Nam giới trưởng thành mắc quai bị có nên đi gửi tinh trùng đề phòng vô sinh?

Ngày 16/02/2017 13:00 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, nam giới trưởng thành khi mắc bệnh quai bị dễ bị biến chứng viêm tinh hoàn và gây vô sinh, vì thế, khi có biểu hiện bệnh, cần phải đi khám ngay lập tức.

Nam sinh lo sốt vó vì mắc bệnh quai bị

Có lẽ bất kỳ người đàn ông trưởng thành nào, đặc biệt là những người chưa có vợ khi mắc quai bị cũng đều có chung một nỗi niềm chung, đó là “sợ” bị vô sinh. Nỗi lo sợ đó là hoàn toàn chính đáng, bởi một trong những biến chứng nặng nề nhất của căn bệnh này chính là vô sinh.

Có mặt tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) gặp PGS.TS Đỗ Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm) và nghe những chia sẻ của vị bác sĩ này mới thấy căn bệnh quai bị thật sự đáng sợ. “Ngay bây giờ, chúng tôi đang điều trị cho một nam thanh niên (chưa vợ, 23 tuổi) mắc quai bị đã 4 ngày rồi. Hiện vẫn bị viêm tình hoàn, bệnh nhân này cũng rất lo lắng sau này bị vô sinh”, TS Cường chia sẻ.

Theo đó, nam bệnh nhân trên hiện đang là sinh viên, bị mắc quai bị sau khi tiếp xúc với một người bạn mắc căn bệnh này. Sau đó có biểu hiện sưng đau tuyến mang tai hai bên, từ phải sang trái; sốt cao. Vài ngày sau, bệnh nhân thấy sưng đau tinh hoàn bên trái, quá lo lắng nam thanh niên này đã nhập viện điều trị.

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định nhưng tuyến nước bọt mang tai, tinh hoàn vẫn còn đau. Bệnh nhân cần theo dõi về lâu dài về sau xem có khả năng dẫn đến vô sinh hay không.

Nam giới trưởng thành mắc quai bị có nên đi gửi tinh trùng đề phòng vô sinh? - 1

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai).

Nên hay không nên gửi tinh trùng?

TS Cường cho biết, hiện có nhiều lời đồn thổi nên gửi tinh trùng khi tinh hoàn sưng đau để phòng khi bị teo tinh hoàn, vô sinh vì quai bị. Theo các bác sĩ Cường, điều này là không nên bởi nguy cơ teo tinh hoàn không xảy ra với tất cả bệnh nhân, chỉ một số ít. Hơn nữa, trong thời kỳ sưng đau, tránh mọi kích thích, cơ thể cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, hạn chế đi lại để giảm ảnh hưởng tới tinh hoàn.

=>> Xem thêm: 

Nam giới dễ vô sinh, phụ nữ dễ sảy thai khi mắc bệnh quai bị

“Thường ở nam giới sưng đau tinh hoàn xảy ra khi cơn sốt trở lại sau sốt sưng mang tai từ 5-7 ngày. 70% bệnh nhân sưng một bên, chỉ có 30% sưng đau hai bên tinh hoàn với kích thước to gấp 2-3 lần bình thường và trong vòng một tuần là hết sưng. Với nam giới sưng tinh hoàn 2 bên thì nguy cơ vô sinh cao hơn”- TS. Cường cho biết.

Còn về lĩnh vực nam học – hiếm muộn, trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng bộ môn Mô học và Phôi thai học (trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng, hiện nay một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nam giới đó chính là mắc bệnh quai bị. “Phải khẳng định rằng, không phải tất cả nam giới mắc bệnh quai bị đều dẫn tới vô sinh, nhưng những trường hợp bị viêm tim hoàn thì nguy cơ rất lớn”, TS Hà cho biết.

Để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra đối với nam giới trưởng thành khi mắc bệnh quai bị, theo TS Hà những người khi có triệu chứng bệnh nên đi khám và kiểm tra kỹ lưỡng, nếu phát hiện mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn thì cần phải lấy tinh trùng gửi vào các ngân hàng để đề phòng việc sau này bị vô sinh.

“Thực tế, tại chỗ chúng tôi có không ít trường hợp khi mắc quai bị đến kiểm tra và gửi tinh trùng. Thậm chí, có trường hợp mào tinh không còn tinh hoàn nữa, khi đó chúng tôi phải sinh thiết ống dẫn tinh để tìm tinh trùng, giữ lại “con giống” cho họ”, TS Hà chia sẻ.

Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn, có thể gây vô sinh, TS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh quai bị còn có thể gây sảy thai ở phụ nữ mang thai, gây viêm màng não…Tuy nhiên, số ca tử vong do mắc bệnh này là rất ít.

Để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, TS. Cường khuyến cáo cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.

Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị (vắc xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả kinh phí), vắc xin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.

Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác.

Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tinh trùng