Với khuôn mặt khả ái và giọng hát đến mê lòng người, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân từng là một đào hát nổi danh. Những năm gần đây, bà sống cảnh nghèo khó nay đây mai đó, sáng bán vé số, chiều lượm ve chai.
Cô đào xinh đẹp nổi như cồn
Sinh năm 1953 tại Sài Gòn, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân tên thật là Lê Thị Thanh Xuân trong một gia đình nghèo có ba mẹ đều theo gánh hát. Bà có năng khiếu hát từ nhỏ nhờ dòng máu nghệ thuật của cha mẹ. Bất chấp bố mẹ cấm cản, cô bé Trang Thanh Xuân ngày đó dám bỏ cả việc học để theo đuổi niềm đam mê của mình mà không biết các đấng sinh thành đã trải qua và hiểu được cái bạc bẽo của kiếp cầm ca.
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân với quá khứ huy hoàng.
Trang Thanh Xuân chính thức bước lên sân khấu vào năm 14 tuổi. Bà trở thành đào chính trong những gánh hát lớn chỉ hai năm sau đó. Ngày đó tên tuổi nghệ sĩ Thanh Xuân chỉ đứng sau các ca sĩ nổi tiếng như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ… Cô đào Trang Thanh Xuân được nhắc đến nhiều nhất với vai Bạch Thanh Nga trong vở "Máu nhuộm sân chùa" hát chung với Minh Tâm, Vũ Linh.
Trong làng ca hát thời điểm ấy, nhờ năng khiếu giọng hát bẩm sinh với làn hơi cao vút, truyền cảm, cùng nét diễn xuất chững chạc đã giúp cô đào có chỗ đứng vững chắc. Bởi giọng hát của Trang Thanh Xuân phảng phất cách phát âm của cô đào Lệ Thủy nức tiếng thời ấy nên nhiều người đã đặt cho bà cái tên "Xuân Lệ Thủy".
Bà nâng niu những tấm poster một thời.
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân lưu giữ những hình ảnh thời hoàng kim trên sân khấu. Bà coi cuốn album là tài sản quý giá nhất.
Ngoài giọng hát, nhiều tờ báo ngày xưa còn ví von vẻ đẹp của bà như "hoa nhường nguyệt thẹn". Thân hình của Trang Thanh Xuân mảnh mai cân đối, khuôn mặt trái xoan thánh thiện, làn da trắng hồng rất ăn ảnh, "ăn" ánh đèn sân khấu. Nhiều đoàn hát thời ấy đều sốt sắng săn đón thiếu nữ ngôi sao" Trang Thanh Xuân. "Ngày xưa mỗi khi diễn xong, khán giả ở dưới hò hét vỗ tay rần rần, thấy hãnh diện vô cùng", bà nhớ lại.
Xuất hiện trên hàng loạt trang báo với tư cách đào trẻ triển vọng, cô đào Trang Thanh Xuân xinh đẹp nổi như cồn hứa hẹn trở thành gương mặt sáng giá. Thế nhưng cũng như số phận nhiều gánh hát khác, thăng trầm buộc họ trôi dạt, hợp tan sau đó. Để cố trụ lại với nghề, cô đào Trang Thanh Xuân phải về các đoàn hát ở nhiều tỉnh. Dù sự nghiệp có thăng trầm nhưng bà vẫn mê hát đến độ không quan tâm chuyện lập gia đình. Lặng lẽ cô đơn ở một góc của phận đời, bà không thèm nghĩ đến một ngày nhà không có, chồng con cũng không.
Cô đào cải lương mới nổi được những bài báo một thời lăng xê.
Một thời gian sau, những đêm hát tràn ngập khán giả, âm thanh rộn ràng khiến bà cảm thấy khó chịu, thở không nổi. Tìm đến bệnh viện thăm khám sau nhiều lần như thế, Thanh Xuân phát hiện mình bị bệnh tim, sức khỏe ngày một yếu, không thể thường xuyên đứng trên sân khấu.
"Bị bệnh bao giờ tôi cũng không biết, chỉ thấy người mệt, hay bị mất hơi nên mới đi khám. Nghe bác sĩ thông báo, tôi ngã quỵ ngay giữa hành lang bệnh viện. Suốt nhiều ngày sau đó tôi không ăn không ngủ chỉ đóng cửa phòng, khóc cạn nước mắt", bà kể.
Nghèo xơ nghèo xác sau khi rời xa ánh đèn sân khấu, bệnh tật triền miên
Dòng nhạc cải lương dần suy thoái, cùng lúc đó những khán giả ngày xưa đam mê là vậy nay bỗng đã quay lưng để đi theo những dòng nhạc đang lên khác. "Thấy thời thế thay đổi, mình còn mang bệnh tật, tôi quyết định giải nghệ", bà chia sẻ.
