Phụ nữ chúng tôi có cách yêu bóng đá như thế này

Ngày 27/01/2018 08:11 AM (GMT+7)

Phụ nữ có thể chẳng biết gì về chiến thuật, vị trí hay tên các cầu thủ nhưng, chỉ cần một câu hỏi “mình thắng chưa?” đã thấy ấm lòng, bởi chữ “mình” giờ không còn là của riêng mà là của tất cả những người có cùng tình yêu bóng đá.

Ngày hôm nay vào lúc 15 giờ những tuyến đường vốn đông đúc nhất của Hà Nội và ở rất nhiều tỉnh, thành phố đều vắng lặng.

Bà bán cá ngoài chợ bảo ô kìa hôm nay ngoài đường toàn phụ nữ, chẳng thấy đàn ông. Ừ, đàn ông họ đang túm tụm ở cái màn hình màu xanh rồi, mà đâu chỉ đàn ông, người cứ ở đâu hết, thi thoảng chỉ thấy tiếng reo hò, thi thoảng lại yên ắng, cứ như cả thành phố đang cùng dõi theo một câu chuyện, cùng khóc, cùng cười, cùng ngồi trong một rạp chiếu phim.

Cái không khí bồn chồn lắng đọng ấy khiến người phụ nữ chúng tôi vốn cả đời không mê trái bóng, thậm chí hay cằn nhằn các ông chồng mê thể thao cũng không thể thờ ơ, đi được một đoạn là mắt lại bất giác nhìn lên màn hình gần nhất, chạm tay vào ai sẽ hỏi: Thế nào rồi? Mình thắng chưa? Cái chữ "mình" thông thường nó ích kỷ lắm. Của riêng mình, là của mình chứ không phải của ai khác, mình là cái cõi vô tình độc đoán lắm thay. Cứ thử ai đụng vào mình, ai lấy gì của mình xem, dễ gì mà được.

Ấy vậy mà hôm nay chữ "mình" là chung đấy nhé. Đội tuyển của chúng mình, nước mình, cả dân tộc của mình, hi vọng của chúng mình, chiến thắng rồi, chiến thắng này là của chung. Người ta bỗng nhân từ với nhau hơn và với mình hơn nhường ấy, cứ như tu hành đắc đạo, là nhờ một trái bóng thật ư?

Phụ nữ chúng tôi có cách yêu bóng đá như thế này - 1

Dòng người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng U23 Việt Nam vaò Chung kết U23 Châu Á

Ba tiếng đồng hồ ở trên sân cỏ với một trái bóng có điều gì kỳ diệu mà làm người ta sung sướng nỗi vậy.

Khắp các nẻo đường là màu cờ đỏ sao vàng rợp trời như trong ngày giải phóng, đến cả những cô nàng ma nơ canh ngoài đường cũng không chịu thua ai, đã được thay màu áo đỏ từ lúc nào, chưa có áo đỏ sao vàng thì ta mặc đồ đỏ, quấn chăn đỏ có sao đâu.

Ngay sau chiến thắng của các chàng trai U23 Việt Nam ở trận bán kết có sự hoán đổi kỳ diệu lắm, đường phố ở cái giờ lẽ ra phải đông đúc thì im ắng, cái giờ thông thoáng thì đâu đâu cũng thấy những đoàn cờ hoa rợp phố, đường phố tắc mà chẳng thấy ai kêu la phản ứng gì hết, hình như hôm nay người ta thích tắc đường mà lại còn cười nói vui vẻ nữa kìa. Lỡ chẳng may có va vào ai thì cũng cười thôi, không sợ bị giận.

Mâm hay xoong nồi thì cũng không phải để nấu cơm, thành nhạc cụ cả rồi. Đến mấy cửa hàng mọi hôm bận bịu thế, hôm nay cũng thờ ơ, để ngỏ. Từ nhân viên đến chủ quán, cứ đứng ngoài đường hò hét thôi, có anh cầm rõ nhiều cờ, vợ bảo bán đi, anh nhất định không, không được bán, để mà ăn mừng chứ,…

Hẳn là nhờ trái bóng, đã đưa chúng mình về với những cảm xúc tự nhiên nhất, được vui đùa như một đứa trẻ, gác lại mọi bộn bề lo toan.

Phụ nữ chúng tôi có cách yêu bóng đá như thế này - 2

Người hâm mộ đưa cả mâm, nồi niêu ra đường để gõ ăn mừng

Chuyện gì hôm ấy cũng chỉ có một lý do thôi: Việt Nam thắng rồi mà. Hôm nay là ngày đại xá cho mọi tội lỗi của mình và của người. Tha thứ hết nhé. Đi ra đường nhé, mà đi đâu? Đi đâu cũng là nhà. Đấy, trong đoàn xe đông đúc có những cuộc hội thoại đượm tình đến vậy.

Ngày hôm ấy nên được gọi là ngày đoàn kết, là ngày người ta bỗng dưng nhận ra dòng máu chảy trong tim mình đích thực là máu đỏ da vàng. Nguồn cội, gốc rễ bảo định nghĩa thì mơ hồ lắm lắm, nhưng trong hạnh phúc cùng nhau thì dễ nhận ra.

Có ai trong buổi chiều hôm ấy, trái tim cũng đập mạnh, chỉ muốn gọi loan báo niềm vui này cho một ai đó không, gọi chỉ để nói rằng, ai đó ơi, đội tuyển đã thắng rồi, chúng mình đã làm được những điều không thể rồi, đây không phải là một giấc mơ nữa rồi.

Tình yêu thương ngày hôm ấy dâng đầy và còn lan tỏa đến hôm nay, em ơi, em đã thấy mùa xuân chưa?

>> Xem thêm: Phép lạ U23 Việt Nam: Park Hang Seo “thổi bùng” ký ức Hàn Quốc 2002

Lãn Uy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h