Có rất nhiều vật dụng trong nhà thường bị bỏ quên vấn đề vệ sinh. Chúng có thể chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của bản thân và gia đình bạn. Trong số đó, có những đồ vật quen thuộc đến không ngờ.
1. Phần tay cầm của nắp nồi
Khi rửa nồi, chúng ta thường chỉ tập trung vào phần nắp mà thường quên mất phần tay cầm. Thực tế, đây là vị trí có nhiều rãnh, đường cong bị khuất, dính nhiều dầu mỡ và thức ăn và dễ có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập, gây ảnh hưởng đến chất lượng của thức ăn hàng ngày. Bạn nên chú ý và cọ rửa kĩ càng, thậm chí nên ngâm nước ấm với một chút giấm để tẩy sạch hoàn toàn.
2. Rây lọc
Đây cũng là vật dụng quen thuộc, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ và hay chế biến những món ăn cầu kỳ. Sau khi sử dụng, vụn thức ăn siêu nhỏ có thể bám lại trên rây, phân hủy và sinh ra vi khuẩn gây hại. Vì vậy, vệ sinh với nước rửa chén thông thường sẽ không thể đảm bảo độ sạch sẽ của loại dụng cụ này. Bạn nên ngâm chúng trong chậu nước có pha nước rửa chén tầm 10 phút rồi dùng bàn chải đánh răng để chà rửa dưới vòi nước, thức ăn thừa sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
3. Máy xay thịt
Lưỡi dao của máy xay tiếp xúc trực tiếp với các loại thịt sống nên cần được rửa thật kỹ để loại bỏ vi khuẩn bám trên đó. Bên cạnh đó, các bộ phận khác như miếng lọc cũng bám những phần thịt thừa và gân lại nên cần chú ý loại bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, bạn nên cho ít nước hòa với nước rửa chén vào máy và bật nút xay để loại bỏ các mảng thịt bám ẩn sâu bên trong một cách nhanh chóng.
4. Túi tái sử dụng
Với xu hướng tiết kiệm và bảo vệ môi trường, túi tái sử dụng đang rất phổ biến trong khoảng thời gian gần đây. Mọi người thường có thói quen sử dụng túi để đi chợ và mua sắm nhưng thường cất đi luôn mà không hề giặt. Đây là một thói quen vô cùng có hại vì trong quá trình sử dụng, vi khuẩn từ thức ăn có thể bám vào túi và phát triển nhanh chóng. Bởi vậy, bạn nên rũ sạch rác bên trong, giặt túi và phơi khô thường xuyên nhé.
5. Giẻ rửa bát
Giẻ rửa bát sau khi sử dụng một thời gian sẽ tích tụ vi khuẩn ở bên trong và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Loại mút rửa đọng lại rất nhiều nước, là môi trường lý trưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Loại lưới không rũ sạch sau khi dùng cũng có thể mắc lại thức ăn và bị phân hủy trên đó.
Vi khuẩn trong giẻ rửa bát có thể xâm nhập trực tiếp vào bát đĩa nhà bạn. Theo các chuyên gia, gia đình bạn nên thay miếng rửa bát khoảng 1 tháng/lần. Sau mỗi lần rửa bát, hãy phơi ra nắng để miếng rửa bát được khô tự nhiên, đồng thời loại bỏ vi khuẩn bên trong nó.
6. Chổi quét nhà
Khi sử dụng chổi, sẽ có rất nhiều bụi bẩn, lông, tóc,... mắc lại bên trong và sản sinh ra nhiều vi khuẩn. Nhà không thể sạch nếu dụng cụ vệ sinh bị nhiễm bẩn. Bạn nên đeo găng tay và gỡ đi phần tóc và rác lớn, sau đó nhúng chổi vào thau nước pha xà phòng, rũ sạch lại dưới vòi nước và phơi khô sau khi sử dụng.
7. Cây lau nhà
Cũng giống như chổi quét nhà, cây lau nhà sẽ bám theo rất nhiều bụi bẩn và tóc bám sâu bên trong. Bên cạnh đó, chất liệu thấm hút của phần bông lau là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Bạn cần giặt cây lau một cách cẩn thận và phơi khô tuyệt đối để đảm bảo diệt khuẩn nhé.
8. Tay nắm cửa
Đây là vị trí thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bàn tay của mọi người nhưng thường bị bỏ quên nhiều nhất. Mồ hôi và các loại vi khuẩn trên tay sẽ bám vào tay nắm nên chúng cần được lau chùi và khử trùng thường xuyên, tránh những bệnh ngoài da không mong muốn và giảm khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm.
9. Thùng rác
Không cần nói chắc ai cũng biết đây là nơi bẩn nhất, chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, dù biết là bẩn nhưng nhiều người thường bỏ qua công đoạn vệ sinh thùng rác, chỉ thay túi rác khi đã sử dụng xong. Bạn nên đánh rửa thùng rác một cách kỹ càng với xà phòng và khử trùng để đảm bảo chúng thật sạch sẽ và không còn mùi hôi thối.
10. Ống dắt dao
Ống dắt dao thường có nhiều rãnh nhỏ và những khe có diện tích rất hẹp nên chúng ta thường không thấy được lớp bụi bẩn, thậm chí là rêu mốc đóng lại bên trong. Vì thế, bạn nên thường xuyên rửa ống dắt dao với nước rửa chén và phơi thật khô sau đó hãy sử dụng tiếp. Ngoài ra, cùng đừng quên lau thật khô dao trước khi cắm vào ống để giữ cho các khe luôn được khô ráo.
11. Mặt trên của tủ lưu trữ và tủ lạnh
Khi vệ sinh tủ lưu trữ hay tủ lạnh, hầu hết chúng ta sẽ bỏ quên phần nóc tủ - nơi có rất nhiều bụi bẩn tích tụ lại. Bụi và vi khuẩn có thể rơi trực tiếp xuống dưới gây mất vệ sinh và nhiễm khuẩn cho thực phẩm và không gian xung quanh. Vì thế, bạn nên chú ý lau dọn tủ cả ở mặt trên để đạt được hiệu quả làm sạch tốt nhất.
12. Rãnh của nĩa
Nếu vệ sinh theo cách thủ công, bạn có thể nhận thấy rằng việc làm sạch khoảng trống nhỏ giữa các đầu nĩa khó khăn như thế nào. Nhưng bạn có thể giải quyết điều đó một cách dễ dàng khi ngâm nĩa với một ít nước ấm có pha thêm chút giấm. Sau đó, chỉ cần rửa lại một cách bình thường là nĩa sẽ hoàn toàn sạch sẽ.