Trong căn phòng trọ ẩm thấp, vì không có tiền mua thuốc trị bệnh thấp khớp, nữ nghệ sĩ thường xuyên bó chân để tiện cho việc đi lại.
Bà giật mình nhận ra, bấy lâu nay không có của để dành, cũng không nhà cửa chỉ là hai bàn tay trắng nghèo xơ nghèo xác sau khi rời đoàn hát. Không biết làm công việc gì kiếm sống, cô đào xinh đẹp xa rời ánh đèn sân khấu quay trở về cuộc sống đời thường trong tâm trạng hụt hẫng.
Từ nhỏ đến lớn bà chỉ biết khoác lên mình những bộ xiêm áo lộng lẫy, hát cho khán giả nghe những câu chuyện tưởng tượng. Đi khắp nẻo Sài thành, bà tìm thuê phòng trọ và đẩy xe bán bắp luộc. Rồi bà chuyển qua nấu chè chuối chưng đi bán khi bắp luộc bán không chạy. Người mắc bệnh tim như bà ngày một yếu hơn khi bán chè mất nhiều sức, phải thức khuya dậy sớm. Chuyển qua bán đĩa hát và vé số rồi đĩa hát dần cũng trở thành dĩ vãng nên bà gắn đời mình với xấp vé số hơn 20 năm qua.
Buổi sáng, nữ nghệ sĩ ghé qua đại lý vé số chọn chừng hơn 20 vé để đem bán dạo.
Biết bà bệnh, thời gian đầu giải nghệ ông bầu gánh hát, đồng nghiệp còn lui tới thăm nom, người giúp cho ít quà bánh, người góp cho mấy đồng uống thuốc. Giờ đây ít người còn nhớ đến bà khi dần dà, công việc của sân khấu kéo họ vào guồng quay. Dẫu sao việc đó cũng khiến bà đỡ nhớ nhung sân khấu, chuyên tâm vào công việc bán vé số mưu sinh. Ngoài lo cho bản thân, bà còn chăm lo người em gái ruột cũng mắc đủ thứ bệnh.
Đi một mình trên con đường đầy chông gai mà số phận sắp đặt, bao nhiêu năm qua, bà tự mình vượt qua chông chênh của cuộc sống, nỗ lực đến hơi tàn sức kiệt mà vẫn phải lạc quan. Hoàn cảnh của bà rồi cũng được nhiều người biết đến, có thời điểm họ giúp đỡ bà nhiệt thành nhưng thanh toán nợ nần cũ thì nợ nần mới chất chồng. Người hảo tâm cũng còn có việc của họ, không ai nhớ đến mình mãi, không ai cho mình hết lần này đến lần khác, bà tự nhủ, bên ngoài còn có nhiều người khó khăn hơn mình nên không đòi hỏi gì.
Trong căn phòng trọ 6m2, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cùng em gái Thanh Đào sống lay lắt qua ngày.
Nhiều đồng nghiệp, các hậu bối tặng tiền nghệ sĩ "bán vé số" Trang Thanh Xuân.
Sau gần 20 năm rời xa nghệ thuật do cuộc sống nghèo khó, bệnh tật, phép màu đã xảy ra với người nghệ sĩ già khi chiều tối một ngày đầu năm 2017, bà được ca sĩ Quách Tuấn Du ghé thăm tại phòng trọ, mua tặng áo dài, đưa đi làm đẹp để cùng anh đến tham dự sự kiện Hội xuân nghệ sĩ.
Không tạo cảnh xót thương để mong người đời chiếu cố, bà cam chịu lặng lẽ mưu sinh. Bà cũng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, nón áo phẳng phiu dù bán vé số bởi người nghệ sĩ có thể nghèo nhưng không thể bần tiện, lôi thôi. Thậm chí, Trang Thanh Xuân còn không ngửa tay xin tiền người khác, tất cả tiền bán vé số bà dành dụm mua thuốc uống và trả tiền thuê trọ.
Đợt dịch bệnh, ngày nào bà cũng ra chợ ngồi dù vé số nghỉ phát hành không có thu nhập. Từ nhu yếu phẩm đến tiền bạc, chính quyền địa phương đều hỗ trợ, thương bà, mọi người có bánh, có cơm đều gửi cho. Nhiều khi bà nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời vì quá phiền não nhưng còn em gái ở bên cạnh. Nghĩ đến đây bà lại gắng gượng đi trên con đường khổ ải mà số phận đã an bài, tự nhủ mình phải sống vì mình vì em gái.