Cũng như van thoát hơi, nắp bên trong nồi cơm điện cũng có nhiệm vụ đón bọt trào lên khi nấu, vì vậy nếu để lâu ngày, chúng sẽ cáu bẩn các mảng bám.
Van xả nồi cơm điện
Nơi đầu tiên cần vệ sinh là van xả của nồi cơm điện. Đây là một trong những nơi bẩn nhất và dễ tích tụ vi khuẩn nhất của nồi cơm điện. Van thoát hơi vừa là nơi hứng bọt cơm trào lên khi nấu, vừa đẩy hơi nước dư thừa trong nồi ra ngoài. Lâu ngày, chúng dễ bị cáu bẩn thành các mảng bám màu vàng. Mỗi loại nồi cơm khác nhau sẽ có thiết kế van khác nhau nhưng hầu hết các loại nồi cơm điện trên thị trường đều có thể tháo van xả ra để vệ sinh. Vì van xả và nắp có thể tháo rời nên bạn có thể mang trực tiếp ra vòi để vệ sinh, sau khi vệ sinh thì lắp lại. Bằng cách này, nồi cơm điện trở nên dễ sử dụng như mới, vừa sạch sẽ lại đảm bảo vệ sinh.
Bên trong nồi cơm điện
Nơi thứ hai cần được làm sạch là bên trong vỏ nồi cơm điện hay cũng chính là đáy nồi - là nơi thường tích tụ các hạt cơm rơi vãi và có thể là các mảng bọt cơm bị trào trong quá trình nấu. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, chúng có thể tích tụ thành vết bẩn và gây cháy khét khi nấu cơm. Đây cũng là nơi bọt cơm có thể trào lên rồi chảy xuống. Do phần khe này nhỏ và khá khó để vệ sinh nên bạn có thể dùng các loại khăn nhỏ, miếng bọt biển làm ẩm để lau. Với các mảng bám rời, hạt cơm... bị kẹt bạn có thể úp nồi xuống, lắc nhẹ để chúng rơi ra.
Nắp trong nồi cơm
Cũng như van thoát hơi, nắp bên trong nồi cơm điện cũng có nhiệm vụ đón bọt trào lên khi nấu, vì vậy nếu để lâu ngày, chúng sẽ cáu bẩn các mảng bám. Nếu để trong nhiệt độ cao như các ngày thời tiết nóng bức, ẩm nồm, chúng còn dễ dàng bị thiu, mốc và có mùi như cơm thiu, lảm ảnh hưởng tới mùi vị và chất lượng của các mẻ cơm sau.
Phần nắp trong nồi cơm này rất dễ quan sát và nhìn thấy vết bẩn, vì vậy hãy thường xuyên tháo ra rửa sạch cùng nồi cơm điện và để chúng khô ráo trước khi lắp lại vào nồi. Hãy chú ý cọ sạch bên trên và dưới nắp, vệ sinh cả phần gioăng cao su nữa. Một số loại nồi cơm điện sẽ có phần nắp trong liền vào nắp nồi, không thể tháo rời, vậy hãy dùng khăn ẩm lau sạch và lau lại bằng khăn khô là được.
Mâm nhiệt
Đừng nghĩ rằng cứ lau sạch phần bên ngoài, nắp nồi và ruột nồi là xong, ngoài ra bạn còn cần phải làm sạch phần đĩa cứng đệm giữa đáy nồi và ruột nồi - hay còn gọi là 'mâm nhiệt' nữa.
Đây là bộ phận vô cùng quan trọng, có vai trò tạo nhiệt chính cho nồi để nấu chín cơm với cấu tạo tương tự bếp điện. Bộ phận này quyết định tuổi thọ của nồi, chất lượng cơm và lượng điện tiêu thụ. Nếu mâm nhiệt bẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng truyền nhiệt, làm chậm quá trình nấu cơm mà còn gây tốn điện. Chính giữa mâm nhiệt là cảm biến, có vai trò ngắt điện khi cơm chín. Đây cũng là phần dễ bị bám bụi bẩn, để lâu ngày có thể khiến cơm chín không đều, cơm không ngon, thậm chí có thể làm nồi không bật được. Tuy nhiên, nó lại ít được chú ý.
Để đảm bảo độ bền và tiêu tốn ít điện năng của nồi, bạn có thể vệ sinh mâm nhiệt theo những bước sau đây:
Bước 1: Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một chút giấm trắng, miếng xốp rửa bát và khăn ướt. Sau đó hãy tiến hành pha loãng giấm với nước.
Bước 2: Lấy mặt cứng của miếng xốp rửa bát lau chùi cho sạch vết bẩn và bụi bặm bám ở mâm nhiệt, sau khi lau xong bạn có thể thấm giấm lên mâm nhiệt một lần nữa, giữ nguyên trong 10-15 phút.
Bước 3: Tiếp đó, hãy dùng khăn ướt để lau sạch bụi bẩn trên mâm nhiệt. Nếu vẫn còn bụi bẩn, bạn có thể lặp lại các bước trên thêm vài lần nữa.
Bước 4: Cuối cùng, bạn hãy dùng khăn khô lau thêm một lần nữa cho nước giấm hết hẳn. Vậy là mâm nhiệt nhà bạn sẽ sáng bóng, sạch sẽ, đảm bảo hoạt động vừa bền vừa tiết kiệm điện.
Lưu ý:
Không được rửa thân nồi trực tiếp bằng nước.
Không được tự ý tháo ráp và thay đổi linh kiện của nồi khi làm vệ sinh.
Không nên chùi quá mạnh lòng nồi để tránh làm trầy lớp phủ chống dính.