4 năm tìm con luôn đồng hành cùng nhau không rời, chị H. còn bất ngờ với cách chăm sóc đặc biệt của chồng dành cho chị trong suốt thời gian chị mang thai.
Một tháng qua, gia đình chị Phạm Thị H. và anh Phạm Văn Q. (Ân Thi, Hưng Yên) vẫn còn ngỡ như ở trong giấc mơ bởi hành trình 4 năm tìm kiếm con yêu của vợ chồng anh chị đã chính thức hoàn thành. Có lẽ với nhiều người 4 năm chẳng đáng là bao nhưng đối với anh chị khi cả 2 đều đang cận kề với độ tuổi ngũ tuần, đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng để có được niềm hạnh phúc làm bố, làm mẹ.
Niềm hạnh phúc ở gần độ tuổi ngũ tuần của vợ chồng chị H.
4 năm tìm kiếm con, lặn lội từ trong Kon Tum ra ngoài Bắc để chữa hiếm muộn
Chị Phạm Thị H. và anh Phạm Văn Q. kết hôn vào năm 2013 khi cả 2 đã ngoài 40 tuổi. Sau đó, chị H. chuyển vào Kon Tum - nơi công tác của chồng để sinh sống. Những tưởng sau khi kết hôn, anh chị sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc làm bố, làm mẹ như bao cặp vợ chồng khác nhưng nào ngờ chờ mãi mà chẳng thấy tin mừng.
Một năm sau khi kết hôn, vợ chồng chị đi khám mới biết mình khó có con vì độ tuổi đã lớn, thêm nữa chị H. bị suy buồng trứng nên càng khó khăn hơn. Nghe tin này, dù buồn nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng quyết tâm điều trị. Chị H. cũng quyết định nghỉ công việc của mình để đi tìm con.
Chị H. kể, 4 năm có thể không nhiều với những cặp đôi hiếm muộn khác nhưng cũng là cả quãng đường dài với biết bao buồn tủi của anh chị khi đi bệnh viện từ trong Nam đến ngoài Bắc đều không có kết quả. Khoảng thời gian đó, hễ nghe đâu có thầy thuốc giỏi vợ chồng chị đều đến. Thế nhưng, thuốc Nam, thuốc Bắc từ trong Nam đến ngoài Bắc đều không có hiệu quả. Không nản lòng, vợ chồng anh chị quyết định đặt niềm tin vào các bệnh viện ở Hà Nội.
Vì công tác ở trong Kon Tum nên mỗi lần ra Hà Nội, anh Q. lại tích góp ngày nghỉ phép để nghỉ rồi cùng vợ đi ô tô ra ngoài Bắc khám.
Năm 2015 có lẽ là năm vất vả nhất của vợ chồng anh chị vì phải đi đi lại lại từ Kon Tum ra Hà Nội nhiều lần để tiến hành IVF ở bệnh viện Nam Học Hiếm Muộn. Thế nhưng, ông trời cũng chẳng thương cho sự vất vả ấy, cả 5 phôi chuyển đều không thành công.
Anh Q. hạnh phúc khi nghe tiếng khóc chào đời của con gái nhỏ.
“Có đợt khám, mình chưa cập nhật được thông tin, sai lệch vì phải đến ngày phụ nữ mới khám được, anh cắt phép bị lệch lại phải vào trong đó làm chờ ngày đi ra, cũng vất vả lắm. Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng mình đi ô tô, xong thì anh lại vào, còn mình ở lại. Nếu cần mình gọi điện anh lại ra. 2015 làm IVF không thành công, sau đó vợ chồng mình cũng khám ở bệnh viện 103 được cho uống thuốc nhưng cũng không tiến triển”, chị H. kể.
Mặc dù buồn, vượt qua quãng đường dài với bao mong đợi để đi tìm con mà không có kết quả nhưng vợ chồng chị vẫn luôn động viên nhau cùng cố gắng. Chị hạnh phúc vì luôn có người chồng hỗ trợ, đồng hành mọi thứ cùng với mình trên hành trình tìm kiếm con này.
9 tháng mang bầu khó khăn được chồng chăm sóc đến từng sợi tóc
Năm 2017, sau khi anh Q. được chuyển về Hà Nội công tác, vợ chồng chị lại tiếp tục cuộc hành trình tìm con. Nghe tin người bạn mách đến bệnh viện Bưu điện, vợ chồng chị nộp hồ sơ và may mắn vào đúng đợt có chương trình hỗ trợ chi phí 30 triệu đồng tiến hành IVF.
Và dường như lần này may mắn đã mỉm cười với vợ chồng anh chị sau bao lâu tìm kiếm con. Không chỉ nhận được chi phí hỗ trợ, vợ chồng chị còn thành công, đậu thai sau lần chuyển phôi đầu tiên.
