"Dù chỉ một lần xin hãy coi em như là vợ anh, là mẹ của con anh, chứ không phải là một người đàn bà đẻ thuê”
Tiếng cổng sắt vang lên làm Phượng giật mình. Hàng ngày, cứ vào khung giờ quen thuộc này là anh lại đến. Có lẽ vì mải nghĩ về những điều cô vừa biết nên Phượng không nhận thấy anh đã tới. Thấy tiếng động, Phượng hốt hoảng nhìn ra ngoài. Cái bóng dáng vất vả đầy tội nghiệp của Trực bước vào làm Phượng không khỏi xúc động:
- "Gà tần này, em ăn đi cho nóng. Tan làm anh đi mua rồi vào đây thật nhanh để em ăn đấy. Ăn đi."
Không để Phượng nói câu trả lời, Trực đon đả chạy lại lấy bát và thìa. Anh lúc nào cũng hấp tấp, vội vàng và dường như luôn không có phút giây ngơi nghỉ từ khi anh đến cho tới lúc về. Một cái hắt hơi, một chút mệt mỏi bộc lộ trên gương mặt, một cảm giác buồn vu vơ của Phượng cũng khiến anh lo sốt vó.
- "Em ăn đi, hay để anh đút cho em nhé!" – Trực ngồi lại bên Phượng, anh muốn tự tay chăm sóc cho người phụ nữ mang trong mình giọt máu mà anh yêu thương.
- "Thôi được rồi, để em tự ăn được mà. Anh đút em lại ăn lâu hơn đấy chứ. Mà từ giờ, anh không phải mua cho em nữa đâu. Tan làm, chẳng được bao nhiêu thời gian, anh đi vội vàng như thế khéo mà có chuyện gì thì sao?"
- "Em có khéo lo, anh đi cẩn thận làm sao mà có chuyện được. Thôi em ăn đi, anh chờ em ăn xong mới về".
Sự âu yếm, ân cần, chăm sóc của anh khiến Phượng cảm động và yêu anh lúc nào không biết (Ảnh minh họa)
Phượng bưng bát đồ ăn nóng hổi mà anh mua về lên miệng, nước mắt cô cứ trực trào ra. Cổ họng nghẹn lại, cô quay mặt vào trong để che giấu đi nước mắt đang lăn dài. Thấy dáng vẻ khác thường của Phượng, Trực lại sốt vó lên vì lo lắng:
- “Em sao thế, nghẹn không ăn được à? Hay là nóng, hay là nó nấu không ngon? Hay em bị nghén thấy khó chịu. Không sao, nếu em không thích anh mua cái khác. Em thích ăn gì, em cứ nói đi anh sẽ đi mua về cho em…"
Anh càng nói thì Phượng càng khóc. Cô cứ thế mà òa lên nức nở. Giá mà cô có thể nói cho anh hiểu cảm giác trong lòng cô lúc này. Nhưng làm sao có thể đây? Bởi vì cô chỉ là danh phận của một người đàn bà đẻ thuê.
- “Em không sao cả, chắc tại có bầu… em hơi khó chịu chút thôi. Anh để đồ ở đây, lát nguội em ăn, giờ anh về đi kẻo muộn. Dù sao cũng tối rồi. Chị ấy chắc cũng đang đợi anh”.
- “Nhưng…”
- “Không nhưng gì cả, em ổn mà. Em tự biết lo cho thân mình…”
Vậy là Trực về. Anh có vẻ không an tâm lắm khi chưa nhìn thấy tận mắt Phượng ăn đồ mà mình mua về. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, anh phải ra về vì có một người cần anh trong căn nhà khác. Đó là vợ anh.
Nhìn bóng Trực khuất dần khỏi con ngõ vắng người qua lại, cứ thế Phượng bật khóc với chính mình. Cô ôm bụng, nơi có đứa con sắp chào đời của mình… Cái ước ao, khao khát về một gia đình chưa bao giờ mạnh mẽ và nhiều đến như vậy. Nhưng đạo đức của một con người khiến Phượng không thể làm gì hơn ngoại trừ việc im lặng.
Phượng bước vào căn phòng của mình. Mọi thứ đều trống trải và cô liêu. Những món đồ, những tiện nghi mà Trực sắm cho cô không làm cho căn phòng này có chút gì đó ấm áp. Cô khao khát một tổ ấm thực sự, một người đàn ông làm chỗ dựa cho mình, một người đàn ông không cần chăm sóc cô tận tình đến thế nhưng người đàn ông đó không ghé lại như cách mà Trực làm. Người đàn ông đó sẽ ở lại, sẽ coi căn nhà này là tổ ấm và coi cô là… vợ.
