Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ khiến làn da mẹ bầu cũng như các mẹ sau sinh xấu đi đáng kể.
Quá trình mang bầu và sinh nở, cơ thể người mẹ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi trong đó không thể không kể đến những sự thay đổi về làn da. Nếu như khi bầu bí, ngực phụ nữ to đẹp hơn, tóc óng mượt, nhanh dài hơn… thì làn da lại thường xấu, nhiều mụn và nám sạm hơn. Ngoài ra, bầu bí cũng làm phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về da dẻ khác mà chẳng chị em nào muốn.
Những vết rạn da
Rạn da là vấn đề phổ biến xảy ra đối với khoảng 70% phụ nữ chỉ khác nhau về mức độ nhiều ít. Rạn da xảy ra khi cơ thể tăng cân quá nhanh và phát triển quá lớn khiến làn da không thể đàn hồi kịp và phá vỡ các mô sợi dưới da. Hiện tượng này thường xảy ra ở bụng, đùi, ngực và đôi khi cả ở mông, bắp tay của thai phụ.
Rạn da xảy ra ở khoảng 70% mẹ bầu chỉ khác nhau về mức độ. (ảnh minh họa)
Rạn da có thể là những vệt màu trắng không quá lộ nhưng không ít mẹ bầu phải đối mặt với những vết rạn màu đỏ hoặc tím nhìn khá xấu. Mặc dù có nhiều cách được khuyên là nên thực hiện trong thai kỳ để giảm rạn như thoa kem chống rạn, bôi dầu dừa, uống đầy đủ nước… nhưng thực tế nhiều bà mẹ vẫn phải đối mặt với triệu chứng này.
Dù vậy các mẹ có thể yên tâm rằng sau sinh, những vết rạn da sẽ dần biến mất. Và để nhanh chóng xóa đi những vết rạn xấu xí này, mẹ nên sử dụng những loại kem trị rạn da an toàn cho mẹ sau sinh, bổ sung nhiều thực phẩm chứa collagen, thực phẩm giàu vitamin E, C, kẽm và silica… sẽ giúp hình thành collagen hiệu quả.
=> XEM THÊM: Những thay đổi kỳ quái của cơ thể nhưng lại báo mẹ đã “dính bầu” |
Nám da
Nám da xuất hiện khi làn da ở má, trán, môi hoặc phía trên môi tiếp xúc với ánh nắng và chuyển màu sậm hơn, vì các tế bào da sản sinh ra nhiều hắc sắc tố di chuyển lên bề mặt da. Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ mang bầu và thường sẽ hết sau khi sinh xong. Trong một số trường hợp vẫn còn thì có thể dùng các cách chữa trị như dùng kem tẩy hoặc lột da sau khi sinh xong. Và tốt nhất bạn hãy luôn nhớ dùng kem chống nắng và che chắn kỹ khi ra đường để ngăn ngừa nám da xuất hiện hoặc ngăn những vết đốm đã có trở nên đậm hơn.
Theo thống kê, có khoảng 50% phụ nữ đối mặt với chứng nám da khi mang thai. Và điều đáng nói là triệu chứng này không dễ gì mất đi sau khi sinh nở.
Mụn
Nếu bạn nghĩ những “đợt bùng phát” của mụn chỉ loanh quanh trong khoảng thời gian dậy thì thì hãy nghĩ lại, vì thực tế vấn đề lớn nhất mà các mẹ mang thai phải đối mặt đó là tình trạng mụn ngày một nặng hơn – ở mặt, ngực, hoặc lưng. Tuy nhiên cũng có một số phụ nữ nói rằng tình trạng mụn của mình được cải thiện khi mang thai; điều này cũng có thể hợp lý, do mụn là tình trạng do hormone kích thích gây ra.
Mụn mọc nhiều cũng là triệu chứng phổ biến khi mang bầu. (ảnh minh họa)
Thêm vào đó, các tuyến dầu bị tác động bởi sự tăng lên của hormone nam androgen trong thai kỳ. Việc này khiến lượng dầu sản sinh tăng lên – gọi là bã nhờn – bít kín các lỗ tuyến dầu, kết quả là tạo ra mụn đầu đen.
Tuy nhiên, chị em đừng quá lo, vì làn da của mẹ thường sẽ sáng bóng và căng mịn sau khi sinh xong; nếu tình trạng mụn nặng thì cũng có một số loại mặt nạ trị mụn an toàn cho mẹ bầu. Ngoài ra, hãy rửa mặt sạch hàng ngày với nước sạch cũng là một cách nhằm hạn chế mụn.
Khô và ngứa da
Ngược lại với tình trạng da bị nhờn và mụn, một số bà bầu lại nhận thấy có những vùng da trên cơ thể bị kéo căng, mẫn cảm, khô và ngứa như ở bụng, mông, đùi, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Mẹ còn có thể bị phát ban với những nốt màu đỏ nhạt ở quanh rốn.
Để làm dịu cảm giác nóng rát do những cơn ngứa mang đến, mẹ có thể đắp gạc lạnh hoặc gạc thấm sữa ấm. Với làn da khô, bạn cần rửa mặt với nước ấm và một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng và không mùi. Cuối cùng, nhớ tránh xa tất cả các loại mỹ phẩm có mùi thơm vì sẽ dễ gây kích ứng da.