“Mình chọc được 10 trứng, được 5 phôi. Mình chuyển 2 phôi đầu và thành công. Ngày mình biết có thai đó là mồng 2 Tết. Mình gọi điện cho chồng không nói được gì chỉ có khóc thôi”, chị H. cho biết.
Hạnh phúc là vậy nhưng cũng kể từ đây chị H. bước vào giai đoạn bầu bí khó khăn. Khi thai được 6 tuần, một thai ở ngoài tử cung phải đình chỉ. Để giữ một thai còn lại, suốt 4 tháng đầu chị ở trọ gần bệnh viện cho tiện đi lại thăm khám và tiện đến viện khi có vấn đề gì với con.
Vất vả là vậy nhưng chị H. hạnh phúc và vượt qua tất cả khi luôn có chồng ở bên. Chị bảo mọi thứ đều khó khăn nhưng vợ chồng chị có quyết tâm cao. Sau 4 tháng đầu, chị chuyển về nơi công tác của chồng để chồng tiện chăm sóc. Ngày nào cũng vậy, anh dậy sớm chuẩn bị nước cho chị rồi nấu cơm sáng cho chị mới yên tâm đi làm. Đến trưa, tối về anh lại cơm nước lo cho 2 mẹ con. Anh tìm hiểu mọi thông tin để có thể tẩm bổ cho chị một cách tốt nhất. Việc quan tâm chăm chị đến tận chân tơ kẽ tóc khiến chị vô cùng bất ngờ và hạnh phúc.
“Chồng mình luôn đồng hành cùng vợ nên vượt qua hết mọi khó khăn. Mình sức khỏe yếu, lớn tuổi mang thai khó lắm, chỉ nằm nhà dưỡng thai thôi. Anh đi làm về là phụ vợ, làm hết công việc, giặt quần áo, nấu cơm, thậm chí những tháng mình bầu to, anh còn gội đầu cho. Anh làm hết cho mình từ tắm đến gội đầu”, chị H. mỉm cười kể.
Ngồi bên cạnh bế con, anh Q. cười hạnh phúc cho biết, vì gia đình muộn mằn nên anh cũng phải cố gắng làm động lực, chỗ dựa cho vợ. Hồi mang bầu vợ kiêng khem đủ thứ nên anh cũng phải tìm hiểu nhiều để tốt nhất cho 2 mẹ con. Hễ thấy có dấu hiệu gì không khả quan anh lại điện ngay cho bác sĩ Nhã để nhờ tư vấn.
Niềm hạnh phúc làm mẹ, làm bố ở độ tuổi gần ngũ tuần
Mang thai đến tuần thứ 34, chị H. lên viện thuê trọ cho gần gặn và khi thai được 37 tuần, vợ chồng chị quyết định chọn phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Nhớ lại ngày vợ bước vào phòng sinh, anh Q. vẫn không thể quên được cảm giác hồi hộp lo lắng của mình. Đặc biệt là cảm giác khi 2 gia đình mổ cùng đã được đón tay con còn anh vẫn ngồi chờ ở hành lang với tâm trạng thấp thỏm, lo âu.
"Mình không được đón tay con giống như 2 gia đình kia vì con gặp chút sự cố phải nằm lồng kính 2-3 ngày, còn vợ mình được cấp cứu khi mổ vì huyết áp cao. Sau đến ngày thứ 4, hai vợ chồng được bế con một lúc thì vợ mình lại bị huyết áp cao phải vào phòng hồi sức cấp cứu. Hôm đó còn tưởng không qua được", anh Q. kể lại.
Con gái chính là món quà lớn nhất của anh chị suốt bao năm qua.
Đối với chị H., mặc dù gặp nguy hiểm sau sinh nhưng đến bây giờ khi nhớ lại ngày đó - ngày 1/10 chị chỉ mỉm cười hạnh phúc bởi đó là ngày tiếng khóc của con yêu đã mang niềm vui, nụ cười đến với cả gia đình chị. Cuối cùng, vợ chồng chị cũng đã được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc làm bố, làm mẹ.
“Mang bầu mình từ 46 lên 52kg, vào con hết. Cháu là bé gái nặng 3kg. Mình phải cấp cứu vì huyết áp cao nên anh chăm con hết rồi chăm vợ nữa. Những ngày đó anh vừa làm bố vừa làm mẹ. Từ ngày con đến bên, gia đình mình rộn tiếng cười hơn cả. Mọi thành viên trong nhà mình vui lắm. Gia đình mình biết ơn các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện lắm, đặc biệt là bác sĩ Nhã đã mát tay mang con đến với vợ chồng mình”, chị H. tâm sự.
Chị H. bảo, đến bây giờ chị vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Mỗi lần nhìn con chị lại mỉm cười hạnh phúc. Món quà muộn ở độ tuổi đã gần ngũ tuần như "cơn mưa rào tưới mát những ngày hè" trong lòng anh chị suốt bao năm qua.