Kính hiển vi là công cụ bóc trần những chất bẩn, vi khuẩn có trong thực phẩm. Vậy trong son môi bạn thường tô mỗi ngày, chúng có gì?
Son môi tuyệt đẹp dưới kính hiển vi với lượt phóng đại tới 1000x.
Son môi có lẽ chính là "vũ khí" lợi hại nhất của phái nữ. Với khả năng thay đổi thần thái của gương mặt không khác gì phẫu thuật thẩm mỹ, thỏi son nhỏ mà "có võ" luôn hiện diện trong chiếc túi xách của chị em mọi lúc mọi nơi. Có nhiều người còn bị "cuồng" son tới mức không thể ra đường nếu thiếu việc đánh son. Thường ngày hay tô son như vậy nhưng nàng có thực sự hiểu về nó?
Một tài khoản TikTok chuyên soi các vật dụng dưới ống kính hiển vi đã giúp chị em bóc trần sự thật những gì có trong thỏi son qua từng lượt phóng đại 100x, 400x và 1000x.
Sáp (Wax)
Sáp là thành phần giúp tạo khuôn cho son đồng thời giúp tạo độ bóng, trơn và độ bám cho môi. Một số tên gọi các loại sáp tự nhiên phổ biến dùng để làm son hiện nay như sáp ong (Beeswax), sáp Carnauba hoặc sáp Brazil (loại sáp lâu tan nhất tất cả và đắt tiền nhất), sáp Candelila và sáp mỡ cừu (được tiết ra bởi các tuyến lông của cừu hoặc một số loại động vật khác).
Hình dạng chiết xuất của các loại sáp cũng khác nhau.
Dầu (Oil)
Bên cạnh sáp thì một thành phần quan trọng khác của thỏi son là dầu. Loại dầu được sử dụng phổ biến nhất là dầu thầu dầu (Castor oil) hoặc một số loại dầu khác như dầu ô liu, dầu khoáng, dầu thực vật, ngoài ra còn có lanolin và coca butter…Dầu giúp làm mềm thỏi son hoặc làm mềm da môi sau khi bôi son, đồng thời tạo độ bóng. Ngoài ra, dầu còn có nhiệm vụ hòa tan những loại chất tạo màu trong son hoặc các chất hòa tan khác.
Dầu và sáp là 2 yếu tố quan trọng, chiếm khoảng 60% - 65% trọng lượng của thỏi son. Nếu để ý bảng thành phần, son dạng sheer (thỏi) sẽ có nhiều thành phần dầu hơn trong khi son dạng creme (kem) chứa nhiều sáp hơn.
Chất tạo màu
Chất tạo màu bao gồm bột màu và sơn dạng lỏng. Tùy vào màu sắc mong muốn của thỏi son mà người ta sẽ sử dụng các chất tạo màu với nguồn gốc khác nhau. Điển hình nhất là chất tạo màu cho son đỏ, còn gọi là Carminic Acid, có nguồn gốc từ một loại bọ cánh kiến đỏ sống trên cây xương rồng. Nó được điều chế bằng cách đun sôi loài côn trùng này trong dung dịch amoniac hoặc natri carbonat, sau đó thêm vào phèn (muốn nhôm kali ngậm nước).
Chất tạo màu mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng đối với một thỏi son bởi nó quyết định màu sắc, vẻ đẹp của đôi môi sau khi thoa son.
Cồn và mùi hương nhân tạo
Cồn được dùng làm chất dung môi giữa sáp và dầu dùng để làm son. Trong khi, các loại mùi hương nhân tạo dùng để che đi mùi hương của các thành phần chất hóa học.
Chất bảo quản và chất chống ô xi hóa
Các chất này được cho vào son để làm tăng hạn sử dụng và giúp ngăn chặn tình trạng son cũ và có mùi hôi. Một số loại Parabens: là thành phần được dùng làm chất bảo quản, có thể gây kích ứng đôi với da nhạy cảm, gây lão hóa da, phá vỡ hệ nội tiết và là nguyên nhân gây ung thư, nếu dùng quá liều lượng cho phép. Trong khi các sản phẩm hiện nay hàm lượng Paraben đều rất thấp (0.01 – 0.3%) so với hàm lượng cho phép là 25%.
Vì thế bạn cũng đừng quá lo lắng khi nhìn thấy thành phần Parabens nằm ở cuối bảng thành phần nhé.
Thành phần tạo hiệu ứng nhũ (Pearl Essence)
Trái ngược với cái tên, Pearl Essence không phải được làm từ bột ngọc trai, mà là được làm từ những lớp vảy lấp lánh của cá như cá trích. Ngoài ra còn có các thành phần có công dụng tương tự như silica và mica. Đây đều là những thành phần giúp son môi có độ sáng lấp lánh sau khi đánh. Loại son này đặc biệt thích hợp cho những dịp đặc biệt như tiệc tùng, lễ hội vào ban đêm vì lớp son sẽ phản chiếu ánh sáng khiến cho làn môi bạn long lanh rạng rỡ.
Ngoài ra, son môi còn chứa một lượng nhỏ các chất làm mềm như Vitamin E (Tocopherol), bơ hạt mỡ (Shea butter) và cây lô hội để tăng độ dưỡng ẩm cho son môi. Những thành phần khác như jojoba oil, chamomile oil và chất tạo màu hữu cơ chiết xuất từ củ nghệ, củ cải đường (beetroot) đều thường được tìm thấy trong nhiều thỏi son.
Một điều mà chị em thường lo lắng về son môi đó là chì. Trong tất cả các thỏi đều chứa một hàm lượng chì nhất định, nhưng trong mức cho phép thì sẽ không có hại cho sức khỏe (không vượt quá 20pmm, khoảng 20 miligram). Theo như báo cáo của Toiletry and Fragrance Association (CTFA) “hàm lượng chì trung bình của một người phụ nữ khi tiếp xúc với mỹ phẩm ít hơn 1.000 lần so với lượng chì hấp thụ từ quá trình ăn, uống và hít thở” đặc biệt là sống ở các trung tâm thủ đô. Do đó, tẩy chay son vì lo lắng hàm lượng chì giống như muối bỏ biển vậy.