cao chất lượng bữa ăn của học sinh. Vào đầu tháng 10, chương trình bữa ăn có thịt cá tại Trà Leng chính thức được hoạt động. “Là con gái, công tác ở vùng sâu, vùng xa nhiều khi cũng thấy tủi thân. Tuy nhiên, khi ngẫm đến những điều mình làm được cho học sinh, đồng bào nơi đây, em lại cảm thấy vui và hạnh phúc”, Thoa chia sẻ.
Đóng góp nhiều công sức cho địa phương Ông Phan Quốc Cường, Phó chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: “Cô Thoa đến công tác tại xã được 4 năm. Mặc dù, cô chỉ là giáo viên hợp đồng, nhưng đã góp nhiều công sức, đặc biệt là kêu gọi xây dựng bốn trường mầm non tại các thôn. Trà Leng là vùng núi, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Chúng tôi mang ơn cô Thoa rất nhiều”. |