Tôi đưa con đi thi The Voice Kids

Ngày 03/09/2013 10:14 AM (GMT+7)

Khi viết những dòng này, thực tâm tôi không muốn phê phán BTC hay trách mắng ai cả.

Vừa qua, những dòng nhật ký mang tên 'Tôi đưa con đi thi The voice kids' của bố thí sinh Lương Thùy Mai chia sẻ trên mạng đã lập tức nhận được rất nhiều sự sẻ chia của cộng đồng mạng. Những dòng viết chân thành, pha chút hóm hỉnh của ông bố trẻ khiến nhiều người thích thú và vô cùng cảm động trước tình cảm bao la mà những bậc làm cha làm mẹ dành cho con cái. Xin trích đăng nguyên văn những tâm sự của anh Lương Quốc Thái - bố thí sinh Lương Thùy Mai: 

Sung sướng!

Đầu tháng 5, đứa con gái nhỏ đi học về thì thầm: "Bố cho con đi thi The Voice Kids". Nghe con nói mà giật mình. Chương trình này đâu có đất dành cho những đứa chưa có một chữ thanh nhạc bẻ đôi như con mình? Nghĩ sao làm vậy, tôi bảo con bé: "Thôi con, thi làm gì? Nhà mình không có "mả" hát".

Nói vậy nhưng cuối cùng tôi cũng cố gắng tìm hiểu format chương trình và cũng nghĩ đơn giản: Chiều cho nó đến vòng gửi xe rồi về.

Sau 2 vòng sơ khảo, một ngày đẹp trời từ số máy 08.3xxx.xxx gọi đến thông báo: "Bé Lương Thùy Mai đã được vào vòng 'Giấu Mặt'". Nghe nội dung: "Em thông báo để gia đình sắp xếp công việc đưa cháu vào Sài Gòn” mà thấy nhẹ tênh.

Mang theo nội dung cuộc điện đàm về thông báo cho vợ, con, cả nhà nhảy lên sung sướng. Con bé sau khi vui mừng vì biết mình được vào vòng giấu mặt thì liếc xéo sang bố: "Vậy là con đã qua vòng gửi xe rồi nhé".

Sau một hồi tính lui, bàn tới, cuối cùng cả nhà ra nghị quyết: Bố sẽ là người sát cánh bên con gái trong suốt quá trình vào TP HCM thi "giấu mặt". Thống nhất xong trong gia đình, tôi vội vàng gọi điện vào cho Ban tổ chức (BTC) để họ book vé máy bay (chả là BTC lo vé máy bay và khách sạn cho thí sinh).

Hồi hộp, phấn khởi, cuối cùng "giờ G" cũng điểm. Hai bố con vác ba lô lên đường ra sân bay. Mẹ và chị gái không chịu ngồi yên ở nhà mà quyết định cả nhà sẽ đi xe máy ra sân bay. Check in, vào phòng đợi, rồi cuối cùng hai bố con bước lên máy bay. TP HCM đón hai bố con bằng một trận mưa tầm tã.

Hai tuần đầu tiên ở TP HCM quay cuồng với lịch quay clip, phỏng vấn. Lên số 5 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 để phỏng vấn, rồi chạy về Hồng Hà, Quận Gò Vấp. Rời Gò Vấp lại chạy về Q.3, tất cả đều được bác taxi "giúp". Tuần đầu tiên, số tiền mang theo gần hai chục triệu đồng (chỉ phải lo ăn uống như dự kiến) đã vèo mất gần 1 nửa.

Tính sơ sơ thế này: Khoảng 300.000 đồng tiền taxi, ăn sáng hai bố con mất gần 100.000 đồng, cơm trưa Bà Cả Q.1 (đúng vị Bắc) 100.000 - 130.000 đồng cho 2 suất. Chiều cũng vậy. Rồi nước uống, sữa, trái cây để bồi dưỡng cho thí sinh, mỗi ngày cũng tầm 600.000 - 800.000 đồng.

Thế rồi cái gì đến cũng sẽ đến, vòng thi "Giấu mặt" cũng diễn ra. Trong số 80 bé (về sau được biết còn 67 bé) dự thi thì chỉ có 45 bé được đi tiếp vào vòng trong. Bé nhà mình là 1 trong số 45 bé.

