Bác sĩ sản phụ mách 16 NÊN giúp giảm phù nề cho mẹ bầu, làm theo chân dễ chịu lại dễ dàng vượt cạn

Thảo Nguyên - Ngày 05/11/2022 09:00 AM (GMT+7)

Phù nề chân tay có thể khiến nhiều mẹ bầu đi lại bất tiện, thậm chí gây đau đớn.

Khi mang thai, do chất lỏng dư thừa tràn vào trong các mô khiến nhiều mẹ bầu bị phù nề chân. Đây là tình trạng rất phổ biến khi mang thai. Nhiều mẹ bầu có thể bị phù chân rõ hơn vào cuối ngày hoặc sau khi đi bộ cả ngày. Sau sinh, hiện tượng này sẽ tự động biến mất.

Trong quá trình bầu bí, nếu chân bị phù kèm theo triệu chứng như đau bụng, đi tiểu không đều, buồn nôn và đau đầu hoặc thay đổi thị lực thì mẹ bầu cần phải đi khám sớm. Bởi nếu tình trạng sưng, phù xảy ra cả ở tay và mặt, rất có thể bạn bị tăng huyết áp cao, hội chứng tiền sản giật gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

Bác sĩ sản phụ mách 16 NÊN giúp giảm phù nề cho mẹ bầu, làm theo chân dễ chịu lại dễ dàng vượt cạn - 1

Thực tế, theo bác sĩ Đặng Tiến Long (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) để giảm bớt khó chịu, giúp thoải mái và dễ chịu nhất trong sinh hoạt, mẹ bầu có thể áp dụng những mẹo sau. Đặc biệt, các biện pháp trên không chỉ giúp khắc phục tình trạng đôi bàn chân bị phù nề mà còn giúp các mẹ dễ dàng vượt cạn về sau.

1. Nên duỗi thẳng chân khi ngồi, không ngồi lâu một chỗ, không vắt chéo chân vì sẽ khiến máu khó lưu thông. Khi nằm nên kê cao chân bằng gối.

2. Nên thường xuyên mát xa, tập thể dục bàn chân. Mẹ bầu có thể thực hiện các động tác khi đứng hoặc ngồi, sẽ giúp cải thiện sự lưu thông máu, giảm phù nề chân, ngăn ngừa chuột rút ở bắp chân như uốn cong, duỗi chân lên xuống 30 lần, xoay chân theo hình tròn 8 lần theo một chiều và 8 lần theo chiều ngược lại.

3. Nên nằm nghiêng bên trái khi ngủ giúp tử cung không chèn vào các tĩnh mạch ở khung chậu, giảm áp lực từ tĩnh mạch chủ khi đưa máu từ thân dưới về tim

4. Nên mang giày dép thoải mái, không mang đôi đép có quai chật hoặc cao gót. Bà bầu nên chọn đi những loại giày và dép thoải mái, có thể hở rộng một chút, đế thấp, bằng.

5. Nên mặc quần áo rộng rãi, không mặc quần áo bó sát vì sẽ hạn chế khả năng lưu thông máu.

Khi mang thai, do chất lỏng dư thừa tràn vào trong các mô khiến nhiều mẹ bầu bị phù nề chân (Ảnh minh họa)

Khi mang thai, do chất lỏng dư thừa tràn vào trong các mô khiến nhiều mẹ bầu bị phù nề chân (Ảnh minh họa)

6. Nên hạn chế đeo tất, nhất là những loại tất có dây buộc chặt ở mắt cá chân, bắp chân. Nên sử dụng loại tất dành riêng cho bà bầu.

7. Nên tập thể dục thường xuyên, vận động nhẹ nhàng, vừa phải bằng cách đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga sẽ giúp máu dễ dàng lưu thông.

8. Nên đứng hoặc đi bộ trong hồ bơi vì áp lực của nước sẽ giúp giảm sưng tạm thời.

9. Nên uống nhiều nước vì nếu mẹ bầu để mất nước, cơ thể sẽ cố gắng để giữ được nhiều chất lỏng hơn, dẫn đến tình trạng sưng phù nặng hơn. Phụ nữ mang thai được khuyên nên uống 10 cốc nước mỗi ngày (tương ứng 2,4 lít nước).

10. Nên ngâm chân 10-15 phút trong nước ấm trước khi ngủ sẽ giúp cơ thể cảm thấy thư giãn, tuần hoàn máu được tốt hơn, giảm sưng phù.

11. Nên cố gắng giữ mát cho cơ thể trong điều kiện thời tiết oi bức để giảm khó chịu khi mang bầu.

12. Nên hạn chế ăn mặn, giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn.

13. Nên bổ sung Kali: Nếu mẹ bầu phù chân do thiếu Kali thì hãy nhanh chóng bổ sung trong khẩu phần ăn bằng những thực phẩm giàu kali như cải bó xôi, nước cam, dưa hấu, chuối, sữa chua, các sản phẩm từ đậu nành.

14. Nên hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, thịt hộp, vì trong những thực phẩm này có chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đây cũng là yếu tố dễ gây phù nề.

Nên duỗi thẳng chân khi ngồi, không ngồi lâu một chỗ (Ảnh minh họa)

Nên duỗi thẳng chân khi ngồi, không ngồi lâu một chỗ (Ảnh minh họa)

15. Nên giảm sử dụng cafein trong thai kỳ vì cafein trong cà phê, trà có xu hướng gây giữ nước.

16. Nên tuân thủ theo một chế độ ăn uống cân bằng và khoa học như ăn nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều protein như đậu lăng, các sản phẩm từ sữa. Ăn nhiều rau xanh như cải bắp, đậu lăng, rau bina. Ngoài ra cần bổ sung các loại trái cây như táo, đu đủ và ổi. Khuyến khích ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin, canxi, và kẽm. Nên ăn những loại thực phẩm giàu vitamin E như rau bina, dầu quả hạnh, khoai lang, hạt hướng dương….

Có những bí quyết này, mẹ bầu chẳng còn lo phù chân tay tháng cuối thai kỳ
Giảm sưng, phù chân tay ở những tháng cuối thai kỳ chủ yếu dựa vào việc điều chỉnh chế độ ăn uống.

Tai nạn giao thông mới nhất

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sổ tay mang thai