Tôi đau chung với nỗi đau của “mẹ mìn”

Ngày 14/01/2014 10:08 AM (GMT+7)

Đọc câu chuyện này, làm sao ta không khỏi xót xa cho thân phận đàn bà? Phụ nữ yếu đuối và dại khờ lắm!

Những ngày qua, khi người ta sôi sục thông tin về việc một em bé 1 ngày tuổi bị bắt cóc tại Bệnh viện quận 7 (TP.HCM). Tôi có đọc, có theo dõi và không bỏ sót một bài viết nào. Khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày tuy không quá dài nhưng nó cũng đã gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng. Là một người mẹ cũng đang nuôi con nhỏ 3 tháng tuổi, tôi hiểu được nỗi đau đớn vô bờ khi mang nặng đẻ đau, mới nhìn mặt con yêu chẳng được mấy tiếng đã phải chịu đựng cú sốc quá lớn vì mất con.

Ngày biết tin bé Văn Hoài đã được về với vòng tay mẹ, nhìn qua trang báo mạng một bé trai nhỏ nhắn với gương mặt sáng bừng và đôi mắt vẫn nhắm nghiền trong giấc ngủ an lành, tôi cũng như bao bà mẹ khác, mừng mà thấy khóe mắt cay cay.

Vậy nhưng hôm nay, khi đọc bài viết về ‘mẹ mìn” – thủ phạm Vũ Thị Bích Trâm và câu chuyện của Trâm. Tôi lại bỗng nảy sinh một nỗi đau khác, một nỗi đau có phần cay đắng xót xa cho thân phận người phụ nữ. Tôi đau chung với nối đau của “mẹ mìn”.

Theo lời khai ban đầu của Trâm, năm 2003, Trâm quen và cưới anh Vũ Tiến L. (SN 1987, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhưng không đăng ký kết hôn. Sau thời gian quen biết nhau, Trâm có thai, khi đi khám thì được biết thai nhi trong bụng là bé gái.

Nghe tin Trâm có thai, gia đình L. ai cũng vui mừng. Tình cảm giữa Trâm và L. ngày càng bền chặt. Tuy nhiên, mới đây khi bị sẩy thai, Trâm không thông báo cho gia đình nội ngoại biết; thậm chí là L.. Vì sợ sau khi để mất đứa con trong bụng sẽ bị gia đình chồng ghẻ lạnh, chồng sẽ chia tay nên Trâm nảy sinh ý định bắt cóc con người khác để làm con mình.

Ngày 8/1, Trâm lân la vào Bệnh viện quận 7 để bắt cóc trẻ sơ sinh. Lúc này, Trâm vào phòng của chị Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1983, ngụ quận 7) để tiếp cận làm quen. Trong khi trò chuyện, Trâm nói với chị Tâm là đưa bà chị vào bệnh viện sinh được 3 ngày nay.

Đến chiều 8/1, sau khi chị Tâm sinh bé trai kháu khỉnh đặt tên là Trương Văn Hoài, Trâm tìm cách tiếp cận để thực hiện ý đồ xấu. Sáng 9/1, khi chị Tâm đến góc phòng rửa bình pha sữa, Trâm ẵm cháu bé chạy ra ngoài rồi thuê 4 “cuốc” xe ôm đưa cháu bé về gia đình chồng ở quận 7.

Tôi đau chung với nỗi đau của “mẹ mìn” - 1
Có ai đau cho nỗi đau của người phụ nữ này?

Điều đáng nói là, trước đó Trâm có thai con gái, nhưng khi bắt cóc cháu Hoài (bé trai) về, gia đình anh L. vẫn không hề hay biết. Sau khi đọc được những thông tin trên mạng, đặc biệt là hình ảnh họa sĩ phác họa chân dung thủ phạm bắt cóc rất giống với Trâm, gia đình L. có nghi ngờ.

Chất vấn Trâm, gia đình L. hốt hoảng khi Trâm nói bị sẩy thai và thực hiện vụ bắt cóc để giữ chân chồng. Sau khi biết toàn bộ sự thật, gia đình đã khuyên Trâm đến trụ sở công an đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đọc câu chuyện này, làm sao ta lại không khỏi xót xa cay đắng cho thân phận đàn bà. Trâm cũng chỉ là một người phụ nữ quá khao khát con cái, khao khát tình yêu, khao khát một mái ấm gia đình như bao người phụ nữ khác. Thật không may khi cuộc đời ban cho một đứa con, một người chồng rồi lại lần lượt cướp mất đứa con của cô và tình cảm của người chồng. Phụ nữ yếu đuối lắm, hay hoang mang và “ngu dại” lắm. Mấy ai có thể đứng vững, có thể không suy sụp khi đứng trước bờ vực tan vỡ hạnh phúc gia đình khi bị sảy thai? Hành đồng cướp con của Trâm, cũng chỉ là hành động bộc phát trong cơn khủng hoảng mà mất đi lý trí – cái mà đàn bà chúng ta ai chẳng từng một lần mắc phải.

“Dù cháu bé được cho uống sữa ngoài, nhưng khi tiếp nhận, thấy cháu da dẻ hồng hào, khỏe mạnh chúng tôi rất vui. Trâm còn khai, do bột phát nhất thời nên mới vào bệnh viện bắt cóc cháu nhỏ mới sinh được 1 ngày tuổi. Dù không phải con đẻ của mình, nhưng Trâm rất thương yêu thương và chăm sóc cháu bé rất chu đáo”, nữ cán bộ công an nói. – Đọc được những dòng chia sẻ này, cảm giác phẫn nộ của tôi đối với thủ phạm Trâm cũng đã giảm đi phần nào. Cô ta chưa được là một người mẹ, nhưng cũng đã nảy sinh tình mẫu tử với đứa trẻ, cũng đã biết chăm sóc và dành trọn tình thương cho đứa con chẳng phải máu-mủ-ruột-già.

Tôi từng biết nhiều người vợ chỉ vì không sinh được con cho nhà chồng mà bị ruồng bỏ, lăng mạ. Cũng từng gặp nhiều người đàn bà chỉ biết nhắn tin “Con đang ốm, anh về đi” để kéo chồng ra khỏi cuộc nhậu - nơi mà họ biết rằng, những tin nhắn như “Em đang ốm” sẽ không có tác dụng. Còn gì đáng thương hơn một người đàn bà phải dùng đứa con để níu giữ tình cảm từ người chồng?

Giá như người chồng tỏ ra yêu thương vợ, giá như anh ta đừng lấy vợ chỉ vì đứa con, giá như có ai đó ở bên người đàn bà tội nghiệp này khi chị sảy thai...thì có lẽ mọi việc cũng đã không đi quá xa như vậy. 

Thủ phạm Trâm vừa đáng giận nhưng cũng vừa đáng thương. Tôi mong rằng khi Trâm đã ra tự thú và trả lại con, pháp luật sẽ cho cô ta một con đường khoan hồng. Cũng là để cho những người phụ nữ như chúng tôi bớt đi phần nào cảm giác cay đắng của phận đàn bà.

Tôi chợt nghĩ đến cảnh chị Dậu chạy vào màn đêm đen tối om trong tác phẩm Tắt Đèn...

Lê Hoa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bắt cóc trẻ em