Sướng! Bố chấp nhận mất tiền để con được vui. Mang cảm giác lâng lâng khó tả, hai bố con tạm biệt TP HCM để quay về Hà Nội. Tới nhà, đón hai bố con với niềm hân hoan, bữa liên hoan nhẹ có gà và nhiều món khoái khẩu được bày ra.

Sau bữa tối, khi chỉ còn hai vợ chồng, niềm vui vẫn còn vương vất nhưng liền sau đó vết nhăn thoáng qua trên trán vợ bởi số tiền mang theo trong ví giờ chỉ còn tính bằng trăm nghìn.

Cày! Câu đầu tiên mình nói với vợ sau khi móc ví ra trình bày: "Anh sẽ cày để tiếp tục đưa con đi thi".

Tôi đưa con đi thi The Voice Kids - 1
"Anh sẽ cày để tiếp tục đưa con đi thi".

Lo lắng!

Sau hai tuần nghỉ ngơi, Ban tổ chức gọi điện yêu cầu tiếp tục vào TP HCM để thi vòng "Đối đầu" (dĩ nhiên, vé máy bay vẫn do Ban tổ chức tài trợ). Rút kinh nghiệm ở vòng thi "Giấu mặt", mình đã quen với nhiều bố mẹ các bé hơn, đặc biệt là sẽ phải siết chặt hầu bao hơn để "chiến đấu" trong những ngày ở TP HCM.

Sáng sớm ngày khởi hành, bà xã phóng xe ào ra chợ đầu mối mua liền mấy cân thịt nạc. Giời ạ! Để làm ruốc cho hai bố con ăn dần. Bà xã định kho thêm một nồi thịt và thêm con gà rang gừng nhưng tôi không chịu. Nhưng hộp ruốc thì không thể không mang theo. Rồi mật ong, nước mơ, đường... tóm lại, bớt đồng nào hay đồng ấy. Mang từ nhà đi vừa an toàn lại đỡ tốn tiền mua. (À mà quên, tôi còn cố nhét thêm một chai rượu ngâm táo mèo vào cái vali đã chật cứng và không quên nháy mắt với con gái lớn: "Trong ấy không có rượu con ạ!").

Lần thứ hai có mặt ở TP HCM, Ban tổ chức bố trí cho hai bố con ở khách sạn tại Q.1. Cùng chung phòng còn có bố của bé Thu Hà (Nghệ An). Vậy là ngon! Hai ông bố chăm hai cô con gái. Buổi tối đầu tiên khi ở cùng phòng, hai anh em (tôi và bố bé Hà) bàn nhau: "Ăn cơm Bà Cả như vậy tốn kém quá. Từ ngày mai, anh em ta sẽ không mua theo suất mà mua cơm riêng, thức ăn riêng. Nghĩa là 4 người mua 4 hộp cơm (giá có 6.000 đồng một hộp). Còn thức ăn mặn thì mua 30.000 đồng thịt kho, 30.000 đồng món mặn khác và cuối cùng thêm 10.000 đồng canh là ổn. Tổng cộng 4 suất hết có 96.000 đồng. Sau đó mang về phòng ăn, vừa mát lại vừa rẻ". Haha! Tính ra một suất chỉ chưa đến 25.000 đồng. Tính sao, làm vậy. Hai anh em góp tiền mỗi nhà 500.000 đồng, đưa bố bé Hà làm thủ quỹ. Hàng ngày đến bữa hai bố cùng đi mua cơm. Quả thật! Tính toán của mình mang lại hiệu quả cao. Cơm vẫn no, thức ăn vừa đủ, canh cũng có mà rẻ. Thế này thì hai bố con yên tâm "chiến đấu" tiếp, không lo gì nữa. Được dăm ngày, mình đem câu chuyện mua cơm "giá rẻ" khoe với mấy phụ huynh khác cũng đưa con đi thi và mọi người đều hưởng ứng. Thế là đồng loạt các bố các mẹ áp dụng "sáng kiến" của mình. Nhưng mình tính không bằng chủ quán tính. Hôm sau đi mua cơm, giá một hộp cơm vẫn nguyên 6.000 đồng nhưng thức ăn thì khác. Hôm trước mua 30.000 đồng được bốn con mực nhồi thịt thì hôm nay chỉ được một con (vẫn những con mực nhỏ nhỏ như thế). Hôm trước mua 30.000 đồng thịt kho tàu được tôi gần 1 bát con thì hôm sau được 5 miếng.

