Chia sẻ của một cựu nữ sinh NEU về việc lấy trai giàu, trai ghèo gây tranh cãi nảy lửa.
“Có nên lấy chồng nghèo?” từng là câu hỏi khiến dân mạng nhức nhối. Một chàng trai chụp ảnh căn nhà xập xệ của mình lên rồi hỏi “Liệu có dám dẫn bạn gái về ra mắt?”. Một cô gái đăng ảnh căn nhà xiêu vẹo của bạn trai rồi băn khoăn “Liệu có nên tiếp tục mối quan hệ này?”… Và những khúc mắc ấy luôn được giải đáp bằng rất nhiều quan điểm khác nhau của dân mạng.
Quan điểm "Yêu trai nghèo nhưng nhất định phải lấy trai giàu" gây tranh cãi dữ dội (ảnh minh họa)
Mới đây, tâm sự của một cựu sinh viên đăng tải trên NEU Confession một lần nữa dấy lên câu hỏi này. Cô gái tự xưng là “chị”, từ chính câu chuyện của cuộc đời mình đã khẳng định rằng: “Có thể yêu trai nghèo nhưng nhất định phải lấy trai giàu làm chồng”.
Nguyên văn chia sẻ như sau:
“Giật mình vì mấy cô cậu sinh viên trẻ tuổi sỉ vả người biết sống thực tế.
Chị vừa đọc một tâm sự của một cô gái từ bỏ người yêu làm công nhân để đến với những người cùng trình độ, kiếm ra nhiều tiền. Đọc bình luận, chị giật mình khi hàng nghìn bình luận chê bai, trách móc, sỉ vả của các em nên phải vào đây viết vài.
Cuộc sống là phải vậy, phải biết chọn con đường sáng cho mình để mình được sung sướng. Chị đây K48, cũng có người yêu làm công nhân nuôi chị từ năm nhất đến hết đại học. Thậm chí, anh ấy còn lo cho chị tất cả từ ăn uống, quần áo, giày dép, đến tiền tiêu hàng tháng. Để có tiền lo cho chị, anh ta đi làm tù 5 giờ sáng, rồi phải làm thêm đến 10 giờ đêm ở bến xe Long Biên.
Chị cũng rất cảm động nhưng chị phải xác định rõ ngay là không bao giờ cưới anh ấy. Sinh ra ở Kim Động (Hưng Yên) chị chịu quá đủ cái nghèo rồi, không muốn nghĩ đến cảnh chăn bò gặt lúa nữa.
Và bây giờ, ở tuổi 30, chị có chồng người Hà Nội, việc làm ổn định nhàn nhã lương cao (cùng công ty chồng), đi làm như đi chơi, sống trong chung cư cao cấp ở nội đô, đi xe ô tô, điện thoại xịn, hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ, để ông bà sống dư giả, vui vẻ.
Chị cũng không hề cảm thấy có lỗi với anh người yêu cũ vì cuộc đời là cuộc chiến, phải có người thắng người thua. Anh ta cũng hoàn toàn tự nguyện chứ chị không ép. Chị cũng đem đến cho anh ta niềm hạnh phúc được yêu và được quan tâm, chăm sóc cho người mình yêu. Đó mới là cảm xúc vô giá.
Các em đều là những cô cậu sinh viên còn trẻ nên chưa hiểu được xã hội này tàn khốc như thế nào. Tiền chưa chắc đã mua được tiên nhưng chắc chắn mua được ô tô, nhà cửa, quần áo, điện thoại và 1 cuộc sống ở đẳng cấp ai cũng phải khao khát, nể trọng.
Đừng nghĩ đến tình nghĩa vì tình nghĩa không giúp em vượt qua được khó khăn mà chỉ có dựa vào ai đó có đủ khả năng giúp mình vượt qua mà thôi.
Ai chả muốn cái lợi về mình nên phải tranh đấu mà giành lấy. Khi các em ra trường chật vật tìm việc rồi tìm cách trụ lại Hà Nội thì một anh người yêu làm công nhân không thể giúp gì ngoài mấy lời động viên sáo rỗng.
Lúc ấy phải có người mà mình chỉ cần gật đầu yêu họ là có ngay tất cả: 1 công việc mơ ước, 1 người yêu ai cũng ghen tỵ, những cuộc hẹn hò ở nhà hàng sang trọng, được tiếp xúc với tầng lớp thượng lưu chứ không phải là loanh quanh ở xóm trọ nấu cơm rồi đạp xe đi ăn chè, ăn ốc, gặp người lao động phổ thông lương 3 cọc 3 đồng.
Đó là tất cả những gì chị muốn nói hy vọng bọn em sẽ hiểu thế nào là sống thực tế và không để bản thân phải khổ”.
Bài viết nhận được hơn 30.000 lượt chia sẻ và hơn 4.000 người chia sẻ sự phẫn nộ. Chủ nhân dòng tâm sự muốn phản bác lại cách sống thiếu thực tế của “đàn em” mà cụ thể là bất chấp yêu và cưới một chàng trai nghèo.
Khá nhiều người đồng ý với quan điểm của chủ nhân bài viết. Cuộc sống khắc nghiệt của người trưởng thành khiến họ phải thực tế đến phũ phàng.
Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng, thực tế và thực dụng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và cách sống mà chủ nhân bài viết nhắc đến là thực dụng đến đáng ghê tởm.
“Sống thực tế khác với thực dụng. Nếu chị đã chắc chắn không bao giờ lấy anh công nhân làm chồng thì đừng nhận tiền anh ấy đưa. Anh công nhân cho chị tiền, chị cho anh ấy tình yêu và hạnh phúc? Ồ, vậy cái hạnh phúc ấy đắt giá quá. Vô giá gì nữa khi mà đó là sự tính toán hả chị? À phải nói là hóa ra tình cảm của chị cũng chỉ đáng từng ấy tiền.
Chị có thể tự kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình, sau rồi giữa anh công nhân và anh giám đốc chị có thể chọn một mà chả ai có quyền trách móc”, nick name Hoa Huệ Nguyễn bình luận.
“Rồi một ngày anh chồng giàu ngoại tình, để chị khô héo trong cô đơn vì anh ấy cũng sống thực tế “chị già và xấu rồi”. Lúc đó, có khi chị lại ngồi viết tâm sự “cuộc sống quan trọng nhất là tình yêu””, một nick name khác mỉa mai.