Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần

Ngày 14/06/2018 11:13 AM (GMT+7)

3 ngày sau sinh, gia đình anh Ven, chị Tươi vẫn còn lâng lâng hạnh phúc. Bé Bo đến với gia đình "như cơn mưa rào tưới mát những ngày hè nóng bức" trong lòng anh chị gần 10 năm mong mỏi con yêu.

Video: Hành trình gần 10 năm, vượt hơn nghìn km để có con của gia đình ông bố gây bão MXH. 

Bức ảnh người cha lớn tuổi, mang dáng vẻ khắc khổ hai tay run run bế đứa con sơ sinh vừa chào đời, đôi mắt rưng rưng như sắp khóc được đăng tải mới đây trên mạng xã hội khiến ai nhìn thấy cũng cay mắt vì xúc động. Khoảnh khắc cha và con ấy, đóng băng lại ở giây phút ánh mắt anh Phạm Văn Ven (47 tuổi, Hà Đông, Đạ Tẻh, Lâm Đồng) lấp lánh, bừng sáng niềm hạnh phúc khi lần đầu bế con vào lòng.

Cả 2 cha con đều khóc trong giây phút được nhìn thấy nhau nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của một sự chờ đợi dài đằng đẵng để được thấy con yêu chào đời ngày hôm ấy – 11/6.

Vậy là ước mơ được làm bố, được làm mẹ mà vợ chồng anh Ven theo đuổi gần 10 năm đã trở thành hiện thực. Vậy là, những nhọc nhằn sáng trưa miệt mài lên rẫy làm lụng kiếm tiền chăm vợ con, những nhớ nhung khi hai vợ chồng xa cách hơn 1 nghìn cây số gần 1 năm, người Lâm Đồng, người Hà Nội đã được đền đáp bằng tiếng khóc chào đời của con yêu.

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 1

Bức ảnh "cha và con" gây bão mạng xã hội. 

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 2

Hạnh phúc vẹn tròn khi con chào đời của cặp vợ chồng sau 10 năm mong chờ. 

Gần 10 năm mong ngóng, mỏi mòn chờ một mụn con

Việc khó có con khiến mình nhiều khi chán, buồn nhưng cũng thôi vì muốn làm mẹ phải cố gắng. Nhiều người vất vả khó khăn hơn mình còn cố gắng được nữa là.

- Vũ Thị Tươi - 

Mặc dù còn đau vết mổ nhưng chị Vũ Thị Tươi (SN 1982, vợ anh Ven) vẫn cố gượng dậy để bế bé Bo vào lòng. Mỗi lần nhìn con, chị lại mỉm cười hạnh phúc. Có lẽ niềm hạnh phúc đầu tiên được thực hiện thiên chức làm mẹ sau bao năm mong ngóng khiến chị không thể nào quên được.

Chị Tươi kể, chị và anh Ven nên duyên vợ chồng sau khi được gia đình 2 bên mai mối. Khi ấy, chị xa bố mẹ đi làm trong Lâm Đồng và chính sự thật thà, chăm chỉ, chất phác của anh đã khiến chị đem lòng yêu thương, quyết định kết nghĩa vợ chồng.

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, anh làm nông, chị lên nương rẫy, tuy ấm áp nhưng vẫn thiếu vắng tiếng khóc cười trẻ thơ. Một năm, hai năm, ba năm,… rồi đến tám năm, trong khi tuổi thanh xuân của chị cứ thế trôi đi, mái tóc của chồng đã dần điểm bạc, bạn bè bằng tuổi con cái đã lớn khôn thì gia đình chị vẫn mỏi mòn mong ngóng con.

Không biết bao nhiêu lần anh chị tủi thân nhưng vì gia đình làm nông, không có điều kiện nên cũng chỉ biết tìm niềm hy vọng trong những bài thuốc Nam, thuốc Bắc. Cũng đã nhiều lần chị tìm đến Tây y, đến bệnh viện Từ Dũ, rồi ra Hà Nội vào năm 2012 nhưng đều phải bỏ dang dở vì… không đủ tiền.

