Siêu âm đầy đủ trong thai kỳ sẽ giúp mẹ theo dõi được tình hình sức khỏe và sự phát triển của em bé trong bụng.
Video: Những điều cần biết về siêu âm thai.
Khi mang thai, các mẹ thường háo hức đi siêu âm để kiểm tra xem con yêu trong bụng đã phát triển đến mức nào rồi và có vấn đề gì về sức khỏe không. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng mẹ siêu âm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Hiện đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi nhưng dù thế nào mẹ cũng không được bỏ qua 5 mốc siêu âm quan trọng dưới đây.
1. Siêu âm xác định có thai: 6-8 tuần
Sau khi phát hiện mình bị trễ kinh và thử thai tại nhà cho kết quả tích cực, mẹ cần sắp xếp đi siêu âm thai lần đầu sớm. Siêu âm lúc này để xem có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài tử cung, thai bình thường hay bệnh lý, số lượng thai. Đặc biệt, đối với những chị em quên ngày kinh hoặc ngày kinh không đều, bác sĩ có thể dựa vào kết quả siêu âm lần đầu này để tính tuổi thai, từ đó, biết được ngày dự sinh của mẹ.
Siêu âm thai giúp mẹ theo dõi sức khỏe và tình hình phát triển của em bé.
2. Siêu âm đo độ mờ da gáy: 11-13 tuần
Sau 3 tháng đầu, thai nhi đã phát triển ổn định. Đây cũng là lúc mẹ cần đi siêu âm để đo độ mờ da gáy của con. Đây là chỉ số quan trọng có tác dụng đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down và nhiều dị tật khác ở thai nhi. Độ mờ da gáy bình thường là 3mm, nếu độ dày cao hơn thì có khả năng cao thai nhi gặp vấn đề về nhiễm sắc thể và tim.
3. Siêu âm sàng lọc dị tật thần kinh: 15-20 tuần
Cụ thể lần siêu âm này sẽ được chỉ định vào 16 tuần. Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem thai nhi có bị khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh ở giai đoạn đầu hay không. Hiện nay, nhiều trường hợp thai bị dị tật ống thần kinh đã có thể phẫu thuật ngay từ trong bụng mẹ và chào đời khỏe mạnh. Do đó, lần siêu âm này là cực kỳ cần thiết.
4. Siêu âm khảo sát hình thai thái nhi: 21-25 tuần
Đây là thời điểm thai nhi đã hình thành xong hình thái căn bản. Do đó, siêu âm sẽ cho phép bác sĩ quan sát kỹ từng bộ phận của thai nhi, từ đó phát hiện những dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, trong lần siêu âm này bác sĩ cũng quan sát tình hình bánh nhau, nước ối của mẹ, cân nặng, chiều dài thai nhi để tư vấn cho mẹ việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.
Mẹ bầu cần đi siêu âm đúng và đủ theo lịch chỉ định của bác sĩ.
5. Siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi, xác định phương pháp sinh: 32-36 tuần
Đây là lần siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi có phù hợp với tuổi thai hay không, xác định ngôi thai, vị trí bánh nhau, lượng nước ối.
Bác sĩ cũng sẽ ước lượng cân nặng thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau, từ đó tiên lượng cho cuộc sinh dễ hay khó.
Bên cạnh những lần siêu âm trên, những mẹ có thai kỳ có vấn đề cần siêu âm thêm theo chỉ định của bác sĩ.