Việc đưa hệ thống ngân hàng vào một quỹ đạo lành mạnh cho vay cổ phiếu là điều cần thiết.
Ngày 1-2, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN, về quy định các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài) sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về những tác động của thông tư này lên thị trường chứng khoán.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc đưa cả hệ thống NH vào một quỹ đạo lành mạnh cho vay cổ phiếu là điều cần thiết. Với những quy định chặt chẽ ở thông tư này nếu được thực thi một cách nghiêm túc sẽ tạo ra những thay đổi từ bên trong các NH. Đó chính là mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu ngành NH mà NHNN và Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.
Mở đầu vào, siết đầu ra
- Phóng viên: Nhiều chuyên gia chứng khoán và nhà đầu tư cho rằng thông tư 36 sẽ gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang muốn lên sàn và thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ giảm rất mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Thông tư 36 là bước ngoặt trong lịch sử của NHNN trong việc quản lý hệ thống NH. Thông tư 36 có một điểm đáng lưu ý là kéo hệ số rủi ro với những tài sản thuộc hoạt động cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống 150%. Theo nguyên tắc, nếu hệ số rủi ro càng thấp thì việc cho vay ra càng cao. Chẳng hạn trước đây hệ số rủi ro cho vay đầu tư cổ phiếu là 250% thì họ chỉ cho vay được 40 đồng. Nhưng hệ số này được kéo xuống 150% nghĩa là NH được cho vay ra nhiều hơn. Việc giảm hệ số rủi ro cho một số loại tín dụng như bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống 150% là mở rộng hoạt động cho vay cho những loại tín dụng này. Với cho vay chứng khoán, có thể nói đây là cách NHNN nới lỏng cho vay chứng khoán giúp tăng thanh khoản cho TTCK và hỗ trợ cho việc đầu tư vào cổ phiếu.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH: Cổ phiếu NH sẽ phục hồi tốt sau khi Thông tư 36 có hiệu lực thi hành. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, đi cùng với việc mở thì có hai điều kiện bị siết chặt, cụ thể NH không thể cho vay quá 5% vốn điều lệ. Mặc dù trước khi ban hành thông tư này thì tỉ lệ này mới trên 4% mà thôi. Điều kiện thứ hai là NH có nợ xấu trên 3% cũng không được đầu tư cổ phiếu. Với việc một đầu nới lỏng và một đầu siết chặt để đảm bảo tính an toàn vốn của NH cũng là đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.
- Được biết nợ xấu hiện nay không phải do đầu tư chứng khoán mà từ các lĩnh vực khác. Hơn nữa, nếu khống chế con số nợ xấu dưới 3% mới được đầu tư vào cổ phiếu liệu rằng có tình trạng làm đẹp nợ xấu hay không, thưa ông?
Nợ xấu không đến từ chứng khoán, song đó là hệ quả một thời NH cho vay bừa bãi, hay nói cách khác là việc kinh doanh tín dụng của anh không tốt. Nay đang có nợ xấu cao mà vay cổ phiếu nữa thì rủi ro lớn. Tất nhiên việc đưa nợ xấu về dưới 3% không phải chỉ làm đẹp sổ sách mà phải có hệ thống hạch toán minh bạch. Việc giữ nợ xấu dưới 3% là hệ số an toàn trên cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Đưa cả hệ thống NH vào một quỹ đạo lành mạnh cho vay cổ phiếu là điều cần thiết và không nên kéo dài thời gian có hiệu lực hay nới lỏng hơn việc cho vay cổ phiếu.
Thông tư 36 có cản trở cổ phần hóa DNNN?
- Năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cổ phần hóa DNNN. Liệu áp dụng Thông tư 36 ngay lúc này có ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa DNNN không, thưa ông?
Thông tư không đi ngược chủ trương tái cấu trúc hệ thống NH. Riêng tái cổ phần hóa DNNN trong năm 2015 có bị ảnh hưởng hay không? Câu trả lời là có thể có và cũng có thể không. Việc siết tỉ lệ cho vay của NH không quá 5% vốn điều lệ có thể làm chậm lại phân khúc nào đó tại NH và có thể là lực cản cho việc tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, đến nay chưa có khảo sát nào cụ thể về việc chúng ta sẽ có bao nhiêu cổ phiếu được bán ra, tính thanh khoản thế nào và sự hỗ trợ của NH ra sao… Do đó chưa thể khẳng định thông tư này làm cản trở việc cổ phần hóa DNNN.
- Vậy TTCK sau thông tư quan trọng này sẽ như thế nào, lĩnh vực nào sẽ là điểm xanh cho sàn chứng khoán?
Những cổ phiếu ngành NH sẽ được phục hồi tốt. Ngoài ra, khu vực xuất khẩu, các DN có vốn nước ngoài ở những thị trường ổn định thì cổ phiếu của họ sẽ được xem là hấp dẫn. Cạnh đó, các DN về may mặc, có thị trường ổn định là các mã cổ phiếu đáng được lưu tâm. Còn những mã cổ phiếu mang tính rủi ro cao là du lịch, khai thác khoáng sản, những DN phát triển nhanh nhưng nhiều rủi ro thì chứng khoán sẽ ít được quan tâm.
Xin cám ơn ông.
Nợ xấu không đến từ chứng khoán Về mặt quản lý thì Thông tư 36 rất tốt cho TTCK. Song khi thực hiện, trước mắt thị trường sẽ bị ảnh hưởng đôi chút. Thông thường TTCK chảy vào là dòng vốn trung và dài hạn. Nhưng quy luật là nước luôn chảy vào chỗ trũng nên việc đầu tư ngắn hạn lướt sóng vẫn luôn xảy ra. Tuy nhiên, NH sẽ gặp khó với quy định nợ xấu dưới 3% mới được đầu tư vào cổ phiếu. Trong khi con số nợ xấu là của quá khứ và chứng khoán không gây ra. TS NGUYỄN NGỌC HUY, Trưởng khoa Tài chính NH Trường ĐH Kinh tế Luật - ĐH Quốc gia TP.HCM |