Không được đi chơi, thấy bánh chưng phải “ngó lơ”, thậm chí muốn xem "Táo quân" chồng cũng không cho... là những kỷ niệm đáng nhớ của các mẹ khi ở cữ ngày Tết.
Lần đầu tiên lên chức mẹ, lần đầu tiên đón chào thiên thần nhỏ đến với cuộc đời, lần đầu tiên loay hoay với việc chăm con, bỡ ngỡ, rối ren khi phải ở cữ... những tháng ngày sau sinh ấy, hiếm người phụ nữ nào có thể quên được. Vậy nhưng nếu cũng những tháng ngày ở cữ ấy, lại gộp chung với ngày Tết truyền thống, chắc chắn nhiều chuyện "dở khóc dở cười", nhiều kỷ niệm "nhớ đời" sẽ đến với các bà mẹ trẻ.
Không còn là váy áo xúng xính mà là một bộ quần áo đầy mùi sữa mẹ, không còn là bánh chưng, canh măng mà là rau lang luộc, thịt kho nghệ, không còn là giờ phút đón giao thừa, đi thăm họ hàng mà là 4 bức tường kín gió bên con... ở cữ ngày Tết quả sẽ là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời.
Cùng nghe những bà mẹ sinh con đúng ngày Tết kể lại những câu chuyện thú vị của mình.
Hotgirl Khánh Chi – Em gái Công Vinh
"Khi chưa sinh bé, Tết năm nào Chi cũng về Nghệ An sớm để chuẩn bị đón năm mới cùng bố mẹ, giao thừa hai mẹ con đi chơi, đi lễ chùa. Vậy nhưng năm ngoái Chi sinh bé vào đúng ngày 19/1/2014 tức là sau sinh chỉ khoảng 18 ngày nữa là đến Tết Âm lịch. Ông xã Chi khi đó 27 Tết đã phải về quê để lo việc cho gia đình nhà nội, nên Tết năm ngoái cũng là cái tết đầu tiên Chi và con gái ở lại đón Tết tại Hà Nội một mình.
Vào đêm giao thừa Chi cũng không được đi ra ngoài thế nên 2 mẹ con cùng bà ngoại ngắm pháo hoa tại nhà. Giờ đấy bé Ruby ngủ rất ngoan nhưng không hiểu sao đúng vào 23h45 trước thềm năm mới bé lại tự nhiên tỉnh dậy. Hình như bé cũng cảm nhận được là mẹ muốn cùng bé đón giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới hay sao vậy (cười).
Ở cữ ngày Tết, Chi không được diện quần áo đẹp, không được ăn các món cổ truyền mà còn phải tuân thủ chế độ kiêng cữ từ ăn uống tới sinh hoạt như phải mặc ấm, chân lúc nào cũng phải đi tất, 15 ngày sau sinh mới được gội đầu và tắm, ngoài ra Chi còn phải chườm muối, nghệ vào bụng ngày 3 lần để co dạ con thật nhanh nữa."
Chị Tiên Hương, 32 tuổi, diễn viên đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội
Hôm đó là 20 tháng chạp, sáng mình vẫn còn cùng ông xã đi chơi sắm tết mà đến chiều tối đã vỡ ối, hai vợ chồng tức tốc vào viện. Mình sinh thường nhưng vẫn phải ở lại viện 4 hôm như đẻ mổ và thế là không thể cúng Ông Công ông Táo. Chồng mình làm xây dựng nên dịp cuối năm cũng bận khủng khiếp. Mẹ đẻ và cả mẹ chồng đều đã mất, các anh chị thì ở xa và cũng đều có con nhỏ nên không ai có thể chăm mình được. Mình đẻ bất ngờ nên việc tìm người giúp việc cũng chưa tìm, thậm chí quần áo em bé mua về còn chưa giặt.
Cận tết, mình nằm trong viện một mình nhìn các mẹ khác đều có người nhà chăm sóc mà thấy tủi thân ghê gớm. Đến ngày 25 thì mẹ con mình được ra viện. Cả cái Tết chỉ có hai vợ chồng cùng vừa chăm con vừa lo sửa sang nhà cửa, mua đào mua hoa, chuẩn bị đón Tết. Chồng mình lo đủ thứ nhưng cứ mỗi lần rảnh chạy lại bế con là anh ấy cười thật hạnh phúc.
Và rồi đêm giao thừa cũng tới. Cái lúc bận bịu thì không sao, đến cái lúc xong mọi việc được thảnh thơi mới thấy buồn thiu. Nhà nhà tất niên, người người tất niên gặp gỡ sum họp...Nhà mình thì cửa đóng then cài, 3 bố con mẹ con nằm trên giường. Tết đến người ta nghe nhạc xuân còn gia đình mình thì cả ngày nghe nhạc ru. Giai điệu à ơi làm cho không khí thêm buồn.
Sự khác biệt đó đã làm cho cái tết năm ấy thật buồn. Năm nay sinh nhật con mình trúng mồng 1 Tết luôn, vì vậy cả nhà sẽ về quê ăn tết và tổ chức sinh nhật cho bé thật vui vẻ.
Chị Lương Minh Ngọc, 23 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội
Vì bị vôi hoá cuống nhau nên mình phải mổ bé sớm từ lúc thai mới hơn 8 tháng. Cả nhà chọn mổ vào ngày 24/1/2014 là đúng ngày 24/12 âm lịch. Đến 27 thì mình được đưa về nhà. Tết đấy đúng là cái Tết đau nhất của mình, vừa đau mổ, vừa đau tắc tia sữa. Mình lại nghiện Táo Quân mà chồng bảo vừa đẻ xong, kiêng không cho xem. Thế là anh ấy đeo tai nghe xem một mình (cười).
Rồi chuyện ăn uống ngày Tết, cả nhà ăn những món cổ truyền bình thường, chỉ riêng mình ngày cứ 6 bữa cơm gái đẻ với cháo móng giò, không được ăn bánh chưng. Ăn nhiều phát ngán, lúc ấy mình bảo chồng là :"em ước được nghỉ một ngày không nhìn thấy móng giò". Thế là hôm sau mình lại được chuyển sang "đuôi bò hầm". Đến tận bây giờ cứ thấy móng giò là mình chạy xa (cười).
Đến giờ thì bé nhà mình đã 2 tuổi rồi nhưng cứ khi nào gần đến Tết, mình vẫn cứ nhớ mãi cái Tết ở cữ năm ấy.
Chị Nguyễn Thuỳ Dương, 27 tuổi
Cách đây tròn 2 năm mình mang thai bé gái đầu lòng, ngày dự sinh là 30 Tết nhưng em bé bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng và mẹ bị tiểu đường thai kì nên bác sỹ chỉ định sinh mổ. 23 Tết ông Công ông Táo mình vẫn đi chơi, ăn uống, đến thăm ông bà và người thân nhưng đến 4h25 chiều ngày 24 âm lịch thì đã lên bàn mổ.
Vì sinh giáp Tết nên em bé được bệnh viện tặng nhiều quà và được mừng tuổi nữa. Mình ở viện đến sáng ngày 28 thì về. Ngày ra hai mẹ con ra viện đã thấy không khí Tết lắm rồi nhưng ngồi trên xe chỉ tranh thủ ngắm đường phố được một chút rồi về đến nhà thấy cây đào ở trong nhà nữa thôi là hết Tết. Năm đó hai mẹ con không ra khỏi phòng, cả ngày chỉ ôm con, cho con ti cho con ngủ. Mình ở cữ, vào mạng xem tin tức mọi người đi chơi Tết mà thèm.
Sinh con vào giáp Tết nên ngay cả việc thuê người tắm cho bé cũng rất khó khăn. Mình sinh mổ, lại là con đầu nên chưa có kinh nghiệm, bà ngoại thì mất rồi, bà nội thì bảo lâu không tắm cho trẻ con nên không dám tắm cho cháu. Kết quả nhà mình cũng một phen lao đao vì chuyện tắm bé.
Năm nay thì bé nhà mình lớn rồi, Tết đến sẽ cho con đi chúc tết người thân, cũng là khoảng thời gian để gia đình được nghỉ dài xả hơi.
Chị Lê Thu Hoài, 26 tuổi, Yên Bái
Hôm đó là sáng 29 Tết, khoảng 8h30 mình thấy đau bụng và ra máu báo nên cả nhà đưa vào viện. Đến khoảng 21h tối 29 Tết thì mình lên bàn đẻ và vượt cạn thành công.
Vì mình đẻ thường nên đến chiều 30 Tết hai mẹ con đã được cho về nhà. Năm ấy, mọi người trong gia đình đều bận rộn hơn nhiều vì vừa lo chuẩn bị Tết, lại vừa lo cho 2 mẹ con. Bà nội bà ngoại thức đêm thức hôm trông cháu, chồng thì tất bật chạy đi chạy lại. Ở cữ đúng dịp Tết nên mình cũng thấy hơi buồn vì không được đi chơi nhưng nhưng tết năm nay thì khác rồi. Bé nhà mình đã lớn và hai mẹ con có thể xúng xính váy áo cùng nhau dạo phố. Đúng là có con là điều hạnh phúc nhất nên dù có phải ở nhà dịp Tết thì với mình cũng quá là điều bình thường luôn (cười).
Chị Thu Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngày dự sinh bé thứ hai của mình năm ngoái là mùng 7 âm nhưng sáng 30 Tết mình đã đau lâm râm bụng và đến 3 giờ chiều vào viện thì mở 2 phân nên 6h tối 30 Tết đã lên bàn mổ
Vậy là hai mẹ con đón giao thừa trong viện. Đêm 30 Tết ở viện vắng vẻ lắm, chủ yếu là các mẹ đẻ thường thôi, chứ chẳng ai chủ động mổ mà chọn 30 Tết - "ngày cùng tháng tận".
Mình mổ lúc 6 giờ tối thì 11 giờ đêm được về phòng. Khi ấy chồng mình, bố mẹ đẻ và mẹ chồng đều ở viện chờ gặp cháu nhưng sau đó mọi người về hết để chuẩn bị cơm cúng giao thừa, chỉ có mẹ đẻ mình ở lại trông.
Ở cữ đúng ngày Tết nên buồn lắm, mọi người không ai đến thăm hỏi vì kiêng gái đẻ, ăn uống thì kiêng hết bánh chưng, dưa hành. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ra viện, cả nhà mãi không đón được taxi vì ngày Tết người ta kiêng chở gái đẻ lắm, trời thì mưa rét nên không thể chở đưa về bằng xe máy. Cuối cùng hai mẹ con ra viện từ 8 giờ sáng mà hơn 11 rưỡi trưa mới có xe về nhà.