Nhiệt độ xung quanh vị trí tủ lạnh ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt và mức tiêu hao điện năng.
Tủ lạnh là vật dụng quen thuộc với mọi gia đình. Tuy nhiên, không nhiều người biết cách sử dụng tủ lạnh đúng và hiệu quả.
1. Thời gian bảo quản thực phẩm không phải ai cũng biết
Các loại thực phẩm khác nhau có thời gian làm lạnh khác nhau. Mọi người nên cố gắng tuân theo hướng dẫn sau đây để tránh thực phẩm bị biến chất hoặc thậm chí ngộ độc.
- Thức ăn thừa: Bảo quản tủ lạnh không quá 3 ngày
- Bít tết: 2 đến 3 ngày, đông lạnh 270 ngày
- Thịt gà: Tủ lạnh 2 đến 3 ngày, tủ đông 360 ngày
- Lê: Để tủ lạnh 1 đến 2 ngày
- Cam quýt: Bảo quản lạnh 7 ngày
- Táo: Để tủ lạnh từ 7 đến 12 ngày
- Trứng tươi: Để tủ lạnh từ 30 đến 60 ngày
- Thịt bò: Tủ lạnh 1 đến 2 ngày, đông lạnh 90 ngày
- Cải bó xôi: Để tủ lạnh 3-5 ngày
- Cà rốt, cần tây: Để tủ lạnh từ 7 đến 14 ngày
- Sữa: Để tủ lạnh 5-6 ngày
- Sữa chua: Để tủ lạnh 7-10 ngày
2. Những lưu ý khi dùng tủ lạnh
Đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, không ẩm ướt
Nhiệt độ xung quanh vị trí tủ lạnh ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt và mức tiêu hao điện năng. Do đó, người dùng nên đặt tủ lạnh ở nơi thông thoáng, hạn chế đặt vào những góc nhà chật hẹp. Để đảm bảo thoát nhiệt, lưng và hai vách bên hông tủ lạnh phải cách tường ít nhất 10cm, vì hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ cần có không khí mát để làm nguội, nếu không tủ lạnh rất tốn điện và nhanh xuống cấp.
Đồng thời, vị trí đặt tủ lạnh cần tránh các nguồn nhiệt, không đặt tủ lạnh cạnh bếp từ, bếp gas hoặc cửa sổ có mặt trời chiếu sáng trực tiếp.
Phân loại, bọc kín thực phẩm
Nhiều người thường có thói quen cất hết tất cả những thực phẩm vừa mua về đặt vào tủ lạnh mà không phân loại hay bọc kín chúng lại. Tuy nhiên họ lại không biết rằng đó là nguyên nhân dẫn đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn chéo, có mùi khó chịu và làm chúng nhanh hỏng.
Vậy nên khi mua thực phẩm về, bạn hãy sử dụng hộp đựng chuyên dụng hay túi đựng thực phẩm để phân loại thực phẩm tươi sống, chín, rau củ quả rồi bọc kín chúng lại mới cho vào tủ lạnh, hạn chế tối đa thực phẩm bị hư hỏng hay bị vi khuẩn xâm nhập gây hại cho sức khỏe.
Sắp xếp thực phẩm khoa học
Các loại tủ lạnh trên thị thường hiện nay đều được bố trí các ngăn, khay, kệ riêng biệt để người dùng có thể dễ dàng sắp xếp thực phẩm khoa học, hợp lý nhất, góp phần giữ cho tủ lạnh được hoạt động hiệu quả nhưng vẫn tiết kiệm điện. Cùng tham khảo qua các nguyên tắc bố trí thực phẩm khoa học dưới đây nhé:
Đối với ngăn mát: Bạn sẽ sử dụng cánh cửa tủ để đặt các thực phẩm khô hay các gia vị nấu nướng, đồ uống. Chú ý là bạn hãy đặt thực phẩm ăn liền, đồ chín lên phía trên còn đồ tươi sống thì để dưới, rau củ quả thì sẽ có ngăn riêng biệt để bạn bảo quản cho chúng luôn tươi ngon, mọng nước, không bị khô héo nhé.
Đối với ngăn đông: Ngăn này thường được dùng để bảo quản các thực phẩm tươi sống hay đồ lạnh nên bạn hãy sắp xếp thịt, cá, hải sản ở kệ dưới và làm đá, kem ở tầng trên nhé.
Không để đồ nóng vào tủ lạnh
Thức ăn còn nóng sẽ tỏa ra ngoài hơi nóng nên khi bạn cho thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh sẽ khiến nhiệt độ bên trong tủ bị tăng lên, dẫn đến việc máy nén phải hoạt động với công suất cao để làm giảm nhiệt độ, từ đó gây tốn điện và giảm tuổi thọ của tủ.