Những đứa trẻ đón trung thu bằng hóa chất

Ngày 18/09/2013 10:11 AM (GMT+7)

Quanh năm phải bầu bạn với giường bệnh cùng chai hóa chất, những đợt xạ trị trong bệnh viện để chống chọi với những căn bệnh quái ác, họa hoằn lắm các em mới có một dịp để về nhà thì mùa trung thu quả thực quá xa vời với các em.

“Ba ơi, khi nào đi chơi trung thu?”

Có mặt tại Khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM trong những ngày này thấy không khí trung thu cũng đang len lỏi vào đây bởi những đèn lồng được treo trong hành lang. Những đứa trẻ độ từ 1 – 13 tuổi đang vừa truyền thuốc vừa mân mê những đồ chơi trung thu, có bé ngay cả khi ngủ cũng ôm đồ chơi vào lòng.

Những đứa trẻ đón trung thu bằng hóa chất - 1

Bé Lê Nguyễn Anh Thư đang chơi lồng đèn cùng ba

Đang nghịch lồng đèn được khoảng 5 phút, bé Lê Nguyễn Anh Thư, 4 tuổi lại ôm miệng kêu rồi khóc. Vừa đưa chai nước nha đam cho con uống, anh Yên vừa xót xa nói: “Cháu nó mới truyền hóa chất và máu lúc sáng nên nóng quá sinh nhiệt ở lưỡi nên bé mới đau như vậy. Rõ khổ, sắp Trung thu rồi mà cứ đau ốm thế này…”.

Những đứa trẻ đón trung thu bằng hóa chất - 2

Cô bé rất mê lồng đèn

Anh Yên nhớ lại,  mùa Trung thu năm ngoái khi chưa phát hiện ra con gái bị bệnh, mỗi tối anh thường chở con gái đi vòng vòng quanh Sài Gòn để ngắm đèn lồng. “Năm ngoái con chơi đèn lồng quá trời luôn. Nhưng năm nay, con thích ăn bánh Trung thu cơ… Ba ơi, khi nào đi chơi Trung thu? ”, nghe ba nhắc đến Trung thu, cô bé lại nín ngay và reo lên.

Câu nói vô tư của đứa con gái khiến anh Yên rơm rớm nước mắt. Bởi đối với anh, sự túng thiếu về vật chất có thể vượt qua được nhưng khi nhìn thấy con kêu rên đau nhức, thở không ra hơi vì mệt mỏi, vợ chồng anh như cắt từng khúc ruột, rồi lại tự động viên nhau vượt qua mọi khó khăm với hy vọng kéo dài sự sống cho con.

Anh cho biết thêm, gia đình anh chuẩn bị đón bé thứ 2 vào đúng ngày Trung thu tới. “Giá mà con bé không bị bệnh thì cả nhà đã có một Trung thu vui vẻ biết mấy”, anh Yên nói.  Song đây cũng là may mắn lớn nhất của anh là khi bác sĩ thông báo, gia đình anh có thể dùng cuống rốn của bé trai thứ hai để chữa bệnh ung thư máu dần dần cho bé Thư sau này. Tuy nhiên, chi phí để bảo quản cuống rốn rất đắt, 5 năm là 36 triệu, 10 năm là gấp đôi. Hiện gia đình bé đã chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền để ký hợp đồng bảo quản cuống rốn trong vòng 5 năm.

"Trung thu là gì hả cô?"

Câu hỏi tự nhiên của một em bé tên Ngọc Thảo, khoảng 9 tuổi ở giữa lòng Sài Gòn phồn hoa này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Phải mất một hồi giải thích rằng, Trung thu là Tết của trẻ em, là ngày các em sẽ được bố mẹ dắt đi chơi lồng đèn, được ăn bánh, rước đèn dưới ánh trăng, được vui chơi…

Những đứa trẻ đón trung thu bằng hóa chất - 3

Một bé gái vừa truyền xong hóa chất lại vui vẻ chơi đồ chơi trung thu cùng mẹ

Song có lẽ những điều tôi giải thích khiến con bé còn ngạc nhiên hơn. Bởi theo mẹ bé, ngay từ khi bé mới được 18 tháng tuổi đã bị ung thư máu nên phải thường xuyên điều trị bằng hóa chất. Khi nào khỏe lên được một chút, các bác sĩ cho về nhà được khoảng một tuần rồi lại trở vào bệnh viện điều trị. Cho nên, bệnh viện như một ngôi nhà thứ 2 của bé.

“Nó có biết mùi trung thu là gì đâu, cứ đợt trung thu nào cũng phải nằm bẹp một chỗ để điều trị. May là năm nay, nó khá hơn chút xíu nên may ra thế nào cũng được nhìn thấy ánh đèn sáng trong dãy hành lang bệnh viện và nếu nó khỏe hơn tí nữa, tôi sẽ mua mấy cái lồng đèn cho nó cầm chơi với mấy đứa bạn ở cùng dãy hành lang…”, người mẹ thở dài.

Không chỉ riêng Thảo mà nhiều em bé khác đang điều trị các căn bệnh quái ác như ung thư bướu, ung thư máu, ung thư hạch, u sàn hàm mãn tính… thì Tết Trung thu cũng khá xa lạ với các em. Bởi phần lớn thời gian của các em là phải đối mặt với những cơn đau do bệnh tật hành hạ.

BS Dương Chấn Lập, Bệnh viên Ung Bướu TP.HCM cho biết, trung bình thường có khoảng 100 trẻ phải nằm điều trị tại đây. Căn bệnh quái ác khiến các bé phải nằm mê mệt, tóc rụng lơ thơ chỉ còn vài sợi… Và nhất là không có cơ hội sum vầy cùng gia đình, bạn bè trong dịp Trung thu này. Để sẻ chia bớt nỗi đau cùng các bé, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã cố gắng bằng mọi cách để giúp họ phần nào. quên đi nỗi đau bệnh tật.

Theo Thúy Ngà (Infonet)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết Trung Thu