Cha mẹ đa phần sẽ rất lo lắng khi trẻ bị nôn. Để có thể chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của con, phụ huynh nên theo dõi những dấu hiệu mà bé gặp phải để kịp thời xử lý.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Hương - Chuyên khoa Nhi - bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt |
Bác sĩ Ngô Hương |
Trẻ bị nôn trớ là việc thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản và trào ra miệng. Đôi khi nôn lại có thể là biểu hiện của những bệnh lý khác nhau nên cha mẹ cần phải hết sức lưu ý.
1. Nhận biết một số bệnh gây cho trẻ bị nôn
Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn
Để có thể phân biệt bệnh viêm dạ dày ruột do virus hoặc vi khuẩn với ngộ độc thức ăn là rất khó vì trẻ đều có thể nôn ồ ạt 5-30 phút/lần trong 1-12 giờ đầu. Một số dấu hiệu để phân biệt như sau:
- Nếu trẻ bị nhiễm virus:
+ Bệnh sẽ khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng.
+ Kéo dài tình trạng nôn từ 12-72 giờ (3 ngày).
+ Trong ngày đầu hoặc ngày thứ hai thường sẽ xuất hiện tiêu chảy.
- Nếu trẻ bị ngộ độc thức ăn:
+ Sau khi ăn phải thực phẩm kém chất lượng, bệnh khởi phát sau 2-12 giờ.
+ Bé sẽ không bị sốt.
+ Có thể có hoặc không bị tiêu chảy
+ Trong trường hợp bé bị sốt cao hoặc nôn kéo dài quá 12 giờ thì khó có thể là bị ngộ độc thực phẩm.
Nhiễm trùng tiết niệu
Cần phải xem xét đến nguyên nhân này khi trẻ bị sốt cao trong vài ngày, thỉnh thoảng có kèm theo nôn, lúc tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu có mùi khó chịu.
Tắc ruột
Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, cần được cấp cứu nhanh chóng. Các triệu chứng thông thường như sau:
- Đau bụng dữ dội, đột ngột liên tục hoặc từng cơn.
- Nôn ra mật xanh vàng.
- Thường là nôn vọt.
- Không đại tiện.
- Trẻ nhợt nhạt, vã mồ hôi.
- Tình trạng bệnh ngày càng tồi đi.
Lồng ruột
Nếu bé dưới 4 tuổi bị nôn thì có thể là biểu hiện của lồng ruột. Dấu hiệu cụ thể như sau:
- Co chân về phía bụng, người nhợt nhạt.
- Đi ngoài phân lỏng.
- Có thể có máu trong phân.
Lồng ruột gây nên nôn trớ ở trẻ
Hẹp phì đại môn vị
Bệnh này cần được phẫu thuật. Sau khi điều trị, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn. Môn vị là phần cuối của dạ dày, nơi nối với tá tràng. Trong một vài trường hợp, nếu trẻ 3-5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội nhiều lần thì cần phải xem xét tới bệnh hẹp phì đại môn vị. Bé sẽ lặp lại nhiều lần chu kỳ bú - nôn - đói.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị nôn?
- Vì khi bị nôn sẽ mất nước nên cha mẹ cần chú ý bổ sung cho bé lượng nước đã mất để cơ thể trẻ không mất chất điện giải. Có thể sử dụng dung dịch Oresol, nước chín hay nước trái cây loãng.
Cha mẹ lưu ý bổ sung nước khi trẻ bị nôn
- Khi trẻ bị nôn trớ nhiều thì thực hiện các biện pháp như sau:
+ Để bé nằm nghiêng hoặc đỡ ngồi dậy để đề phòng có thể khi bé nôn, chất nôn khi tràn vào khí quản có thể gây sặc, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
+ Khi đã bớt nôn thì cho trẻ uống từng ngụm nước sôi để nguội hoặc dung dịch Oresol.
+ Không nên cố gắng ép bé ăn vì khi trẻ bị nôn tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề. Chỉ nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và từng ít một lúc nào trẻ không nôn.
3. Khi nào cần đưa trẻ bị nôn tới bệnh viện?
Nếu trẻ xuất hiện một số dấu hiệu không bình thường sau đây thì cha mẹ phải lập tức đưa bé đi khám và chữa trị kịp thời:
- Đau bụng quằn quại
- Trướng bụng
- Trong trạng thái lơ mơ hoặc kích thích
- Co giật
- Trẻ bị nôn trớ liên tục hoặc tiếp tục nôn nhiều hơn 24 tiếng
- Xuất hiện những dấu hiệu cơ thể bị mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, ít đi tiểu
- Khi nôn có máu hoặc mật màu xanh:
+ Nếu bé nôn xuất hiện một chút máu tươi thì cũng không cần quá lo lắng vì có thể do các mao mạch ở thực quản bị xước khi nôn quá mạnh. Trong trường hợp trẻ nuốt máu từ vết thương nào đó ở miệng hoặc bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng trước đó thì cũng có thể xuất hiện tia máu đỏ. Vì vậy chỉ nên cho bé đi thăm khám bác sĩ nếu tiếp tục nôn có lẫn máu trong lần sau với số lượng tăng dần.
+ Cần đưa trẻ đi khám ngay khi nôn có mật xanh.
+ Nên giữ lại một chút dịch nôn có lẫn máu hay mật xanh để bác sĩ xem, đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất.