Để giúp các con được ăn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tuần nào chồng chị Lê Thị Ánh cũng “lóc cóc” khắp Hà Nội đi xin sữa cho con. Thậm chí, anh còn đi xe hơn 50km từ Đông Anh sang Hà Đông xin sữa.
Xem thêm video: 5 việc giúp ngực không bị chảy xệ sau sinh
Quân – Việt – Nam là những cái tên mà vợ chồng chị Lê Thị Ánh (27 tuổi, Đông Anh) đặt cho 3 nhóc tì của mình. Mặc dù mệt mỏi vì phải chăm liền một lúc 3 bé nhưng mỗi lần nhìn 3 con ngủ ngon chị lại mỉm cười hạnh phúc và quên đi hết khó khăn ở chặng đường dài phía trước bởi đó chính là tài sản lớn nhất mà ông trời ban tặng cho vợ chồng chị.
3 nhóc tì đáng yêu nhà chị Ánh.
Choáng váng khi đi khám thai lần 2 được bác sĩ thông báo mang bầu 3
Kết hôn vào năm 2017, vợ chồng chị Ánh cũng giống như nhiều cặp vợ chồng khác hạnh phúc khi hay tin mình sắp lên chức, được làm bố làm mẹ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc đó được nhân lên gấp 3 khiến nỗi lo lắng trong lòng anh chị lại nhanh chóng ùa về bởi mang thai 3 đồng nghĩa với nhiều nguy cơ, sinh non, tiền sản giật, truyền máu thai nhi. Đối diện với tin này, chị không biết phải làm sao để tốt nhất cho mình và cho các con. Hơn nữa, chị lại đang bị ốm.
“Mình biết tin có bầu khoảng tháng 9 âm lịch năm ngoái. Khi thai được 7 tuần, mình đi siêu nhưng không hề biết mang thai 3. Định 28 Tết được 12 tuần đi siêu âm lại xem sao thì 26 Tết mình bị ốm, cảm cúm phải vào viện. Lúc này mình được bác sĩ thông báo mang thai 3.
Nghe vậy mình bất ngờ và lo lắng nhiều hơn là mừng, không biết mang bầu với nuôi con như thế nào, con non nớt có nuôi được không?
Mình sợ bác sĩ khám nhầm nên đang nằm viện cũng sang viện Phụ sản TW khám lại nhưng kết quả vẫn vậy. Bác sĩ có tư vấn giảm thiểu để tránh nguy cơ nhưng hôm đó cũng muộn mọi người nghỉ rồi, thai cũng đã lớn, thương các con nên vợ chồng mình quyết định giữ lại. Gia đình mình cũng động viên “con cái là lộc trời cho”, chị Ánh chia sẻ.
Mang bầu 3 nên chị Ánh trải qua khoảng thời gian ốm nghén dài phải xin nghỉ 2 tuần ở nhà nghỉ ngơi. Không những vậy, chị bị thiếu máu, người lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, chỉ cần leo cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2 cũng bị thở dốc, hay đi bộ từ chỗ để xe vào chỗ làm cũng mệt “bở hơi tai”.
Mặc dù vậy, chị Ánh vẫn vui bởi mình có khoảng thời gian mang thai khá thuận lợi hơn nhiều mẹ khác. Sau 2-3 tuần được chồng chở đi làm, chị vẫn đi xe máy 16km từ Đông Anh đến Từ Sơn, Bắc Ninh đi làm mỗi ngày. Thậm chí, khi nghỉ ở nhà dưỡng thai, chị vẫn đi chợ quãng đường 400m mỗi ngày và đi xe máy đến nhà mọi người chơi.
Thai được 12 tuần chị mới biết mình mang thai 3.
Chị Ánh chia sẻ lần đầu mang thai, lại mang thai 3 nên chị gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Chị phải kết nối, học hỏi kinh nghiệm của những người đã mang thai 3 trước đó. Nhờ vậy mà, cả quá trình mang thai chị chỉ tăng 8kg, vào con mà không vào mẹ, giúp con phát triển cân nặng tốt nhất nhờ ăn làm nhiều bữa, ít tinh bột, tăng cường rau xanh và hoa quả theo mùa.
Mang thai 3 nên khi bầu được 5 tháng nhiều người tưởng rằng chị sắp đẻ. Và đó cũng là lúc chị vất vả nhất, phải nghỉ làm ở nhà để giữ thai.
Chị Ánh cho biết, khoảng thời gian mang bầu vất vả nhưng chị được chồng và bố mẹ chăm chu đáo. Biết vợ mang bầu 3 khó khăn nên chồng chị luôn động viên, chăm sóc, tối nào trước khi đi ngủ anh cũng lấy nước nóng để chị ngâm chân cho dễ ngủ. Chính vì những sự an ủi, động viên đó của gia đình và điểm tựa từ chồng mà chị có được tâm lý thoải mái trong suốt thai kỳ.
Khi mang thai chị 2 lần bị ốm, phải vào viện Sản TW.
Đến giờ đi đẻ vẫn cố xin bác sĩ “Cháu chưa vội đẻ đâu”
Khi thai được 31 tuần, thấy cơn đau bụng theo đợt xuất hiện, cộng với bị sốt và ho nhẹ, chị Ánh lại một lần nữa lo lắng về tình hình các con. Lúc này, đến bệnh viện thăm khám, tử cung chị ngắn chỉ còn 3mm. Thế nhưng vì ốm, sợ lây cho các mẹ bầu khác nằm ở viện nên chị đã xin về nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai.
5 ngày sau, khi thai được 32 tuần là ngày 14/7, một lần nữa chị lại xuất hiện những cơn đau bụng theo đợt. Cứ nghĩ lần này cũng nằm dưỡng thai như lần trước nên chị thong thả cùng chồng đến viện nhưng nào ngờ đó cũng là ngày chị được bác sĩ chỉ định sinh.
“Mình lên viện xin bác sĩ “cháu đau bụng thế này nằm dưỡng thai thêm mấy tuần nữa để con được 36 tuần, bây giờ bác cho cháu dưỡng thai tiếp”. Bác sĩ bảo thai đôi giữ được 36 tuần, thai ba giữ được 34 tuần là tốt, mình giữ thai 3 được 32 tuần là hạnh phúc quá rồi, còn thêm ngày nào thì hạnh phúc ngày đó”, chị Ánh cười kể lại chuyện đi đẻ của mình.
Các bé sinh ngày 14/7 được 32 tuần thai.
Đến bây giờ, nhớ lại ngày đi đẻ của mình, chị Ánh vẫn cười bởi nỗi sợ khi lên phòng đẻ nhìn thấy bao sản phụ xung quanh đau đẻ và sự kiên trì của mình khi xin từng bác sĩ vào khám cho giữ thai thêm mấy tuần nữa vì “chưa muốn đẻ vội”.
“3-4 bác sĩ vào khám cho mình, bác nào mình cũng xin “Thôi bác ơi cho cháu giữ thai mấy tuần nữa, cháu chưa muốn đẻ vội đâu bây giờ con còn non quá”. Bác sĩ bảo “Thai 3 giữa được 32 tuần là quá hạnh phúc rồi, chuyển dạ rồi không đẻ sao được”. Cuối cùng, mình sinh mổ vì 3 bé mỗi bé nằm quay một đầu”, chị Ánh kể lại.
Mặc dù run khi nằm trên bàn mổ, nhìn thấy đèn phòng mổ được bật sáng, lo sợ cho các con nhưng cảm giác đó trong chị Ánh cũng nhanh chóng trôi qua khi lần lượt 3 bé cất tiếng khóc chào đời.
Trong giây phút thiêng liêng, hạnh phúc nhất cuộc đời khi lần đầu được làm mẹ, lần đầu vượt cạn “mẹ tròn con vuông” chị Ánh đã rưng rưng. Sau những tháng ngày mang bầu vất vả, lo lắng cho tình hình của các con, cuối cùng chị cũng đã thở phào nhẹ nhõm. 3 chàng trai của chị chào đời với cân nặng lần lượt là 1,4kg; 1,3kg và 1,4kg.
Chị Ánh và chồng ấp kangaroo cho con.
Một tháng trời, chồng đi 60km “vật vờ” từ sáng đến tối khuya ở viện gửi sữa mẹ cho con
3 bé sau sinh phải nằm viện thêm một tháng, trong đó nằm lồng kính nửa tháng. Cũng kể từ đây, vợ chồng chị bắt đầu những tháng ngày làm ông bố, bà mẹ bỉm sữa.
Suốt 1 tháng các con nằm viện, vợ chồng chị phải đi xin sữa của các mẹ gửi vào cho con bú và chồng chị ngày nào cũng đi xe tổng cộng 60km dậy sáng sớm 7h từ Đông Anh lên Hà Nội để gửi sữa vào đúng giờ cho con. Vì ở viện 3h/lần gửi sữa nên cả ngày chồng chị “vật vờ” ngồi chờ ở viện đến tối đêm 10h mới về nhà. Suốt một tháng ròng rã như vậy nhưng vì con, anh đều cố gắng vượt qua tất cả.
Làm bố, làm mẹ lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm con đã có nhiều lúc chị Ánh lo lắng “làm sao chăm được 3 bé tốt nhất?”. Chị còn nhớ những ngày được ghép con, những ngày bác sĩ gọi đón con về khi con được 1,6-1,7kg. Chị phải xin bác sĩ cho con được ở viện thêm.
“Mình ra chăm con không có kinh nghiệm gì, con chưa biết phản xạ bú bởi bác sĩ chăm cho ăn ống xông. Mẹ nào cũng được bác sĩ dạy nhưng nhà người ta có một bé 3-4 người đến chăm còn nhà mình 3 bé cũng chỉ có 3 người nên mình xin bác sĩ cho ưu tiên đón dần và nhờ các bác sĩ chăm hộ thêm cho con tăng cân.
Bác sĩ ưu tiên đến khi các con được 1,9-2kg không thể ở thêm được nên các con phải ra viện. Thế nhưng, các bác cho ra từ từ, cách tuần cho một bé ra nên gia đình mình chăm đỡ vất vả, đến lúc các bé ăn được bình, tập bú mẹ được”, chị Ánh cho hay.
Chồng chị là người đi xin sữa cho con để 3 bé đủ sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cùng chị chăm các con.
Chăm 3 bé nên vợ chồng chị cùng 2 bà nội, ngoại lại thay phiên nhau. Hiện nay, 3 bé đã được hơn 3 tháng, một bé nặng 4,2kg, còn 2 bé nặng 4,1kg. Muốn các con được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên nhưng chị chỉ đủ sữa cho một bé nên vợ chồng chị phải đi xin sữa của các mẹ. Suốt 3 tháng qua, cứ một tuần hoặc hai tháng, chồng chị lại tranh thủ cuối tuần, những lúc con ngủ mang thùng xốp vào thành phố Hà Nội xin sữa cho con. Thậm chí, anh còn đi xe 50km từ Đông Anh sang Hà Đông để xin sữa.
Món quà lớn nhất của vợ chồng chị Ánh.
Mặc dù vất vả vì chăm 3 bé nhưng mỗi lần nhìn các con ngủ chị lại quên hết mệt mỏi. Điều chị mong muốn nhất đó là các con hay ăn chóng lớn, chị và chồng sẽ cố gắng làm tất cả sức mình để mang những điều tốt đẹp nhất đến với các con.