Vệ sinh cọ trang điểm là việc làm mà bất kỳ ai có thói quen trang điểm, thường xuyên sử dụng bộ trang điểm phải đều đặn thực hiện.
Các loại mút, cọ trang điểm đối với chị em phụ nữ hay những chuyên gia trang điểm đã quá quen thuộc. Nhiều người có có thói quen sử dụng mỗi ngày, khi đi làm hay đi chơi đều tranh thủ “họa mặt”.
Tiếp xúc trực tiếp với làn da song dụng cụ trang điểm cũng là nơi tồn đọng nhiều loại vi khuẩn. Có thể là từ những mỹ phẩm dư thừa, từ việc làm ẩm mút trước mỗi khi dặm phấn hay thường bọc kín trong túi đựng dụng cụ trang điểm bí bách, tạo điều kiện cho ẩm mốc, vi khuẩn sinh sôi. Chính vì thế, các chuyên gia trang điểm và bác sĩ da liễu khuyên chị em nên thường xuyên làm sạch các loại dụng cụ trang điểm.
Chuyên viên make up Ty Lê chia sẻ clip vệ sinh dụng cụ trang điểm bằng nước rửa tay xà phòng rửa tay vì theo anh, loại nước rửa tay này có khả năng diệt khuẩn tốt. Sau đó sử dụng dầu tẩy trang hoặc dầu dừa và cuối cùng là rửa lại cọ mút một lần nữa bằng sữa rửa mặt.
Phù thủy cô dâu sử dụng mút silicon để chà cọ tới lui giúp loại bỏ hết các loại kem, phấn còn dư thừa. Anh dành lời khuyên chị em nên vệ sinh cọ mút từ 1 - 2 lần/ tuần.
Vlogger Giang ơi cũng chia sẻ cách bản thân giặt cọ “giã chiến” tại nhà với miếng lót nồi silicon và dầu gội đầu.
Hot tiktoker Huyền Phương thường xuyên trang điểm nên cô nàng cũng rất chú ý trong việc vệ sinh các loại cọ mút để đảm bảo sạch sẽ, không kích ứng cho da.
Hoàng Thạch - Một makeup artist chuyên nghiệp đề cao tầm quan trọng của việc xử lý sạch sẽ dụng cụ trang điểm hằng tuần.
Anh Mario Dedivanovic – chuyên gia makeup của Kim Kardashian cũng từng tiết lộ, anh dùng sữa rửa mặt để giặt cọ trang điểm trong nhiều năm nay.
Theo như chia sẻ của những người có kinh nghiệm, để giặt cọ mút sạch sẽ thì có rất nhiều loại dung dịch làm sạch khác nhau, có người dùng nước rửa tay, sữa rửa mặt, dầu gội, có người dùng sữa tắm, hay cả nước rửa chén cũng có thể được sử dụng.
Tầm quan trọng của vệ sinh dụng cụ trang điểm
Giảm khả năng da bị kích ứng
Làm sạch cọ là một việc làm giúp bảo vệ làn da suốt quá trình trang điểm vì cọ tiếp xúc trực tiếp với bề mặt da. Vì thế, vi khuẩn và bụi bẩn rất dễ xâm nhập vào bên trong lỗ chân lông và gây nên các tình trạng như mẩn ngứa, nổi mụn, viêm lỗ chân lông, nổi ban đỏ…
Có trang điểm ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới làn da.
Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn
Sau quá trình trang điểm, tích tụ phấn hay kem trang điểm sẽ tạo điều kiện cho bụi bám dính và lông cọ, vi khuẩn cũng dễ sinh sôi nảy nở. Không vệ sinh cọ không những vi khuẩn ở cả cọ mà còn nhiễm bẩn lên hộp phấn và các dụng cụ trang điểm khác trong túi đồ.
Bảo quản cọ được lâu hơn
Vệ sinh dụng cụ trang điểm đều đặn còn làm tăng tuổi thọ sử dụng của chúng. Tránh việc bạn phải thường xuyên thay mới dụng cụ trang điểm, tránh gây tốn kém về kinh tế và thời gian.
Không những cọ có thời gian sử dụng lâu hơn mà còn giúp lớp makeup xinh đẹp hơn.
Giúp lớp trang điểm đẹp hơn
Sau khi vệ sinh, cọ trang điểm sẽ có phần lông tơi, bông hơn. Điều này giúp làm tăng khả năng bám dính của các loại phấn trên cọ, cho lớp trang điểm mịn và đều màu hơn. Có một chiếc cọ và mút chất lượng, sạch sẽ thì lớp nền của bạn cũng sẽ ấn tượng hơn.
Các bước vệ sinh dụng cụ trang điểm
Bước 1: Làm ướt cọ và mút bằng nước ấm.
Đối với cọ, tránh làm ướt phần thân để làm mất đi độ kết dính của keo tại phần thân cọ.
- Bước 2: Vệ sinh đầu cọ bằng dung dịch bạn lựa chọn.
Tùy thuộc vào thói quen mà bạn có thể dùng các loại dung dịch mong muốn. Đồng thời, nên dùng một miếng silicon có độ nhám để quét đầu cọ, loại bỏ hết dư chất trên cọ.
- Bước 3: Ngâm cọ giúp làm sạch sâu
Sau khi vệ sinh ban đầu, nên ngâm cọ trong dung dịch vệ sinh từ khoảng 3 - 5 phút để thúc đẩy các chất bẩn từ đầu cọ ra nước. Trước khi lấy cọ ra khỏi dung dịch, nên xoay xoay cọ trong nước để các chất bẩn được đánh bật ra.
- Bước 4: Xả lông cọ với nước
Sau khi lấy cọ trang điểm ra, nên tiếp tục xả sạch dưới vòi nước ấm một lần nữa. Loại bỏ lượng nước còn thừa và định hình lại phần đầu cọ.
- Bước 5: Thấm khô và hong khô cọ
Dùng khăn bông để thấm khô cọ trang điểm, sau đó đưa cọ đi hong khô thật kỹ để tránh tình trạng ẩm mốc hay đọng nước ở đầu cọ. Có thể phơi nắng, đắt cọ đứng trong cốc hoặc xếp ngay ngắn vào một nơi.