Dấu hiệu thai lưu trong bụng mẹ cảm nhận sớm tránh biến chứng

Ngày 10/01/2018 19:00 PM (GMT+7)

Phát hiện dấu hiệu thai lưu sớm như tim thai không hoạt động, tử cung mẹ không phát triển, nước ối rò rỉ, dịch âm đạo .... xử lý kịp thời sẽ giúp bảo vệ mẹ, tránh biến chứng đáng tiếc.

Hiện tượng thai lưu hay thai chết lưu đều là một điều đáng tiếc mà không một bà mẹ nào mong muốn. Khi thai bị chết trong bụng mẹ mẹ bầu có thể cảm nhận và phát hiện qua những dấu hiệu. 

Thai chết lưu là gì?

Thai chết lưu (thai lưu) là khi em bé chết trong bụng mẹ sau 20 tuần mang thai. Hầu hết các trường hợp thai lưu đều xảy ra trước khi người phụ nữ chuyển dạ, một số ít xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. (Theo Trung tâm trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC)).

Cả sảy thai và thai chết lưu đều được hiểu là thai đã mất, chúng khác nhau về thời điểm xảy ra. Thai mất trước 20 tuần được gọi là sảy thai, thai mất từ tuần 20 trở đi được gọi là thai lưu. Cụ thể thai lưu được phân loại:

- Từ tuần 20 - 27 được gọi là thai chết sớm

- Từ tuần giữa 28 đến 36 gọi là thai chết muộn

- Một thai kỳ hạn xảy ra giữa tuần 37 hoặc lâu hơn. 

Những bà mẹ có nguy cơ bị thai chết lưu?

- Mẹ mang bầu song thai, đa thai;

- Đã từng bị thai chết lưu;

- Mang thai ngoài 35 tuổi;

- Mẹ uống rượu, sử dụng thuốc cấm khi mang bầu;

- Mẹ béo phì hoặc quá nhẹ cân;

- Mẹ bị cao huyết áp, tiểu đường.

Dấu hiệu thai chết lưu sớm cho mẹ bầu

Việc phát hiện thai lưu sớm sẽ giúp mẹ chủ động được các biện pháp khắc phục để tránh những rủi ro sức khỏe đáng tiếc: 

1. Thai nhi giảm dần chuyển động

Sự chuyển động của thai nhi là một trong những dấu hiệu quan trọng giúp mẹ nhận biết được sức khỏe con trong bụng. Thông thường, từ tuần 18-20 của thai kỳ, các mẹ sẽ cảm nhận thấy rõ hơn những chuyển động của con. Vì thế, nếu mẹ bất ngờ không cảm nhận được bất kì chuyển động nào của con trong khoảng 8-10 giờ thì cần phải biết rằng thai nhi có thể đang bị chết lưu.

Lời khuyên:

Theo chuyên gia khoa sản của tổ chức Kicks Count, nếu mẹ không chắc chắn về những chuyển động của thai nhi ở một thời điểm nào đó, mẹ hãy dành thời gian ngồi xuống hoặc nằm xuống để lắng nghe. Mẹ có thể uống một ly nước lạnh hoặc một cốc nước cam để kích thích bé chuyển động. Sau khi làm mọi cách mà thai nhi vẫn không có cử động nào thì mẹ bầu cần tức tốc đến bệnh viện ngay.

Dấu hiệu thai lưu trong bụng mẹ cảm nhận sớm tránh biến chứng - 1

Em bé trong bụng đột nhiên "ngoan ngoãn" bất thường cũng có thể là dấu hiệu không tốt. (Ảnh minh họa)

2. Không nghe được tim thai

Từ khoảng tuần thứ 7 - 9 của thai kỳ là bác sĩ đã có thể nghe được tim thai. Có nhiều trường hợp khó nghe nhịp tim do vị trí của bé hoặc của thai nhi, tuy nhiên tình trạng này kéo dài thì mẹ bầu không được chủ quan. Nhịp tim của thai bình thường dao động khoảng từ 1200 - 1600 mỗi phút. Nếu nhịp tim thai nhiều hơn 160 nhịp/ phút hoặc ít hơn 120 nhịp/ phút báo hiệu thai có thể bị thiếu oxy.

Lời khuyên:

Khi khám thai các bác sĩ sẽ nghe và chẩn đoán nhịp tim thai. Nếu có bất thường các bác sĩ sẽ yêu cầu các mẹ phải theo dõi và thăm khám thường xuyên. Hãy thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ để bảo vệ thai. 

3. Tử cung mẹ không phát triển

Cơ thể bé lớn lên mỗi ngày trong bụng mẹ, điều đó đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng phải phát triển theo. Chính vì thế nếu tử cung của mẹ ngừng mở rộng thì rất có thể thai nhi đang gặp nguy hiểm.

Lời khuyên: Khi thấy bụng không có dấu hiệu lớn dần lên, thậm chí nhỏ hơn bình thường kèm theo các dấu hiệu ngực mềm mại, không còn căng tức, thấy sữa non tiết ra, hơi đau tức và nặng bụng mẹ cần đi gặp bác sĩ ngay.

4. Nước ối rò rỉ

Hiện tượng rò rỉ nước ối cũng là một trong những dấu hiệu hàng đầu cảnh báo mẹ bầu về việc thai lưu. 