Chuyện ăn đã khổ như vậy nhưng chuyện ngủ cũng khổ không kém. Chả là cứ hai thí sinh được bố trí ở một phòng, vì thế khi vừa mới vào thì hai ông bố có hai con gái ở với nhau, hai bà mẹ có hai con trai ở với nhau. Khi không ghép được thì bố có con trai ở cùng phòng với mẹ cũng có con trai. Haha! Kết quả là nhiều buổi trưa có bố cứ trầm ngâm ở dưới lễ tân không về phòng. Đơn giản vì... bất tiện! 

Đấy là ngủ, còn giặt giũ thì có cả một câu chuyện dài để nói. Số là khách sạn MKL không cho giặt giũ và phơi trong phòng, nếu bắt gặp phơi đồ trong phòng thì đồng nghĩa đã giặt và phải nộp phạt 100 đồng một lần. Dĩ nhiên, quần áo không thể mặc từ ngày này sang ngày khác mà theo lý giải của nhân viên khách sạn thì cứ đưa quần áo cho họ giặt, vừa được hong phơi ngoài nắng, vừa được là ủi phẳng lì, không lo bị phạt mà còn mang lại mĩ quan cho căn phòng nên có phụ huynh đã áp dụng luôn. Riêng tôi vì áp dụng chính sách "siết chặt hầu bao" nên vẫn lén lút giặt buổi tối. Sau khi giặt xong, vắt kiệt nước rồi dùng khăn tắm khô áp vào quần áo ướt để hút nước thêm một lần nữa, sau đó đem treo trong phòng. Đúng là "nhất cử lưỡng tiện", vừa tạo thêm độ ẩm cho căn phòng bật điều hòa 24/24, vừa khô quần áo và quan trọng hơn là không ai bắt quả tang được mình vì những hoạt động này chỉ diễn ra từ sau 21h đến trước 8h sáng hôm sau.

Quay lại câu chuyện của vị phụ huynh nọ, sau 1 tuần sung sướng, nghe đâu phải trả hơn 1,7 triệu đồng tiền giặt quần áo thì tái xanh mặt và không dám thuê giặt nữa và cũng không giặt quần áo luôn. Hậu quả biết liền! Một phụ huynh của thí sinh ở cùng phòng với phụ huynh và thí sinh (không giặt) nọ cứ nằng nặc đòi chuyển phòng hoặc không về khách sạn ở nữa, mùi quá. Vượt qua tất cả các khó khăn ấy, cuối cùng vòng thi "Đối đầu" cũng diễn ra. 3 loại 2 lấy 1, nghĩa là từ 45 thí sinh của 3 đội (15 thí sinh 1 đội) sau khi "Đối đầu" thì 10 bé phải chia tay, chỉ có 5 bé được giữ lại.

Tôi đưa con đi thi The Voice Kids - 2
Dù vất vả nhưng các thí sinh nhí nhà ta vẫn luôn tươi cười, nghịch ngợm

Khốc liệt!

Những câu chuyện cảm động, những giọt nước mắt sẻ chia không chỉ của người lớn có con đi thi mà cả của tụi nhỏ - những thí sinh. Bởi, sau thời gian làm quen, tập luyện và chơi chung với nhau việc "Đi - ở" khiến cho tình cảm của mọi người như gần nhau hơn, chính vì thế những lo toan trước đó tan biến. Dĩ nhiên khán giả truyền hình sẽ được xem một chương trình hấp dẫn với đầy cảm xúc trong đó mà tôi chắc rằng không ít người cũng không cầm được nước mắt. Chợt nghĩ, rating chương trình này từ đây chắc chắn sẽ tăng vọt và giá quảng cáo chắc cũng đội lên không ít. Nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ việc tôi quan tâm là hầu bao của mình đã mỏng đi nhanh chóng và thời gian nghỉ việc để đưa con đi đã chuyển sang giai đoạn tự túc – nghỉ không lương. Nói dại, cơ quan thấy mình nghỉ lâu quá lại cho nghỉ việc thì đúng là chết dở.

Quay lại vòng thi “Đối đầu”. Sau hơn 3 tuần ăn trực nằm chờ, đưa đưa, đón đón rồi chạy ngược chạy xuôi để thực hiện các cuộc phỏng vấn và clip do Ban tổ chức yêu cầu (dĩ nhiên phương tiện vẫn do mình tự túc) cũng được kết thúc bằng hai buổi ghi hình. Cùng với những giọt nước mắt của các cháu thí sinh (đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới) và sự xuýt xoa tiếc rẻ của không ít ông bố bà mẹ thì tôi lại bình tĩnh lạ thường. Bắt đầu hiểu!

Chia tay 30 bé bị loại, 15 bé trong đó có con mình lại một lần nữa được đi tiếp vào vòng sau - vòng "Liveshow". Một lần nữa hai bố con tôi lại chia tay TP HCM quay về Hà Nội. Bước xuống sân bay, hai bố con định đi taxi về cho nhanh nhưng khi sờ đến ví tiền thì không còn đủ 350.000 đồng, vậy là lếch thếch kéo vali đi bộ ra bến xe bus. Mất có 14.000 đồng cho hai vé xe chặng 1 và 10.000 đồng hai vé chặng 2. Sau gần 2 tiếng, bố con tôi đã về đến nhà, phấn khởi, hồ hởi, nhiều bé con hàng xóm sang nhìn mặt chị Mai... lên tivi. Con mình sắp nổi tiếng! Buổi tối, cơm nước xong, vẫn điệp khúc cũ, bà xã hỏi: "Bố con chi tiêu hơn hai chục ngày trong ấy thế nào?" Hờ hờ! Lại kiểm tra ví tiền mình đây mà! Không nói gì, mà biết nói gì bây giờ? Buông mình xuống ghế, tôi trả lời: “Em yên tâm, đâu sẽ vào đó, thịt chó sẽ có mắm tôm!” Biết tính mình, bà xã thở dài và đi lên phòng. Nhăn nhó!

Trước khi bắt đầu phần ba thì xin bổ sung thêm 1 chút cho phần 2 còn thiếu (dĩ nhiên là không thể đầy đủ được). Số là ngay trước khi bước vào vòng thi "Đối đầu", ngay tại sân khấu tổng duyệt, người của Ban tổ chức đưa cho mỗi phụ huynh một hợp đồng với những điều khoản và cam kết không thể không ký, dù đọc xong cảm thấy cực kỳ ấm ức. Cái "Hợp đồng" đã không được áp dụng trong trường hợp này. Bởi "Hợp đồng theo nghĩa chung nhất là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ cụ thể". Mà đã không có "sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ" thì còn gì gọi là hợp đồng nữa. Đây cũng là mấu chốt để những ai trót "trèo lên lưng cọp" rồi sẽ rất khó để xuống.

Cau Có!

Không để thời gian trôi qua vô ích, tôi bắt tay ngay vào công việc đồng thời tranh thủ "cày thêm bên ngoài" để tiếp tục lấy tiền đưa con đi TP HCM tham gia vòng "Liveshow".

Con bé sau 2 vòng thi đã bắt đầu có dấu hiệu "hết sung" và muốn được về quê hoặc ít ra được đi đâu đó. Tuy nhiên việc về quê lúc này là cả vấn đề vì tôi cần dồn "tâm, sức, lực" để kiếm tiền đã. Về quê không được đã đành, có vé mời đi Công viên nước Hồ Tây của bố mẹ cu Min nhà đối diện mà cũng không thể bố trí đưa con đi được. Ức chế!

Quay trở lại một chút, sau vòng "Đối đầu", con bé nhà mình cùng 14 thí sinh (cùng đội) được Huấn luyện viên (HLV) Thanh Bùi tặng 1 suất học bổng trị giá 8,5 triệu đồng mỗi bé và có giá trị từ đầu tháng 7. Như thế giai đoạn nghỉ ngơi ở Hà Nội của con gái và thời gian "cày cuốc" của tôi đã ngắn giờ lại càng ngắn hơn.

Hơn 1 tuần ở Hà Nội "nghỉ ngơi" nhanh chóng kết thúc. Theo thư mời học bổng (Soul academy), đúng ngày 3/7 có lịch học buổi đầu tiên của bé tại trường. Thôi thì đằng nào cũng phải vào, chỉ là trước hay đúng ngày của Ban tổ chức, hơn nữa vào sớm thì được học thêm thanh nhạc với thầy chứ vào muộn thì... Thế là 2 bố con tôi lại tiếp tục khăn gói lên đường vào TP HCM lần 3 đúng vào ngày 3/7 (trước lịch tập trung của Ban tổ chức The voice Kids 10 ngày).

Có một sự may mắn khi HLV Thanh Bùi đã bỏ tiền túi để thuê một căn hộ gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng ăn cùng nhà bếp với đầy đủ tiện nghi tại cho 3 bé là Vũ Song Vũ, Trần Ngọc Duy và Bé Thùy Mai nhà tôi. Đồ đạc đã có sẵn, bọn trẻ tha hồ tung tăng, ngủ dậy thì xuống tầng 2 ăn buffet, sau đó thì luyện thanh rồi đi bơi, trưa thì đã có các bố mẹ nấu ăn, buổi chiều đến Soul Academy học, về lại luyện thanh, lại bơi... Nhưng thời gian ở đây chẳng mấy lúc cũng kết thúc để trở về khách sạn, nơi tập trung các thí sinh của 3 đội (ở các tỉnh ngoài TP HCM) ngày 13/7.

Tiếp tục những ngày với lịch học dày đặc, thanh nhạc, tập với ban nhạc, tập nhảy tại trường của HLV và phỏng vấn, ghi hình, clip v.vv và v.vv (dĩ nhiên vẫn di chuyển tự túc). Ngày nào cũng taxi, taxi khiến cho tôi thấy chán TP HCM. Chán! Không phải vì thành phố này không đẹp, không xanh, mà ở cách phân luồng giao thông. Nghĩa là, gần như đường 1 chiều. Chính vì phân luồng như thế nên đường đi cũng dài hơn và tiền taxi của tôi phải trả cũng nhiều hơn. Tóm lại, mất nhiều tiền là chán.

Lại nói về việc ăn và và sinh hoạt. Lần này Ban tổ chức bố trí cho các thí sinh và gia đình ở khách sạn khu Lý Tự Trọng và 2 bố con nhà tôi cùng 2 bố con nhà bé Thu Hà (Nghệ An) lại đăng ký ở cùng phòng với nhau.

Rút kinh nghiệm của tất cả những lần trước kết hợp với khả năng ngoại giao, tôi đã "nói khó" với nhân viên dọn phòng ở khách sạn là: "Bọn anh ở ngoài Hà Nội vào ăn không hợp, vì thế cho anh nấu thức ăn ở trong toilet nhé! Đảm bảo giữ vệ sinh và không tạo mùi nấu nướng trong khách sạn". Ơn trời! Mấy cô nhân viên cũng tốt bụng "ừ" cho mình nhưng cũng không quên nhắc khéo: "Cho mấy anh nấu thì mấy anh giữ gìn sạch sẽ, chứ chủ khách sạn biết thì em bị đuổi việc".

Đổi lại sự "hỗ trợ" của nhân viên dọn phòng, tôi và bố bé Thu Hà cũng tạo điều kiện cho họ bằng cách: "Tụi anh sạch sẽ và tự dọn phòng được, em khỏi phải vất vả". Haiz. Vậy là khâu ngoại giao đã xong, bây giờ là nấu nướng!

Tôi đưa con đi thi The Voice Kids - 3
Căn bếp "dã chiến" và tình thương vô tận của người bố dành cho con gái

