Hà - một điều dưỡng viên chuyển 3 lần phôi nhưng đều không may mắn đậu thai. Hết phôi, hết tiền nhưng Hà vẫn muốn đi tìm nguyên nhân thực sự vì sao mình chuyển phôi 3 lần không đậu.
Là chuyên gia IVF nên trong quá trình làm việc, Ths. Bs CKII. Nguyễn Đình Đông, Chuyên gia IVF, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội đã từng gặp rất nhiều những câu chuyện chuyển phôi thất bại và hành trình tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại của các vợ chồng hiếm muộn.
Rất nhiều phụ nữ hoảng hốt, thất vọng khi chuyển phôi thất bại và ráo riết tốn tiền tìm nguyên nhân. (Ảnh minh họa)
Tốn tiền tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại mà không tìm được nguyên nhân thực sự
Nguyễn Thị Hà - một điều dưỡng viên trẻ mong con hơn năm. Khi đi khám ở chính viện Hà đang công tác thì phát hiện AMH thấp nên quyết định làm IVF. Hà được 4 phôi ngày 3 nhưng phôi xấu, chất lượng phôi chỉ trung bình và khá.
Điều dưỡng viên này chuyển 3 lần phôi nhưng đều không may mắn đậu thai. Hết phôi, hết tiền nhưng Hà vẫn muốn đi tìm nguyên nhân thực sự vì sao mình chuyển phôi 3 lần không đậu. Hà dự định sau khi tìm nguyên nhân xong sẽ làm lại IVF theo 1 bác sĩ đơn vị khác rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.
Được biết trước khi sang gặp bác sĩ Đông để tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại, Hà từng xét nghiệm tìm nguyên nhân cho 2 vợ chồng ở rất nhiều nơi. Nhưng trớ trêu thay nhiều nơi chưa đưa ra được những nguyên nhân thực sự cho vợ chồng trẻ này.
Sàng lọc phôi là biện pháp tạm ổn nhất cho đến nay để khảo sát chất lượng phôi. (Ảnh minh họa)
“Nhiều nơi cho chồng Hà xét nghiệm 1 cái gen, nôm na là 1 cái đột biến không có tinh trùng ở nam giới (AZF). Trong khi chồng Hà tinh trùng khỏe, số lượng xuất tinh tốt. Thậm chí có nhiều xét nghiệm chẳng ra hồn nhưng Hà phải tốn hơn 20 triệu đồng cho việc ấy. Thật sự thấy rất xót cho những vợ chồng hiếm muộn như Hà vì đã phải đang gom góp tiền làm lại IVF thì chớ...”, bác sĩ Đông nói.
Người vợ 4 năm chưa từng được mang thai đi tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại nhưng bác sĩ khuyên không cần tìm
Bác sĩ Đông kể về một trường hợp người vợ khác tên Liên, 32 tuổi. Vợ chồng chị Liên cũng đến gặp bác sĩ sau 4 năm mong con nhưng chưa từng được một lần hạnh phúc mang thai.
Bản thân vợ chồng chị Liên cũng từng bơm tinh trùng thất bại 1 lần, làm IVF 1 lần tạo được 4 phôi: 1 phôi ngày 3 trung bình, 3 phôi ngày 5 xấu nuôi lên ngày 6 hỏng.
“Chị Liên đã chuyển một lần 1 phôi N3 trung bình nhưng không đậu thai. Vì thế chị cũng muốn tìm nguyên nhân thất bại. Thế nhưng tôi bảo chị không phải thất bại chuyển phôi liên tiếp nên không cần tìm nguyên nhân. Đa phần những thứ được gọi là "tìm nguyên nhân" đều còn rất mơ hồ, chỉ nên đánh giá khi thực sự nghi ngờ có vấn đề và việc nhận định kết quả cũng rất thận trọng. Còn trường hợp của chị là do chị chưa may mắn, chưa được phôi tốt thôi. Tôi khuyên tiền đó để dành cho làm IVF chu kỳ mới, tối ưu chu kỳ kích trứng lại, ưu tiên có được phôi tốt, cá thể hóa tốt chu kỳ chuẩn bị niêm mạc thì kết quả sẽ khả quan”, bác sĩ Đông nhớ lại.
Hôm ấy chị Liên đã nghe lời bác sĩ và ra về mà chỉ cần trả chi phí ngồi nghe tư vấn, không tốn thêm 20 triệu xét nghiệm tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại nữa.
“Chị Liên làm lại IVF và được 5 phôi ngày 5 (3 phôi loại 1 và 2 phôi loại 2). Nghe kết quả phôi đã thấy nhiều hi vọng vì phôi tốt. Trộm vía, chuyển phôi ngay lần đầu (1 phôi ngày 5 loại 1) thì sau 9 ngày chuyển phôi beta hCG của chị đã 360 IU, bước đầu tạm thuận lợi. Điều này khiến cả bác sĩ và vợ chồng chị Liên đều rất vui mừng”.
Chuyển phôi thất bại: Vợ chồng hiếm muộn hãy hiểu và kiên nhẫn hơn để thanh thản, tiết kiệm và có sức khoẻ tốt hơn
Nhận định về những trường hợp vợ chồng đi tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại, chuyên gia IVF này nhấn mạnh, dù IVF là biện pháp điều trị hiếm muộn đạt tỷ lệ thành công cao nhất hiện tại cho hầu hết đối tượng bệnh nhân nhưng vẫn như một canh bạc.
Mỗi lần chuyển phôi tỷ lệ đậu thai thường 50/50. Đó là còn tính cho phôi tốt, phôi ngày 5, phụ nữ trẻ và chất lượng khám chữa bệnh được chuẩn hóa mức tốt nhất.
Thực tế, chỉ có khoảng 5% thất bại thực sự, có thể có nguyên nhân ẩn giấu mà chúng ta cần tìm kiếm và điều trị. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Đông, 1 lần chuyển phôi chưa đậu là chuyện bình thường. Các vợ chồng hiếm muộn đừng hoảng cứ chuyển tiếp. Lần 2 chuyển phôi tốt vẫn chưa đậu thì cũng chưa phải bất thường. Lần 3 chuyển phôi tốt mà vẫn chưa đậu thì mới có vẻ không ổn lắm và sau lần này thì mới cần tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại.
“Thường thì sau 3 lần chuyển phôi với ít nhất 4 phôi ngày 5 loại tốt, 85 - 90% người bệnh sẽ đậu thai. Hầu hết nguyên nhân chuyển phôi thất bại thuộc về phía phôi. Sàng lọc phôi là biện pháp tạm ổn nhất cho đến nay để khảo sát chất lượng phôi, tiếc là tỷ lệ đậu thai cho mỗi phôi đã sàng lọc cũng không tăng, trung bình 60% đậu thai cho mỗi phôi và 95% sẽ đậu thai sau 3 lần liên tiếp chuyển phôi đã sàng lọc bình thường. Vì vậy chỉ có khoảng 5% thất bại thực sự, có thể có nguyên nhân ẩn giấu mà chúng ta cần tìm kiếm và điều trị... nên các vợ chồng hiếm muộn phải hiểu biết, kiên nhẫn hơn để tư tưởng thoải mái nhất, lại tiết kiệm tiền và sức khoẻ tốt nhằm tìm con thuận lợi”, bác sĩ Đông nói.