Lời khuyên:

Khi thấy có chất lỏng rò rỉ từ âm đạo trong thời gian mang thai mẹ nên lập tức tới gặp bác sĩ để kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu thai đang có vấn đề.

Dấu hiệu thai lưu trong bụng mẹ cảm nhận sớm tránh biến chứng - 2

Rỉ nước ối bất thường cũng là dấu hiệu của thai lưu (Ảnh minh họa)

5. Tiết dịch âm đạo bất thường

Tiết dịch âm đạo vào giai đoạn mang thai nhiều hơn bình thường cũng là một trong những dấu hiệu của thai lưu. 

Lời khuyên:

Khi mẹ bầu thấy dịch tiết âm đạo của mình ra ồ ạt kèm theo máu, mùi hôi khó chịu hoặc có sự thay đổi về màu sắc thì cần đi kiểm tra ngay. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể là suy yếu màng ối và khiến nước ối của mẹ bị vỡ. Đây cũng là nguyên nhân có thể khiến thai nhi của mẹ không thể chào đời được. 

Xem thêm: Bị sảy thai ra máu như thế nào?

6. Không nhận thấy dấu hiệu mang thai

Khi mang thai mẹ bầu sẽ thường thấy được những dấu hiệu như nghén, đi tiểu nhiều lần, cảm giác mệt mỏi, tức ngực. Nhưng nếu các hiện tượng này không còn thấy nữa kèm theo việc ra máu đen ở âm đạo thì nguy cơ thai lưu rất cao.

Lời khuyên: 

Mẹ cần lập tức tới bệnh viện để được kiểm tra, nhận kết quả chính xác nhất từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời. 

7. Đau bụng từ nhẹ đến nặng

Cơn đau bụng bất thường từ nhẹ tới nặng kèm theo tình trạng lưng đau có thể là dấu hiệu của sảy thai sớm. 

Lời khuyên:

Nếu trước tuần 12 mà mẹ bị đau bụng dữ dội cần phải tới gặp bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của việc quá trình mang thai đã bị đình chỉ.

Dấu hiệu thai lưu trong bụng mẹ cảm nhận sớm tránh biến chứng - 3

Đau bụng âm ỉ từ nhẹ đến nặng kèm theo biểu hiện ra máu bất thường (Ảnh minh họa)

8. Tâm trạng thay đổi 

Thay đổi tâm trạng khi mang thai là một hiện tượng bình thường. Nhưng nếu tâm trạng mẹ thay đổi bất thường, mất kiểm soát, cảm thấy bồn chồn trong người thì cũng nên đi khám để giải tỏa những băn khoăn, nghi ngờ. Linh cảm của người mẹ về sự tồn tại và an nguy của thai nhi cũng là một trong những dấu hiệu thai lưu mẹ nên biết. 

Nguyên nhân khiến thai chết lưu 

Theo CDC, thai chết lưu hiếm khi là lỗi của mẹ. Thực tế cho đến nay vẫn chưa thể biết chính xác nguyên nhân xảy ra hiện tượng này. Mạng nghiên cứu hợp tác về thai chết lưu được hỗ trợ bởi NICHD-Viện quốc gia nghiên cứu về sức khỏe trẻ em và phát triển con người của Hoa Kỳ (SCRN) đã đưa ra một số nguyên nhân có thể gây nên hiện tượng thai lưu như sau:

- Dị tật bẩm sinh, đặc biệt là những nhiễm sắc thể bất thường trong em bé gây nên hiện tượng thai lưu.

- Các vấn đề về dây rốn như các nút thắt hoặc vặn xoắn làm ngừng cấp oxy cho thai phát triển…

- Huyết áp của người mẹ tăng cao, hay tiền sản giật cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. 

- Vấn đề với nhau thai như nhau không đủ cung cấp oxy cho thai, hiện tượng này có xu hướng xảy ra ở tuần thứ 24 trở đi.

- Người mẹ mắc những bệnh như tiểu đường cũng có thể khiến thai bị sảy hoặc chết lưu 

- Những nguyên nhân khác như căng thẳng, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, thuốc giảm đau… cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. 

Mẹ cần làm gì khi thấy dấu hiệu thai chết lưu?

Khi thấy dấu hiệu thai lưu mẹ cần tới gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và có các biện pháp xử lý. Với các trường hợp thai đã chết lưu các bác sĩ sẽ đề cập phương án lấy thai ra sớm vì nếu càng để lâu trong thành tử cung sẽ tăng nguy cơ rối loạn máu đông thậm chí nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tới tính mạng của người mẹ. 

Thai được lấy ra theo phương pháp chuyển dạ tự nhiên hay chuyển dạ bằng thuốc sẽ do bác sĩ kiểm tra và trực tiếp chỉ định. Điều mà các mẹ cần là ổn định tinh thần, tránh quá đau buồn và chăm sóc tốt cho bản thân sau quá trình loại bỏ thai lưu. 

Mẹ cũng nên nghỉ ngơi, lấy lại sức sau quá trình bỏ thai ra ngoài. Thư giãn tinh thần, chế độ ăn uống và thể dục thể thao điều độ để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo được thuận lợi và khỏe mạnh.

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia.  

Thanh Loan (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dấu hiệu sảy thai