Tôi cùng mẹ Vũ Song Vũ (Hải Phòng), bố của Thu Hà (Nghệ An), hai chị em nhà Ngọc Duy (Hải Dương) sắm đồ nghề để nấu nướng (thực ra là chỉ có tôi và mẹ Vũ Song Vũ mua sắm). Nào là nồi cơm điện, bếp gas mini, xoong nhôm nấu canh, bát ăn cơm, đũa, lọ đựng gia vị, thớt, dao, chảo chống dính... Đúng như 1 gia đình nhỏ. Dĩ nhiên toilet của phòng tôi thành nhà bếp dã chiến, gần đến bữa thì trong toilet cứ gọi là rộn ràng, ầm ĩ. Người vào, người ra, người đứng, người ngồi y như là trảy hội. Chính vì nấu ăn trong phòng nên mùi hành, mùi tỏi (phải cho nhiều tỏi để tăng sức đề kháng cho các cháu), mùi dầu mỡ... cứ gọi là thơm lừng. Nấu trong toilet, giặt giũ trong toilet, phơi phóng cũng trong toilet nên quần áo, chăn ga gối đệm trong phòng tôi lúc nào cũng "thơm mùi hành tỏi". Thậm chí, có hôm đưa con đi ghép nhạc tôi phải chui tận xuống cuối phòng, cách xa 5m các mẹ các chị khác, chỉ vì nấu ăn xong, sát giờ quá nên chưa kịp thay áo.

Tôi đưa con đi thi The Voice Kids - 4
Bữa cơm đầm ấm của các thí sinh nhí

Ròng rã được hơn nửa tháng như vậy thì hai chị em nhà Ngọc Duy tách ra, không nấu ăn cùng nữa và mẹ con nhà cậu bé Vũ Song Vũ cũng thuê 1 cửa hàng ở ngoài để kinh doanh (mẹ Vũ quyết định chuyển vào TP HCM để tạo điều kiện cho con). Bổ sung vào "danh sách đang khuyết", mẹ của bé Khánh Hà (Hà Nội) cũng gửi gắm cháu cho các chú nấu ăn giúp.

Vậy là toilet phòng tôi vẫn đông đúc như này nào. Rõ ràng là rất tiết kiệm, hợp vệ sinh, an toàn và đảm bảo sức khỏe cho các con. Bằng chứng là sau hơn 1 tháng "vật lộn" thì trong số tất cả các bé không có ai bị ốm cả. Giỏi chưa? (chưa có tí cau có nào nhỉ?).

Lịch "làm việc” của hai ông bố (tôi và bố bé Thu Hà) đều như vắt chanh như sau: Sáng dậy cho con ăn sáng, đi bộ ra chợ Bến Thành mua thức ăn cho cả ngày về nấu nướng, chiều mỗi bố đưa con theo một ngả (hai bé ở hai đội khác nhau nên lịch tập, thời gian tập, địa điểm tập cũng khác nhau) để rồi cuối ngày "tụ lại" để chuẩn bị cho bữa tối.

Công việc cũng được phân công rất rõ ràng như sau: Đi chợ - Cùng nhau. Nấu nướng tôi đảm nhận, ăn xong trong lúc bố bé Hà dọn dẹp và rửa bát thì tôi đi đun nước pha trà (chả là sáng nào ra chợ Bến Thành mua đồ ăn thì tôi cũng kèm thêm bó trà xanh). Sau đó lần lượt các con đi tắm, rồi các bố tắm. Cuối cùng không ai bảo ai, hai bố cứ thay phiên vụ giặt giũ cho tất cả 4 người.

Khổ nỗi, cái món "luyện thanh" với "mở khẩu hình" đều được các con thực hiện vào buổi tối (sau khi ăn xong và nghỉ ngơi) vì thế cứ tầm tám rưỡi, chín giờ tối là các con đóng cửa và đề nghị bố ra ngoài. Xác định: Đi là để phục vụ con nên hai "thằng già" nhìn nhau rồi cũng kiếm chỗ chơi. Đầu tiên là đi cafe giết thời gian. Gọi ly cafe đen đá ngồi nhâm nhi từng giọt, đếm đến mười rưỡi hoặc 11 giờ thì hai anh em nháy nhau về. Bọn trẻ lúc này tập luyện cũng đã xong và rủ nhau sang phòng The Voice (lớn) hoặc sang phòng khác chơi. Lại một công đoạn nữa là đi tìm gọi con về đi ngủ để chuẩn bị cho ngày mai (chẳng đứa nào chịu cầm theo điện thoại) nên cứ đi gõ cửa từng phòng để tìm.

