Xử trí biến cố nguy hiểm khi đi đẻ

Ngày 29/03/2013 19:00 PM (GMT+7)

Vỡ ối sớm là biến cố thường gặp khi sinh nở.

Quá trình sinh nở mẹ tròn con vuông là niềm mong ước của tất cả các mẹ bầu nhưng không phải ca sinh đẻ nào cũng ‘thuận buồn xuôi gió’. Có một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với mẹ bầu khi chuyển dạ như băng huyết, sa dây rau, kiệt sức... Trong những trường hợp này, bác sĩ, mẹ bầu và người thân cần đặc biệt chú ý để xứ trí kịp thời.

Vỡ ối non và vỡ ối sớm

Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ. Còn vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết.

Về bản chất, vỡ ối non nguy hiểm hơn vì chỉ chừng 5-6 giờ sau là nước ối đã có thể bị nhiễm khuẩn trong buồng tử cung. Thai nhi rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gặp nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh. Cả bà mẹ cũng có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản nặng. Do vậy, sản phụ vỡ ối non cần được dùng kháng sinh ngay và can thiệp lấy thai ra sớm bằng phẫu thuật. Khi gặp phải trường hợp này, chú ý không được để chuyển dạ kéo dài vì nguy cơ tử vong rất cao cho cả mẹ và con.

Xử trí biến cố nguy hiểm khi đi đẻ - 1
Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ. (ảnh minh họa)

Sa dây rau

Sa dây rau thường xảy ra lúc vỡ ối do áp lực nước ối tăng và ngôi thai (thường là ngôi đầu, ngôi mông hay ngôi vai) chưa xuống thấp. Dây rau có thể sờ thấy ngay trong âm đạo, nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu là ngôi đầu, nguy cơ thai chết sẽ lớn hơn trường hợp ngôi ngược hay ngôi ngang.

Sa dây rau cần được cấp cứu tức thời khi thai còn sống. Sản phụ phải lập tức nằm chổng mông (kể cả khi chuyển đi mổ hoặc nằm trên ô tô chuyển tuyến) để ngôi thai không đè vào dây rau. Nếu cứ để sản phụ nằm ngửa trên cáng, nguy cơ thai chết sẽ cao hơn. Người hộ sinh cần có gạc ấm thấm nước, đặt trong âm đạo để không cho dây rau thụt xuống.

Dây rốn quấn cổ bé

Khoảng 1/3 số bé chào đời với dây rốn quấn cổ, tùy cấp độ khác nhau. Không phải trường hợp nào bé bị dây rốn quấn cổ cũng là nguy hiểm. Bác sĩ chỉ cần dùng cách cắt dây rốn là giúp bé chào đời dễ dàng.

Một số trường hợp, do dây rốn quấn quá dầy nên bác sĩ phải tiến hành cắt bỏ dây rốn trước khi bé chào đời. Tuy nhiên, quá trình đưa bé ra khỏi bụng mẹ phải được thao tác nhanh vì khi dây rốn bị cắt đứt, bé không còn liên kết với mẹ nữa.

Trẻ sơ sinh bị ngạt

Ngạt sơ sinh là trẻ sinh ra không thể hô hấp tự nhiên (ngạt nguyên phát) hoặc đã thở, đã khóc nhưng sau đó không thở tiếp được (ngạt thứ phát, chủ yếu do kỹ năng của bà đỡ). Cả 2 tình trạng này đều có thể dẫn tới tử vong, ốm yếu lâu dài, viêm phổi hoặc tàn phế.

Xử trí biến cố nguy hiểm khi đi đẻ - 2
Ngạt sơ sinh là trẻ sinh ra không thể hô hấp tự nhiên. (ảnh minh họa)

Đề phòng trẻ ngạt bằng cách nào? Đối với các bà mẹ, cần đến đẻ tại cơ sở y tế có nữ hộ sinh chăm sóc theo dõi chuyển dạ và đỡ. Đối với cán bộ y tế, cần theo dõi chuyển dạ đúng quy trình, tránh để chuyển dạ kéo dài quá 24 giờ ở tuyến cơ sở. Nếu đẻ chỉ huy, phải theo dõi sát cơn co tử cung và tim thai. Nếu tim thai trên 165 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút là báo hiệu suy thai, nếu không xử lý tốt sẽ là nguyên nhân gây ngạt sơ sinh. Trong phòng sinh phải có sẵn hệ thống ôxy để sử dụng khi cần thiết.

Khi trẻ bị ngạt, trước hết phải làm thông thoáng đường hô hấp, loại bỏ hết dịch nhầy mà trẻ hít phải trong khi lọt lòng. Cần ủ ấm cho trẻ trong suốt quá trình điều trị ngạt (bảo đảm bằng nhiệt độ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ), hô hấp hỗ trợ ngay bằng bóng ambu và ôxy.

Băng huyết ở sản phụ

Hiện tượng băng huyết xảy ra nhiều nhất là trong thời kỳ xổ rau. Nguyên nhân do rách đường sinh dục khi sinh nở. Rách cổ tử cung, âm đạo gây băng huyết mạnh nhất, rồi đến rách âm môn (tầng sinh môn). Vỡ tử cung không chỉ nguy hiểm vì gây chảy máu mà còn gây đau toàn thân. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp này là rất cao.

Dù rất nguy hiểm nhưng việc chẩn đoán băng huyết lại không khó vì có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu được xử trí cầm máu ngay lập tức thì ít nguy hiểm nhưng nếu để chậm (chậm chẩn đoán hoặc chậm xử trí), tình trạng sản phụ nặng lên rất nhanh, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên nhiều. Những người đã sinh con nhiều lần hoặc đã có tiền sử chảy máu nặng, người trên 35 tuổi mới sinh con lần đầu hoặc đã có sẹo ở tử cung do mổ những lần sinh trước... dễ gặp tai biến này. Vì vậy, chị em cần đặc biệt chú ý.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị đồ và tâm lí