Chứng khoán đổ nhào

Ngày 02/04/2015 00:08 AM (GMT+7)

Dòng tiền thông minh của nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển kèm theo áp lực “margin call” khiến thị trường chứng khoán lao dốc

Sau khi gượng dậy được một phiên vào ngày 31-3, phiên giao dịch ngày 1-4, cả 2 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu do động thái của khối nhà đầu tư nước ngoài. Có thể họ kỳ vọng cao vào các kênh đầu tư khác nên đã dịch chuyển dòng tiền chứ thực tế tình hình vĩ mô trong nước vẫn ổn định, thậm chí tốt hơn dự báo.

Giảm liên tục

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1-4, VN-Index giảm tổng cộng 12,22 điểm, còn 538,91 điểm; HNX-Index cũng giảm 1,8 điểm, còn 80,47 điểm. Như vậy, tính từ ngày 17-3 đến nay, với hơn 10 phiên giao dịch, VN-Index mất tổng cộng 42,85 điểm, tương ứng 8%. Còn HNX-Index giảm ít hơn - khoảng 6%.

Chứng khoán đổ nhào - 1

Thị trường chứng khoán giảm mạnh khiến nhà đầu tư lo lắng

Điểm đáng chú ý ở các phiên giao dịch này là khối nhà đầu tư nước ngoài luôn ở trạng thái bán ròng. Cụ thể, trong vòng 10 phiên, khối này bán ròng tổng giá trị hơn 1.000  tỉ đồng. Hầu hết các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn, khối ngoại nắm nhiều đều bị bán và giảm điểm mạnh nhất. Quan trọng hơn là thanh khoản của thị trường vẫn không cải thiện. Phiên ngày 1-4, tổng giá trị giao dịch đạt 2.465 tỉ đồng, giảm khoảng 10% so với phiên ngày 31-3. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng những phiên vừa qua, các quỹ đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ ETFs, đã bán mạnh cổ phiếu. Dĩ nhiên, khối này thường nắm cổ phiếu có vốn hóa lớn, vì thế khi bị bán ra, VN-Index “trôi” theo. Đáng nói hơn là khi thị trường giảm mạnh, những nhà đầu tư có dùng đòn bẩy tài chính (margin) càng lo lắng vì khi ngưỡng cho phép đã “gãy”, họ phải bán ra hoặc buộc bán ra (margin call) để bù đắp tiền vay. Đó là lý do khiến thị trường giảm mạnh trong những ngày qua.

Dịch chuyển dòng tiền?

Theo ông Phan Dũng Khánh, thời gian qua, đồng USD tăng giá mạnh cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ tăng lãi suất đồng USD trong thời gian tới. Khi đó, đồng USD sẽ có sức mạnh sinh lời. Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển tiền đồng sang USD. Bên cạnh đó, đồng euro lại đang giảm giá nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đồng tiền này sẽ tăng trở lại ít nhất vài phần trăm trong thời gian tới. Chưa kể trong 3 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán châu Âu tăng mạnh, đặc biệt là thị trường chứng khoán Đức đã tăng kỷ lục, kéo theo chỉ số chứng khoán ở một số nước như Ý, Pháp… tăng theo. Đó cũng là lý do khiến dòng tiền các nơi bị hút về 2 đồng tiền này.

Cùng quan điểm về sự dịch chuyển của dòng tiền vì đồng USD và euro, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định khi khối ngoại mua ròng liên tục trong thời gian dài, kéo thị trường đi lên thì lúc họ bán ra, thị trường giảm là điều dễ hiểu. Trong quá khứ, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu mở rộng cung tiền thì lập tức tỉ giá của đồng euro và USD sẽ tăng,  mà việc mở rộng này họ mới thực hiện được một tháng nên kỳ vọng thời gian tới, đồng euro sẽ tăng từ 10%-15% so với USD nên nhà đầu tư chuyển sang giữ euro.

Cũng theo ông Chí, ngoài các tác động trên, thị trường chứng khoán còn thêm “áp lực” khác đó là Thông tư 36 vừa có hiệu lực, quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của các ngân hàng (trước đây là 20%). Điều này được giới phân tích cho rằng có phần làm giảm dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 210 của Bộ Tài chính với nội dung về việc thắt chặt hoạt động công ty chứng khoán để lấy ý kiến các thành viên trên thị trường. Trong đó, một số nội dung đáng chú ý là công ty chứng khoán không được vay, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác dưới mọi hình thức kể cả hợp đồng hợp tác 3 bên, hợp đồng giao vốn  hoặc các hợp đồng kinh tế có bản chất vay, cho vay; không được sử dụng vốn của đối tác, của khách hàng trong các hợp đồng đặt cọc với bất cứ mục đích nào khác; không được cho vay tiền, chứng khoán dưới mọi hình thức… Điều này khiến nguồn vốn của các công ty chứng khoán yếu đi, thị trường cũng giảm lực.

Còn nhiều cơ hội

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo phân tích cho rằng thị trường chứng khoán năm 2015 vẫn có nhiều cơ hội đầu tư. Nhận định này dựa trên kỳ vọng từ việc ký kết các hiệp định thương mại, hỗ trợ lớn đối với cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may, bất động sản... Hay việc  thúc đẩy giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đem lại cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành bất động sản và ngân hàng.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây cho rằng chưa có cơ sở để điều chỉnh tỉ giá và mục tiêu ổn định tỉ giá trong biên độ 2% vẫn còn phù hợp. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ trong quý I/2015 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua, cho thấy cầu trong nước hiện đang dần lấy lại mốc tăng trưởng hai chữ số. Nhiều dự báo cho rằng GDP 2015 sẽ nằm ở mức cao hơn dự báo là khoảng 6,2%.

Theo Sơn Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chứng khoán