Lại nói về cafe tối. Do không quen nên khi các con đã yên giấc thì nhà tôi trằn trọc. Hai mắt cứ mở thao láo và đầu thì tỉnh như sáo. Cáu! Cứ tưởng chỉ có tôi mới mất ngủ ai dè bố bé Hà cũng vậy. Loay hoay, lục đục cả đêm, tới gần sáng mới chợp mắt được một tẹo. Tình trạng ấy kéo dài cả tuần thì chịu không nổi nữa. Sáng ra, mắt ông nào cũng đỏ đòng đọc, còn tóc thì bạc trông thấy. Tình trạng cafe tối vì thế cũng chấm dứt. Chẳng còn chuyện gì chơi mà buổi tối rỗi rãi nên mấy bố quay sang đánh phỏm. Thôi thì con luyện thanh còn bố luyện "đan quạt".

Những ngày đầu, ai cũng giữ ý không dám chơi to, chỉ là "gà vịt" 2.000 đồng, 4.000 đồng. Đánh đến 23h hoặc 23h30 là nghỉ. Giết thời gian thôi mà. Với lại thời gian ngắn nên ông nào đen quá mất nhiều lắm thì chỉ vài chục nghìn là cùng - chuyện cay cú, ăn thua chắc sẽ không xảy ra.

Chơi được vài buổi, một hôm phụ huynh 1 bé (nghe nói nhà rất giàu) đen quá. Đánh từ hơn 21h đến 23h toàn thua nên đề nghị đánh thêm. Thời gian chốt dừng lại được ấn định là 0h30. Đồng ý, cho ông ấy gỡ, tất cả đều thống nhất. Kết cục là đến 0h30 bác ấy gỡ lại được 50 nghìn, vẫn thua 30 nghìn. Cầm mớ tiền lẻ 1 nghìn, 2 nghìn trên tay vừa đếm bác ấy vừa nói: "Đen quá! Mất bát canh rồi!". "Ô hô! Thôi xong rồi, tưởng chỉ là chơi vui, giết thời gian, giờ có tí cay cú rồi" - tôi nghĩ.

Về đến phòng, tôi bảo bố bé Thu Hà: “Bác, mai bác thích xuống dưới phòng ấy chơi thì cứ chơi nhé, em không chơi nữa”. Bố bé Hà ngạc nhiên hỏi lại: "Sao thế?" Tôi mới nói lại câu nói của ông bố thí sinh lúc trước. Bố bé Hà mới ngẩn tò te và đáp 1 câu: "Ừ nhỉ, thế mà anh không để ý". "Haha! Để ý làm sao được vì ông có mất tiền đâu, chẳng qua là tôi hóng giỏi nên mới nghe được" Tôi đáp.

Ngủ!

Hôm sau, đến hẹn lại lên, đang ăn cơm tối thì ngoài cửa bọn trẻ (đều là thí sinh The Voice Kids) đã thập thò. Chúng nó cũng tụ tập nhưng là để luyện thanh. Thế là cơm xong, nhường phòng cho các con, hai ông bố lại lang thang xuống đường, đi chán vẫn chưa thấy đến 22h. Về phòng thì chưa được mà cafe thì mất ngủ, cuối cùng ma xui quỷ khiến thế nào lại quay về cái phòng cần quay - "Phòng họp". Riêng tôi, vì đã trót nói không chơi nữa nên khi về phòng đó chỉ ngồi ké, dù thực sự đang thiếu 1 chân.

Quay lại chuyện thi hát của con. Sau hơn 20 ngày liên tục với lịch nấu ăn, tập luyện, cuối cùng cũng được Ban tổ chức nhắn tin thông báo (mọi thông báo đều được nhắn tin) lịch ghép nhạc, lịch ghi hình clip, phỏng vấn và ngày chính thức diễn ra Liveshow 1.

Trước ngày diễn ra Liveshow 1 đâu chừng 1 tuần gì đó, 15 thí sinh nhận được một thông tin vui lắm lắm. Đó là: Được ký hợp đồng thu âm với 1 hãng thu âm nổi tiếng trên thế giới. Ôi cha mẹ ơi! Đời con tôi sắp lên tiên rồi!

(Còn tiếp...)

Mời độc giả xem tiếp Phần 2 "Tôi đưa con đi thi The voice kids" tại đây.

Theo tâm sự của anh Lương Quốc Thái - bố bé Lương Thùy Mai

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giọng hát Việt nhí