Theo Ths. Bs Lương Văn Chương, giai đoạn phôi thai từ tuần thứ 3-8 là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì thai nhi đang hình thành các cơ quan bộ phận trong cơ thể.
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã có thể mắc những dị tật bẩm sinh do nhiều nguyên nhân. Các dị tật vô cùng đa dạng, có dị tật chỉ bé bằng nốt chấm như rò luân nhĩ, nhưng cũng có dị tật bí ẩn như tinh hoàn lạc chỗ hay những dị tật rõ ràng như sứt môi hở hàm ếch.
Không những vậy, có những dị tật dạng hình thể ai cũng nhìn thấy nhưng có những dị tật chức năng lớn lên mới thấy rõ như điếc bẩm sinh, tự kỉ...
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã có thể mắc những dị tật bẩm sinh do nhiều nguyên nhân. (Ảnh minh họa)
Theo Ths. Bs Lương Văn Chương (Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Xanhpon), dị tật thai nhi bẩm sinh là dạng biến đổi về cấu tạo và chức năng trong quá trình hình thành phôi thai. Nói nôm na là những dị tật trong 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ, dị tật này do các tác nhân làm thay đổi hình dạng em bé.
Các tác nhân hay gặp như hóa chất, chất độc da cam, môi trường, virus hay gặp là Cúm, Rubela, Zika... ngoài ra còn thuốc lá.
Có thể nói, 3 tháng đầu của thai kỳ được xem là vô cùng quan trọng với cả mẹ và bé vì đây là thời điểm phần lớn các dị tật bẩm sinh xảy ra khi các cơ quan trong cơ thể bắt đầu hình thành.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về dị tật thai nhi trong giai đoạn thai kỳ, dưới đây, bác sĩ Chương sẽ có những chia sẻ chi tiết hơn:
Các giai đoạn thai kỳ
- Giai đoạn trứng (tuần 1 đến tuần 2): Giai đoạn này quá sớm trứng mới phân chia một thành hai, hai thành bốn.... lúc này chỉ là một đám tế bào giống quả dâu nên gọi “phôi dâu”. Khi có tác nhân giai đoạn này, trứng sẽ hỏng trong quá trình mang thai nên không có dị tật vì trứng bị ung.
- Giai đoạn phôi thai (từ tuần thứ 3 đến thứ 8): Đây là giai đoạn cực kì quan trọng vì đang hình thành các cơ quan bộ phân. Nếu có tác nhân giai đoạn này sẽ rất nặng.
- Giai đoạn bào thai (từ tuần 8 đến lúc chào đời): giai đoạn này tương đối an toàn nhưng vẫn gặp bệnh về thần kinh, mắt, bộ phận sinh dục ngoài.
Các dị tật thường gặp trong các giai đoạn thai kỳ
Bức ảnh mô tả toàn bộ tổn thương của thai nhi trong bụng mẹ dưới đây sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về các dị tật thường gặp trong các giai đoạn thai kỳ.
Theo đó, bức tranh mô tả từng cơ quan bị bệnh, màu đỏ là dị tật nặng còn màu vàng là dị tật mức độ nhẹ. Thời gian tính theo tuần, từ tuần 1 khi bắt đầu thụ thai đến tuần thứ 38 khi em bé chào đời. (Click vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)
Dòng 1 là dị tật hệ thần kinh nặng từ tuần 3, 4, 5 sau đó dị tật ít đi nhưng nhẹ, giai đoạn sau thai nhi hay bị ảnh hưởng chức năng sau này có thể là tự kỉ, tâm thần,..
Dòng 2 là tim, thai nhi bị nặng từ tuần 4,5,6 và bị nhẹ ở tuần 7 và 8. Sau tuần 8 thai nhi sẽ không bị tim nữa. Vì vậy tim trẻ hình thành tuần thứ 4, ai trót có bầu thì bỏ trước 1 tháng bởi sau 1 tháng tim đã có và đã thành một sinh linh.
Tương tự dòng 3 là tay, dòng 4 là mắt, dòng 5 là chân, dòng 6 là răng, dòng 7 là vòm họng.
Dòng 7 mô tả vòm họng nên mẹ ốm vào tuần 7, 8 thì bé sẽ sứt môi hở hàm ếch.
Dòng 9 là bộ phận sinh dục bị từ tuần thứ 7 đến lúc sinh ra. Trường hợp hay gặp như tinh hoàn lạc chỗ, nang thừng tinh....
Dòng thứ 10 là tai, thai nhi bị nặng từ tuần thứ 4 đến thứ 8. Và sau tuần 16, thai nhi sẽ ổn.
Nguyên nhân gây dị tật thai nhi
Nguyên nhân gây dị tật thai nhi là do người mẹ trong thời gian mang thai mắc bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, một số bệnh nguy hiểm khiến cho thai phụ có nguy cơ cao dẫn đến sảy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc thai dị tật.
Các bệnh nguy hiểm của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi có thể kể đến bao gồm: đái tháo đường, viêm thận, các bệnh do nhiễm khuẩn. Các tác nhân vi sinh vật phổ biến cũng có thể kể đến bao gồm: Rubella, Cytomegalovirus, viêm gan siêu vi B, HPV, Varicella zoster virus (Virus gây bệnh thủy đậu), giang mai, …
Người mẹ bị nhiễm trùng trong quá trình mang thai gây ra nhiều tổn thương cấu trúc và dị tật ở thai nhi. Ví dụ, người mẹ khi mang thai bị nhiễm Cytomegalovirus khi trẻ sinh ra có thể bị giảm thính giác, giảm thị lực và chậm phát triển trí tuệ.
Thai phụ nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kì có thể khiến trẻ bị mắc hội chứng Rubella bẩm sinh, bao gồm: chậm phát triển, tật nhỏ đầu, đục thủy tinh thể, bệnh tim bẩm sinh, điếc, chậm phát triển trí tuệ.
Để giảm thiểu tỉ lệ dị tật thai nhi, mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ, thực hiện các hoạt động sàng lọc và chẩn đoán cần thiết khi mang thai.
Ngoài ra, trong thời gian mang thai người mẹ có thể tiếp xúc với hóa chất cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc trẻ mang dị tật ngay từ khi sinh ra.
Đó có thể là chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các hóa chất độc hại có khả năng tiếp xúc hàng ngày như các chất tẩy rửa, khói bụi ô nhiễm từ các nhà máy, khu công nghiệp, hay đơn giản là uống các thuốc điều trị bệnh trong thời kì mang thai mà không có sự tư vấn, chỉ định của chuyên gia.
Chính bởi vậy, để giảm thiểu tỉ lệ dị tật thai nhi, mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ, thực hiện các hoạt động sàng lọc và chẩn đoán cần thiết khi mang thai. Việc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ngay từ trong giai đoạn bào thai có ý nghĩa rất lớn trong công tác điều trị nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính các bé và bố mẹ
*Bài viết được tư vấn từ Ths. Bs Lương Văn Chương