Chia tay người yêu rồi vội vàng kết hôn với người tiếp theo để lấp khoảng trống. Liệu hôn nhân từ hững cuộc tình “lấy tạm” ấy có hạnh phúc?
Nhiều người trẻ yêu lâu năm khi chia tay hụt hẫng về tâm lí mà nhanh chóng gặp gỡ, kết hôn với một người khác. Hậu quả của những cuộc hôn nhân "chớp nhoáng" đó là chuỗi những khổ đau và bất hạnh.
Chồng thờ ơ sau hôn nhân
Mối tình đầu của chị Nguyễn Thị Thủy ( khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) là anh bạn học cùng thời phổ thông. Yêu nhau suốt 3 năm những tưởng cả 2 sẽ có một đám cưới hạnh phúc nhưng chị bị phản bội. Trước cú sốc tình cảm chị “vơ vội” một anh chàng gần nhà do gia đình gán ghép. Chị 28, anh hơn chị 5 tuổi, tính tình ít nói, làm bảo vệ ở một ngân hàng.
Cuộc sống sau hôn nhân của chị Thủy là những chuỗi ngày đầy mệt mỏi vì chồng hờ hững
Chị và anh quyết định kết hôn trong sự vui mừng của gia đình. Mọi người cũng lo lắng trước những ngày khủng hoảng tinh thần của chị Thủy, giờ con đồng ý đến với người mới cả nhà như mở cờ trong bụng. Sau 3 tháng, chị có bầu. Những tưởng niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nhưng tình thế thay đổi.
Chẳng hiểu sao từ ngày chị bầu bí anh trở nên lạnh nhạt, ít nói, ít cười với vợ. Chị chạnh lòng. Tình cảm của cả hai cứ âm thầm rạn nứt. Anh hay trực đêm và chị lại lủi thủi 1 mình. Sáng hôm sau khi anh về, chị đã đi làm, cả hai ít khi chạm mặt.
Có những lúc chị nhìn anh mà nghĩ tới người yêu cũ. Cả hai người đàn ông đi qua cuộc đời chị đã cho chị những giây phút xao xuyến, yêu thương nhưng rốt cuộc, chị thất vọng. Chị Thủy sinh con. Anh cũng vẫn thế, chẳng thay tính đổi nết. Hai vợ chồng như hai cái bóng lầm lũi trong căn nhà mới xây, lạnh nhạt.
Cu Bi 1 tuổi, bi bô hàng ngày và lon ton đón bố trước ngõ mỗi chiều về nhưng anh cũng thờ ơ nốt. Cuộc sống gia đình rạn nứt. Có những khi chị cảm nhận trong ngôi nhà ấy chẳng có bóng dáng anh, chỉ có chị với bé Bi hiện hữu. Chị vẫn đang sống những ngày tháng tẻ nhạt ấy với người chồng “vơ vội”.
Cả yêu và kết hôn trong 6 tháng
Yêu là kết hôn vẻn vẹn trong 6 tháng là trường hợp của Nguyễn Ngọc Nam (Thường Tín, Hà Nội). Cho đến bây giờ, bạn bè của Nam vẫn chưa hết bất ngờ trước đám cưới của cậu. Thậm chí trước ngày cưới 1 tuần, nhiều người vẫn chúc mừng Nam: “ Yêu nhau 4 năm giờ mới cưới là của hiếm đấy”. Không ai nghĩ Nam cưới một người khác chứ không phải là cô gái mà anh yêu bao năm.
Nam và Hương (vợ anh bây giờ) tính ra thời gian yêu chỉ vẻn vẹn vài tháng. Những ngày đầu tiên khi được giới thiệu Nam cũng đến chơi nhà Hương theo lối truyền thống của các cụ. Trai gái cùng làng dù chưa quen nhưng tự đi “tìm hiểu”. Ban đầu, Hương cũng lấp lửng chưa thích thú với sự có mặt của “gã trai làng” nhưng mưa dầm thấm đất, sau 2 tháng tình cảm của cả hai cũng tiến bộ hơn. Tuy nhiên Nam vẫn chưa quên hẳn được mối tình đầu là Trang. Nam hẹn hò, tán tỉnh Hương cũng chỉ vì muốn lấp đi khoảng trống tình cảm.
