Mẹ có thể chỉ mất vài tuần để thụ thai thành công ở độ tuổi 20, nhưng khi đã sang tuổi 35, con số thành công có thể trở thành vài năm.
Mang thai ở mỗi độ tuổi đều có những điểm lợi và bất lợi riêng. Ở độ tuổi 20, mẹ có thể nhanh chóng thụ thai, bước sang tuổi 30 khả năng thụ thai giảm xuống rõ rệt nhưng sang tới độ tuổi 40 thì tỷ lệ mang thai đôi lại cao hơn đáng kể. Cùng tìm hiểu những thay đổi về việc mang thai khi ở mỗi độ tuổi khác nhau như thế nào nhé!
Mang thai ở tuổi 20
Xét từ góc độ sinh lý, độ tuổi 20 có thể được coi là thời kỳ hoàng kim để phụ nữ mang thai. Chị em thậm chí còn càng dễ mang thai hơn trong những năm gần 20 tuổi. Hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt thất thường của tuổi thanh thiếu niên đã gần như đã chấm dứt, do vậy việc xác định chu kỳ rụng trứng cũng trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, trứng trong thời kỳ này cũng là những trứng khỏe mạnh nhất.
Xét từ góc độ sinh lý, độ tuổi 20 có thể được coi là thời kỳ hoàng kim để phụ nữ mang thai. (Ảnh minh họa)
Không chỉ dễ dàng đậu thai trong độ tuổi 20 mà việc mang thai cũng dễ dàng hơn khá nhiều. Theo bác sỹ Cosmas JM van de Ven, chuyên gia sản khoa tại viện nghiên cứu Đại học Y khoa Michigan, Mỹ thì một cơ thể trẻ khỏe ở độ tuổi 20 sẽ dễ dàng chịu đựng được áp lực trên xương, lưng và cơ bắp khi mang thai hơn. Không những vậy, khi bạn còn trẻ thì thông thường bố mẹ của bạn vẫn còn đủ sức để giúp đỡ bạn khi sinh nở cũng như chăm các bé.
Các nguy cơ biến chứng liên quan đến thai nhi nói chung đều khá thấp ở độ tuổi 20, chỉ có ngoại lệ đáng chú ý với tiền sản giật và tăng huyết áp do thai kỳ. Tiền sản giật ít liên quan tới tuổi tác, tuy nhiên thực tế thống kê cho thấy tình trạng này thường xảy ra với lần mang thai đầu tiên. Ngoài ra, mẹ trẻ cũng có thể sinh con thiếu cân nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu từ tuổi thanh niên như hút thuốc lá, ăn uống thất thường, hay tình dục không an toàn dẫn đến lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
Mang thai ở độ tuổi 30
Nhiều phụ nữ cố gắng xây dựng một sự nghiệp ổn định, kinh tế vững vàng và khi bước sang tuổi 30 mới bắt đầu nghĩ tới việc sinh con. Tuy nhiên có thể họ đã quên mất rằng song song với việc con người trưởng thành thì trứng cũng già đi. Mỗi phụ nữ thông thường được sinh ra với nửa triệu trứng có sẵn, nhưng những trứng có khả năng thụ thai cao nhất thường rụng sớm hơn. Vì vậy khi mẹ càng nhiều tuổi thì số lượng trứng có thể thụ thai dễ dàng cũng giảm đi. Khả năng sinh sản suy yếu đi có thể được nhận ra rõ rệt nhất ở độ tuổi ngoài 35.
Cũng cần nói thêm rằng, khi đã mang thai thì nếu sức khỏe của bạn tốt, bạn vẫn hoàn toàn có thể trải nghiệm một thai kỳ khỏe khoắn như ở độ tuổi 20. Mặc dù vậy, độ tuổi này cũng là độ tuổi mẹ dễ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hay huyết áp cao, những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nếu gặp phải trong thai kỳ.
Ngoài ra, ngay cả nếu mẹ có sức khỏe tốt thì khi bước sang tuổi 35, bầu bí cũng làm tăng nguy cơ mắc phải tiểu đường thai kỳ hơn. Trong thực tế, các bác sỹ đều cho rằng mang thai lúc này là thời kỳ nguy hiểm. Ở độ tuổi 35, khả năng mẹ có thể sinh con gặp các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down cũng cao hơn, bằng với nguy cơ sẩy thai do chọc ối để xét nghiệm chẩn đoán các khuyến tật nhiễm sắc thể. Theo bác sỹ Robert H. Berry, bác sỹ sản khoa tại trung tâm ý tế Memorial ở Worcester, Anh thì ở độ tuổi này nguy cơ gặp tai biến nhau tiền đạo (nhau thai phát triển quá gần tử cung gây chảy máu) cũng tăng lên theo lần mang thai và việc sinh mổ.
Mang thai ở độ tuổi 40
Khả năng mang thai đôi, thai ba ở độ tuổi ngoài 40 cao hơn mặc dù việc thụ thai khó khăn hơn nhiều. (Ảnh minh họa)
Xét từ góc độ y học thì việc mang thai khi đã ngoài tuổi 40 là không hề dễ dàng. Khi bước tới độ tuổi này, thông thường số lượng trứng có chất lượng tốt nhất còn lại không nhiều, khiến cho thời gian cần để thụ thai cũng tăng lên. Nói theo lời bác sỹ Berry: “Lúc này chị em không những thường chỉ còn lại trứng kém ‘nhạy cảm’ nhất với tín hiệu rụng trứng mà còn là những trứng khó thụ thai hơn rất nhiều.” Chính chất lượng trứng không cao này cũng làm tăng nguy cơ gặp phải nhiễm sắc thể bất thường và sẩy thai. Thêm vào đó ở độ tuổi tiền mãn kinh này, tình trạng kinh nguyệt thất thường cũng làm việc tính toán ngày rụng trứng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, có một điều có thể mẹ chưa biết đó là mặc dù việc thụ thai ở độ tuổi này trở nên khó khăn nhưng khả năng mang thai đôi, thai ba lại tăng lên. Theo bác sỹ Berry, nguyên nhân của hiện tượng này là do việc thay đổi mức độ hormone được tiết ra trong thời kỳ tiền mãn kinh đã kích thích trứng rụng đồng thời nhiều hơn. Bên cạnh đó, các bệnh mãn tính nếu không may gặp phải trong thời kỳ mang thai ở độ tuổi này thường cũng khó đối phó hơn, đồng thời sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa như cứng, đau khớp, giãn tĩnh mạch cũng trầm trọng hơn.