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 3

Anh Ven ít nói, hay ngại nên chỉ biết đi làm kiếm tiền nuôi vợ con. Chị may mắn vì luôn có chồng và gia đình 2 bên đồng hành.

Nhìn con gái 8 năm rồi vẫn chưa có con, mẹ chị Tươi cũng sốt ruột thay. Hễ lần nào gọi điện, mẹ chị cũng giục con chạy chữa. Đã đôi lúc cả mẹ chị cũng chùn bước, chán nản nhưng đến đầu năm 2017, mẹ chị cùng với gia đình 2 bên đã quyết tâm lo cho vợ chồng chị. Vậy là chị Tươi và anh Ven lại khăn gói hàng nghìn cây số ra Hà Nội.  

“Nhà tôi có 5 người con, 4 gái 1 trai, Tươi là con gái thứ 2, chưa có con nên ai cũng lo, giúp đỡ. Lúc vợ chồng cháu ra Hà Nội, gia đình vẫn chưa biết sẽ đến bệnh viện nào nhưng nhờ gặp được người thân cũng hiếm muộn điều trị và sinh ở bệnh viện Bưu Điện nên gia đình tìm đến. Khi thực hiện IVF, chọc trứng, em Tươi chỉ có 6 trứng, được 3 phôi. May mắn thay, chuyển lần đầu thành công, ai cũng vừa mừng vừa lo”, bác Chu Thị Tỉnh – mẹ chị Tươi chia sẻ.

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 4

Mẹ chị Tươi là người luôn đồng hành cùng chị trong suốt thời gian chị mang thai. 

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 5

Bà mẹ 37 tuổi hạnh phúc khi bế con lần đầu tiên. 

Một năm thuê mướn phòng trọ, vợ chồng cách nhau hàng nhìn cây số để giữ con yêu

Chị Tươi chia sẻ khi đến bệnh viện, trong lòng chị tràn trề hy vọng và may mắn đã mỉm cười với chị khi chuyển phôi lần đầu thành công. Vậy là, vợ chồng chị bước vào một hành trình mới của hy vọng và chờ đợi.

Vì điều kiện kinh tế không cho phép nên anh Ven phải về Lâm Đồng làm lụng còn chị và mẹ đẻ thuê phòng trọ gần bệnh viện để tiện thăm khám. Mỗi tuần, gia đình chị ở Hoà Bình lại gửi thực phẩm xuống để chị được đảm bảo ăn uống vệ sinh, an toàn nhất.

Bế con trên tay mình mới yên tâm thực sự. Các cặp vợ chồng hiếm muộn đừng nên chùn bước, lần này không được, lại tiếp tục lần sau, may mắn sẽ đến với mọi người.

- Vũ Thị Tươi - 

Khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày mang bầu, chị ốm nghén đến 5 tháng liền không ăn được gì. Tiền sử đau dạ dày khiến sức khỏe chị yếu, nghén và nôn nhiều hơn. Mẹ chị phải chăm sóc từng li từng tí suốt quãng thời gian chuyển phôi đến khi sinh.  

“Thai được 5-6 tháng mình mới ăn ngon được. Trước đây, mình mỗi bữa chỉ cố gắng bát cơm với canh và rau, còn không ăn được thịt. 3 tháng đầu, mình nôn ói suốt nhưng vẫn phải cố uống thuốc giữ con, rồi uống thuốc bổ nữa. Trong quá trình mang thai 1-2 lần mình lo lắng tình hình con, đặc biệt tháng cuối kiểm tra nước ối ít”, chị Tươi chia sẻ.

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 6

Những cuộc điện thoại cách xa nghìn cây số của chồng, sự chăm sóc ủng hộ của gia đình 2 bên, đặc biệt mẹ đẻ đã giúp chị có động lực hơn.

Chị tâm sự suốt khoảng thời gian mang thai dù chồng không bên cạnh nhưng chị vẫn cảm nhận hơi ấm từ chồng ở xa hơn nghìn cây số qua những cuộc điện thoại. Anh đi làm vất vả kiếm tiền nuôi 2 mẹ con, chăm sóc bố mẹ già yếu nhưng vẫn không quên gọi điện cho 2 mẹ con chị ngày 3-4 lần. 

