Thế hệ Gen Z giờ đây đã có cái nhìn hoàn toàn khác về đồ si. Người ta chẳng còn quăng cho đồ si cái nhìn dè bỉu như trước nữa mà thay vào đó là sự săn lùng ráo riết với những cách phối hợp đẹp miễn chê.
Đồ si còn có nhiều tên gọi khác như đồ sida, đồ thùng, hàng 2hand… Đây là từ dùng để chỉ những mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách đã qua sử dụng. Đồ si thường được nhập từ nước ngoài theo kiện lớn, sau đó được phân loại theo chất lượng, tình trạng sử dụng (mới, cũ) rồi bán lẻ. Việc tái chế đồ cũ này cũng góp phần giảm tải 1 lượng lớn ô nhiễm của ngành may mặc ra môi trường.
Thực tế, đồ si có nguồn gốc từ những năm 1980, khi Việt Nam nhận được viện trợ từ tổ chức S.I.D.A (Swedish International Development Cooperation Agency) của Thụy Điển. Mục đích ban đầu chính là việc cung cấp quần áo cũ cho những người nghèo, cần được trợ giúp. Thế nhưng, theo dòng chảy của thời gian, đồ si bắt đầu trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Điển hình cho sự hot hit của món đồ này đó chính là việc trong các diễn đàn thời trang, giới trẻ rần rần thả tim những outfit lên đồ mẫu chỉ nhờ sự kết hợp từ những món đồ đã qua sử dụng.
Trong 1 diễn đàn thời trang bàn luận về mặc đẹp, có một ngôi sao sáng trong làng mix đồ, mỗi bài đăng của cô nàng đều nhận được lượng tương tác khủng.
Đó là Thảo (nickname Mật Mật), hiện đang sống tại Biên Hoà và là sinh viên năm 3 của trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Lạc vào mỗi bài đăng của Mật Mật, ai nấy đều thấy choáng ngợp bởi con mắt phối đồ của cô sinh viên năm 3. Những set đồ mang nhiều dải màu cùng cách mix rất hài hòa và tất nhiên là vô cùng thời trang.
Mật Mật còn bày tỏ năng khiếu mix đồ si đa theo phong cách những thương hiệu nổi tiếng và chắc chắn những bộ cánh dưới đây khi đọc tên lên, bạn sẽ không khỏi bất ngờ vì sự đồng điệu của chúng. Hầu hết chúng đều là đồ secondhand, chỉ trừ 1 vài món phụ kiện như túi xách, giày là Mật Mật sắm sửa thêm.
Alexander McQueen thường mang đến một chút bí ẩn, mạnh mẽ nhưng cũng có gì đó hơi tối màu, tựa hồ như chính hoa hồng đỏ, loài hoa biểu tượng hãng. Những thiết kế của chính Alexander McQueen thường mang dấu ấn của Roman Gothic/Victorian, hoạ tiết tartan cũng được sử dụng.
Nổi bật của đồ Chanel là chất thanh lịch, sang trọng và tinh tế với những set đồ monochrome có điểm nhấn là phụ kiện ngọc trai. Lemaire là cái tên tiêu biểu trong phong cách tối giản (minimal). Các thiết kế của Lemaire không theo trào lưu, có tính ứng dụng cao, nổi bật với những tone màu trung tính.
Versace luôn toát lên vẻ quý phái, quyến rũ và đầy nữ quyền còn Peter Do thì chú trọng đến sức mạnh, sự tinh giản và một chút gợi cảm.
Cô nàng 10X dù đang theo học ngôi trường không hề liên quan đến thiết kế hay thời trang nhưng lại có con mắt thẩm mỹ cùng cách lựa chọn đồ si rất tinh tế. Chắc chắn Mật Mật có rất nhiều bí kíp hay ho.
Là thế hệ Gen Z, có vẻ rất lạ lùng khi bạn lại dành tình yêu lớn cho đồ si. Bạn có thể chia sẻ cơ duyên này của bản thân?
