Nhiều chị em vô cùng khó chịu thậm chí là đau đớn vì những cơn chuột rút xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt. Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Theo các nghiên cứu của Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), cứ 10 phụ nữ thì có khoảng 1 người bị chuột rút hoặc đau bụng nghiêm trọng trong thời kỳ "đèn đỏ". Hiện tượng chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt là do các cơn co bình thường của tử cung. Trong thời gian "đèn đỏ", các cơn co thắt tử cung thường mạnh hơn và điều này khiến bạn bị đau đớn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do prostaglandin. Prostaglandin là một chất tự nhiên của cơ thể, gây co thắt tử cung.
Hiện tượng chuột rút trong kỳ kinh nguyệt sẽ xảy ra ở bụng, lưng dưới, thậm chí lan xuống cả 2 chân khiến chị em vô cùng đau đớn và khó chịu. Mặc dù nó sẽ qua đi nhanh chóng nhưng vẫn khiến chị em cảm thấy mệt mỏi, hãy tận dụng những biện pháp dưới đây để giảm tình trạng chuột rút khó chịu này nhé:
Cơn chuột rút và đau bụng trong kỳ kinh khiến chị em vô cùng khó chịu (Ảnh minh họa)
"Cai" sữa trong kỳ "đèn đỏ"
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể bạn trong những ngày "đèn đỏ" nhạy cảm này. Các chuyên gia khuyên chị em nên cắt giảm lượng sữa mà bạn uống trong thời kỳ này để giảm thiểu nguy cơ chuyệt rút và chướng bụng. Bạn cũng nên tránh các loại đồ ăn có nhiều dầu mỡ trong giai đoạn này.
Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều rau, củ quả và uống nhiều nước, cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể chính là cách đơn giản nhất để bạn làm sạch lượng estrogen còn dư thừa trong cơ thể (đây là loại hormone khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn và tình trạng chuột rút, chướng bụng tăng nặng hơn).
Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng Vitamin E, thiamine (vitamin B1) và Omega-3 có thể giúp giảm đau bụng kinh và chứng chuột rút trong kỳ "đèn đỏ" 1 cách hiệu quả.
Kẽm và canxi cũng rất hữu ích với tình trạng này. Tuy nhiên, đừng dại mà uống sữa trong những ngày "đèn đỏ" nhé.
Canxi và mangan cũng có tác dụng trong việc làm giảm đau nhức cơ bắp, nhưng bạn phải bổ sung nó đều đặn mỗi ngày trong vòng 2-3 tháng mới có tác dụng.
Bạn nên trao đổi với bác sỹ vì đó có thể là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng của hệ sinh sản như lạc nội mạc tử cung... (Ảnh minh họa)
Trao đổi với bác sỹ về tình trạng thường gặp trong kỳ "đèn đỏ"
Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị tình trạng đau bụng hoặc chuột rút trong kỳ kinh nguyệt thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu chúng thường xuyên xuất hiện và ngày càng nặng nề hơn thì tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sỹ. Vì các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu hoặc nặng hơn là bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung... Với các bệnh lý nghiêm trọng này, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách sẽ tốt cho hệ sinh sản của bạn.
Uống thuốc giảm đau ngay khi "đèn đỏ" xuất hiện
Nếu sau khi khám bệnh và khẳng định các cơn đau bụng hoặc chuột rút của bạn không phải là triệu chứng của các bệnh nguy hiểm, bạn có thể nhờ bác sỹ kê đơn cho 1 vài loại thuốc giảm đau cần thiết. Bạn có thể bắt đầu uống thuốc ngay khi đến chu kỳ để làm giảm các triệu chứng đau đớn, khó chịu mà nó mang lại cho cơ thể bạn.
Dùng thuốc tránh thai hằng ngày
Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng nó hoàn toàn là sự thật. Thuốc tránh hằng ngày có chứa các loại hormone có thể ngăn cản sự rụng trứng và làm giảm tình trạng đau bụng hoặc chuột rút trong chu kỳ kinh nguyệt.
Nhiều người cảm thấy nằm sấp dễ chịu hơn trong những ngày khó chịu này (Ảnh minh họa)
Bạn cũng có thể dùng các biện pháp tránh thai có nội tiết tố như que tránh thai, thuốc tránh thai dạng tiêm... vì chúng đều có chung cơ chế hoạt động với thuốc tránh thai hằng ngày.
Tuy nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần, khi bạn ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai này, tình trạng đau bụng kinh và chuột rút sẽ quay trở lại, thậm chí có thể tăng nặng hơn trước đó.
Thay đổi tư thế nằm
Đôi khi việc thay đổi tư thế nằm cũng có thể giúp bạn dễ chịu hơn khi cơn đau bụng hoặc chuột rút xuất hiện. Thay vì nằm ngửa, bạn nên nằm "cong" như con tôm với 2 chân áp sát vào bụng hoặc nằm sấp xuống giường để cảm thấy thoải mái hơn. Bạn cũng có thể nằm ngửa và đặt 2 chân cao lên trên 1 chiếc gối. Tư thế này cũng có thể giúp bạn trải qua cơn đau 1 cách nhẹ nhàng hơn.
Chườm bụng với túi nước nóng
Hơi ấm từ túi chườm có thể giúp các cơ bắp của bạn được thư giãn và giảm sự co bóp gây đau bụng hoặc chuột rút trong kỳ "đèn đỏ".
Nếu bạn không có túi chườm, rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng 1 chiếc khăn mặt nóng hoặc cho nước nóng vào 1 cái chai và lăn đều nó trên bụng của bạn. Hãy sáng tạo 1 chút để nhanh chóng thoát khỏi cơn đau nhé!
Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc dùng các biện pháp hỗ trợ lâu dài như yoga, châm cứu, massage sẽ giúp chị em hạn chế cơn chuột rút và đau bụng kinh
Tập thể dục nhẹ nhàng
Nhiều người thường hạn chế vận động trong ngày "đèn đỏ" vì cho rằng điều đó có thể làm cơn đau bụng và chuột rút của họ thêm trầm trọng. Nhưng điều này hoàn toàn là sai lầm. Bạn nên vận động và tập luyện, kể cả trong ngày "đèn đỏ" vì đó là cách đơn giản nhất để bạn thoát khỏi những rắc rối mà nó mang lại cho bạn.
Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng, chạy bước nhỏ trên máy chạy bộ, đi xe đạp dạo 1 vòng quanh nhà hoặc tập bất kỳ bài tập nào khác mà bạn yêu thích. Sự vận động sẽ làm tăng lưu lượng máu đến các bộ phận trong cơ thể và giúp giải quyết tốt nhất tình trạng chuột rút và đau bụng kinh.
Dùng các biện pháp hỗ trợ lâu dài
Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các biện pháp hỗ trợ khác như châm cứu, tập yoga, massage hoặc thiền định để giải tỏa căng thẳng... đây đều là những biện pháp có thể giúp giảm tình trạng chuột rút và đau bụng kinh của bạn. Biện pháp châm cứu đã được sử dụng như một phương pháp giảm đau hiệu quả trong hơn 2.000 năm qua. Yoga và thiền định giúp khỏe trí não và khí huyết lưu thông. Massage cũng giúp giảm đau và thư giãn hiệu quả.Tuy nhiên, đây đều là những biện pháp hỗ trợ lâu dài và bạn cần phải hết sức kiên nhẫn khi lựa chọn chúng.