Không hay nói những lời yêu thương, ngọt ngào nhưng những cuộc điện thoại của anh Ven cũng khiến chị an ủi phần nào. Tuy có buồn nhưng chị Tươi luôn chấp nhận bởi hạnh phúc sắp được làm cha, làm mẹ của vợ chồng chị, có vất vả bao nhiêu chị cũng phải cố gắng, khắc phục.

Niềm hạnh phúc đầu tiên và khoảnh khắc "đóng băng" khi bế con vào lòng

Cảm ơn các bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản nói riêng và BV Bưu Điện nói chung đã tận tình để con tôi thực hiện ước mơ làm mẹ, một ước mơ đã theo đuổi gần 10 năm nay bây giờ thành hiện thực.

- Mẹ chị Tươi -

Chị Tươi mổ lấy thai ở tuần thứ 38. Anh Ven chồng chị ra Hà Nội trước ngày chị sinh đúng một ngày. Khi chị vào phòng mổ, trên gương mặt ai cũng lo lắng lo cho tình hình 2 mẹ con chị, đặc biệt là anh.

Và rồi mọi sự lo lắng đã tan biến vào sáng ngày 11/6 ấy, khi bé Bo cất tiếng khóc chào đời, khi y tá bế em ra trao cho bố.

Có lẽ cái khoảnh khắc ấy, anh Ven, chị Tươi sẽ không thể nào quên được. Khoảnh khắc mà anh chị đã mong ngóng suốt gần 10 năm qua, đã không biết bao nhiêu giọt nước mắt, giọt mồ hôi lăn dài trên đôi má rám nắng vất vả.

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 7

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 8

Niềm vui xua tan mệt mỏi của bác sĩ Nguyễn Thị Nhã cũng như nhiều y bác sĩ bệnh viện là nhìn thấy bệnh nhân của mình hạnh phúc chào đón con yêu. 

Bế con lần đầu, đôi tay anh Ven đã run run, khóe mắt anh rưng rưng niềm hạnh phúc. Ở cái tuổi ngũ tuần, anh mới được tận hưởng niềm hạnh phúc được làm bố, tình phụ tử thiêng liêng. Còn đối với chị Tươi, sự mệt mỏi, những lần quặn đau ở vết mổ cũng tan biến trong khoảnh khắc nhìn thấy con yêu, khi ước mơ được làm mẹ theo đuổi gần 10 năm trở thành hiện thực, khi luôn có ánh sáng ở phía cuối con đường hầm.

Đến thăm bệnh nhân Vũ Thị Tươi, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện nở nụ cười rạng rỡ cho biết, sau khi nhìn đọc bài chia sẻ trên MXH "Người cha 47 tuổi run run bế con lần đầu", chị thực sự cảm động và hạnh phúc. Đó cũng là động lực cho các bác sĩ mỗi khi mệt mỏi, ươm mầm cho ước mơ được làm mẹ của những người phụ nữ.

Bác sĩ cũng chia sẻ thêm hàng năm, bệnh viện luôn có chương trình hỗ trợ các cặp vợ chồng khó khăn một số kinh phí khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Vào tháng 8/2018, chương trình tư vấn hiếm muộn hàng năm sẽ hỗ trợ tiếp cho 80 cặp vợ chồng. Chính vì vậy, với những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nên đi khám từ sớm và can thiệp sớm để tìm ra đúng nguyên nhân, từ đó có biện pháp xử lý mang hiệu quả cao nhất, để ước mơ làm mẹ trở thành hiện thực sớm nhất.

Người cha nghèo run run bế con lần đầu: Chấp nhận xa vợ cả năm, ngày gọi điện 3-4 lần - 9

Câu chuyện hiếm muộn: Nỗi đau của mẹ Nha Trang đẻ con ra không dám nhìn mặt
Hơn 10 lần sảy thai, thai chết lưu, 3 vết mổ ở bụng, bị ung thư tuyến giáp, u xơ dạ con… vẫn chưa thể nói hết được những chông gai, khó khăn mà chị...
Hồng Nhung - Trung Đức
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiếm muộn