Nam gồi tính thêm "kế" để kinh doanh trang trải cuộc sống
Tháng thứ 3 hẹn hò, tình thế thay đổi. Hương thấy thích Nam hơn nhiều so với những ngày đầu. Mới quen, mới thích nhưng cả hai cũng hay xảy ra những bất đồng nhỏ và có cả giận dỗi. Cả hai cứ qua lại cho đến tháng thứ 6, Nam thông báo với bạn bè sẽ cưới vợ. Tất cả họ hàng, bạn bè đều ngỡ ngàng trước tin “sét đánh” ấy. Nhiều người nghĩ Nam trêu đùa vì tốc độ “đốt cháy giai đoạn” đến chóng mặt.
Nam kết hôn vì “bác sĩ bảo cưới”. Một đám cưới vội vã diễn ra và sau đó là chuỗi ngày cãi vã sau hôn nhân. Hương vẫn đang đi học năm thứ 3 của trường sư phạm, lấy chồng và có bầu đồng nghĩa với việc cô thôi học. Nam cũng nghỉ chỗ làm cũ vì lương thấp, đi lại xa chờ tìm việc mới.
Hương sinh con, tài chính của vợ chồng không có. Tiền sữa, bỉm... hàng ngày bố mẹ Nam vẫn chu cấp cho vợ chồng Nam. Vòng luẩn quẩn tài chính khiến những cãi vã nhiều hơn. Đã có những lúc Nam thấy hối hận vì sự vồn vã của mình.
Hôn nhân: Đừng cưới chỉ vì lấp chỗ trống
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung - Giảng viên kỹ năng sống Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho biết : Bất cứ sự đổ vỡ nào cũng cần có thời gian để ta vượt qua những đau khổ, dằn vặt, những tủi hổ và cả những tổn thương. Tuy nhiên, một số người lại chọn cách yêu nhanh, cưới vội những mong lấp đầy khoảng trống cô độc sau đổ vỡ đó. Yêu một người mới khi trái tim còn chưa bình ổn, cần sự vỗ về cũng có thể coi là một cách để chữa lành vết thương, tuy nhiên hiệu quả không cao và không phải trường hợp nào cũng thành công. Những trường hợp đó, một phần vì tình yêu chỉ xuất phát từ nhu cầu "lấp đầy", một phần vì những tình cảm cho người cũ vẫn còn nên khó lòng thực sự yêu người mới.
Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Trang Nhung
Đây là một dạng tình cảm ích kỉ, lấy người này làm "thuốc" chữa bệnh do người khác gây ra nên tiếp tục gây tổn thương cho cả hai trong cuộc tình mới. Yêu vội sau chia tay đã là không nên, cưới nhanh sau đổ vỡ càng là sai lầm bởi những quyết định đi dược đưa ra do xúc cảm chi phối hầu hết là những quyết định gây hối tiếc.
Hôn nhân là chuyện của "yêu - thấu hiểu - chấp nhận - trách nhiệm", thế nên đồng ý cưới một ai đó chỉ để lấp đầy khoảng trống, để "trả thù - dằn mặt" người yêu cũ hoặc để chứng tỏ cái tôi là một quyết định thiếu trách nhiệm với chính bản thân bởi nó chỉ xuất phát từ nguyên nhân chính là "do người yêu cũ", không xuất phát từ những nền tảng quan trọng cần có cho hôn nhân. Với xuất phát điểm như vậy, hôn nhân sẽ rất nhanh chóng rơi vào hố sâu của khủng hoảng do hai người thiếu sự "yêu - thấu hiểu - chấp nhận - trách nhiệm". Khi ấy cuộc sống gia đình sẽ thực sự là một vấn đề lớn, con thuyền hôn nhân sẽ dễ chòng hành trước sóng gió "chắc chắn sẽ có" và nguy cơ tan vỡ luôn nằm ở nhóm cực kỳ cao.
Vì thế, hãy cho bản thân thời gian để chiêm nghiệm và rút ra bài học từ nỗi đau đã có, để biết cách chọn đúng người, đúng thời điểm để đầu tư tình cảm đúng nơi đúng chỗ, để thu được trái ngọt yêu thương đúng như mong đợi. Đừng sai lầm nối tiếp sai lầm khi chưa rút chân hoàn toàn khỏi khổ đau cũ đã vội dấn thân vào câu chuyện mới khi chưa tự rút ra bài học cho bản thân.