Cả đêm hôm ấy Phượng không sao ngủ được. Cô cứ thổn thức và nghĩ mãi về người đàn ông mà vì anh cô đang mang bầu. Cô nhớ lại, lời hứa, một vụ mua bán, đổi trác mà “hàng hóa” thật sự khác thường: một đứa con.
Phượng đã khao khát một gia đình, một người chồng thực sự. Nhưng không thể, vì cô là người đến sau (Ảnh minh họa)
Vợ anh không thể sinh được con. Gần 10 năm rong ruổi, chạy chữa khắp nơi nhưng kết quả gần như vô vọng. Giữa lúc đó, anh gặp cô, một cô gái vừa trải qua mối tình đầu cay nghiệt với gã đàn ông Sở Khanh, lừa tình. Cô phá bỏ đứa con của mình, sống kiệt quệ không biết đến ngày mai. Và khi ấy, anh đã nhờ cô giúp, một sự cầu cứu thực sự chứ không phải là một bản hợp đồng.
Anh mong cô hãy giúp anh, cho anh có một đứa con của riêng mình. Nhưng anh cũng nói, anh không thể bỏ vợ. Anh không để cô thiệt thòi điều gì, chỉ cần cô muốn anh sẵn sàng đáp ứng. Miễn sao cô chấp nhận sinh cho anh một đứa con, thế là được.
Và cuối cùng Phượng đồng ý. Suy nghĩ lúc đó trong cô là gì? Đơn giản là để có tiền, để có một cuộc sống đỡ vất vả hơn những tháng ngày mà cô đã trải qua. Đơn giản vậy thôi. Còn tình yêu, cô đã nhận đủ những đớn đau từ nó, vậy nên, cô không nghĩ mình cần yêu thêm một lần nữa.
Nhưng đứa bé, sợi dây vô hình đó đã khiến cô yêu thực sự. Hay là vì anh – một người đàn ông quá tử tế, hiền lành và cái cách mà anh chăm sóc Phượng đã khiến cô không thể nào ngừng yêu anh. Cô không còn nghĩ đứa bé là kết quả của một bản hợp đồng mà hai bên cùng có lợi. Với cô, nó là kết tinh của tình yêu, dù chỉ là một mối tình đơn phương từ cô mà thôi. Bởi lẽ với anh, tình yêu lớn nhất đã dành cho vợ mất rồi.
Phượng im lặng một thời gian dài sau đấy. Cô luôn tự nhủ với chính mình rằng những gì mà anh làm vì cô là vì anh đang thương đứa con trong bụng. Với anh, cô chỉ là một người đàn bà làm nhiệm vụ đẻ thuê. Chỉ là một người đẻ thuê, không hơn, không kém. Phượng nghĩ thế, để không thấy tim mình đau đớn, để có thể chôn chặt thứ tình yêu cứ mỗi lúc một lớn dần.
Phượng trở dạ giữa đêm. Cô đi sinh con, cô đã chờ đợi ngày này suốt 9 tháng qua. Cô muốn bấm số gọi cho anh nhưng rồi cô không làm thế. Cô cầu cứu một người bạn thân. Hai người vào bệnh viện. Đêm hôm ấy, trời trở gió. Cơn gió lạnh đầu mùa. Phượng bế bồng trên tay đứa con trai. Nó là tình yêu của cô… Của cô với Trực và của cô với chính mình.
"Dù chỉ một lần xin hãy coi em như là vợ anh, là mẹ của con anh, chứ không phải là một người đàn bà đẻ thuê” (Ảnh minh họa)
2 ngày sau Trực đến bệnh viện. Người bạn của Phượng bồng đứa bé và ngồi đợi anh.
- “Phượng xin chuyển đi rồi. Phượng gửi lại cho anh lá thư này và cả đứa nhỏ nữa. Anh hãy chăm sóc cháu bằng tất cả những gì tốt nhất nhé. Em tin là Phượng rất đau khổ nhưng có lẽ cô ấy sẽ không đặt niềm tin nhầm người. Hi vọng anh lo được cho cháu một tương lai tốt đẹp”.
Trực run run lần mở bức thư. Lá thư chỉ có vài dòng ngắn ngủi:
- “Em đã từng nghĩ em chỉ là một đứa đẻ thuê, chỉ đơn giản là sinh cho anh một đứa con và kiếm cho mình một khoản tiền. Nhưng không phải thế. Anh mang tới cho em nhiều thứ hơn là món tiền ấy. Đó là tình yêu. Em gửi lại con cho anh, gửi lại tình yêu lớn nhất cuộc đời em. Hi vọng rằng, anh sẽ coi em, dù chỉ một lần, như là vợ, như là mẹ của con anh, chứ không phải là một người đàn bà đẻ thuê”