Mình biết đến đồ si từ hồi học cấp 3 do mẹ mình là một “‘con nghiện” đồ si chính hiệu. Lúc đầu thì mình cũng không ủng hộ lắm nhưng sau khi được mẹ dắt đi thử một lần thì mình mê luôn vì những món đồ độc lạ đẹp mà giá cả lại rất ổn.
Đồ si ngoài ưu điểm giá rẻ như cho ra thì theo bạn còn có những điểm hơn nào nữa?
Điều mình thích ở đồ si là hầu hết là những sản phẩm có một không hai, rất khó để kiếm được chiếc thứ 2 y chang vậy. Bên cạnh đó là chất lượng, mình để ý thấy chất liệu của đồ si rất tốt, đặc biệt là đồ si Nhật.
Đã bao giờ bạn bị chế nhạo khi dùng đồ si chưa?
Mình thì chưa bao giờ bị chế nhạo vì dùng đồ si cả vì bây giờ mọi người cũng đã có một cách nhìn khác về đồ si đa rồi
Kinh nghiệm xương máu khi mua đồ si của bạn là gì? Đã bao giờ bạn gặp “tai nạn” gì chưa?
Đầu tiên, bạn nên đi lựa lúc mới khui kiện, giá sẽ mắc hơn một chút nhưng có rất nhiều đồ đẹp (nói là mắc nhưng thực ra vẫn rất là hời luôn). Đồ mới thường được khui vào 1 ngày cố định trong tuần tùy thuộc vào khu tập kết mà bạn chọn, các bạn có thể hỏi trực tiếp chủ shop, tạo networking các thứ để được ưu đãi.
Tại những shop đồ đã treo mắc thì các bạn cứ bình tĩnh mà lựa, còn đối với đi chợ - đồ đổ đống thấy món nào có vẻ ổn ổn là nhặt vô giỏ liền, sau hết một lượt thì lựa lại một lần nữa. Nhiều lúc khui kiện mọi người tranh giành nhau, mình không có nhiều thời gian để tỉ mẩn xem từng chi tiết nên là cứ quăng vào giỏ mình trước đi rồi tính. Và theo mình thì đừng nên sà vào những chỗ đề giá 5-10k. Khu này thường là cả một đống thập cẩm, người ta không phân loại đâu là áo, đâu là quần, đâu là váy... và thực sự là gần như không có gì cả.
Mình hay mang theo nước, thấy dơ đổ nước lên vò thử hoặc nhắm về biến tấu được thì cũng hốt luôn. Ví dụ như một chiếc blazer siêu ưng mà bị rách te tua phần dưới, mình mua về mang đi sửa thành cropped blazer vẫn rất đẹp. Hay chiếc đầm phần dưới xếp ly rất đẹp nhưng thân trên rất ba chấm, mình sẽ mua về cắt làm chân váy. Đặc biệt, sẽ có những món có 1 chi tiết như bộ cúc hay đai, dây xích gì đó xịn xịn là mình cũng mua về để cắt lấy phụ kiện thay vào món khác.
Mọi người mà vào chợ đồ si với tâm lý đi kiếm xem có gì đẹp không là lựa tới chiều luôn quá. Riêng đối với những khu chợ lớn, phần đầu chợ bán đồ da như giày, boots, túi xách,... và đồ đã treo sào còn đi sâu về phía cuối sẽ bán quần áo đổ đống đủ loại: quần cargo, áo khoác, áo thun, chân váy... bạn mà bỏ công lựa chắc chắn sẽ có đồ đẹp.
Và để tránh việc overbuy - mua nhiều mà không mặc, mình thường hình dung ra sẽ phối và mặc món đồ đó như nào với tủ đồ hiện tại của mình. Cũng không hẳn là tai nạn nhưng nhưng thỉnh thoảng mình vẫn mua phải một vài món bị lủng lỗ/rách, cũng là do mình kiểm tra không kỹ.
Cám ơn Mật Mật về những chia sẻ hữu ích trên!