Bà bầu bị đau bụng đi ngoài nguy hiểm đến mức nào?

Ngày 14/06/2018 15:37 PM (GMT+7)

Nhiều bà bầu bị đau bụng đi ngoài cho rằng mình bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu đau bụng không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với thai nhi.

1. Vì sao mẹ bầu bị đau bụng đi ngoài?

Do chế độ ăn uống không đảm bảo

Khi bị đau bụng đi ngoài, trước hết mẹ bầu nên kiểm tra lại các thực phẩm đã ăn trong ngày. Những thực phẩm không được bảo quản và chế biến đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính khiến nhiều mẹ bầu bị đau bụng, tiêu chảy.

Trong quá trình mang thai, nhu cầu và thói quen ăn uống của chị em thay đổi khá nhiều. Các mẹ có xu hướng ăn vặt và ăn nhiều hơn bình thường. Đôi khi việc ăn uống hoặc nấu nướng ở nhà làm chị em mệt mỏi vì vậy không ít người chọn việc ăn hàng hoặc mua đồ ăn chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên đây chính là mối đe dọa tiềm ẩn dễ khiến mẹ bầu bị đau bụng do ăn phải thực phẩm kém vệ sinh.

Ngoài ra, việc bổ sung một số loại thuốc như canxi, sắt cũng khiến chị em bị đau bụng táo bón hoặc uống nhiều sữa lại gây đi ngoài tiêu chảy.

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài nguy hiểm đến mức nào? - 1

Mẹ bầu có thể bị đau bụng đi ngoài vào bất kể giai đoạn nào khi mang thai. (Ảnh minh họa)

Do nhiễm khuẩn

Mẹ bầu thường bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây đau bụng đi ngoài thông qua hai con đường là tay và miệng. Các virus, vi khuẩn thường gặp trong trường hợp này là E.Coli, Salmonella, Rotavirus. Các loại vi khuẩn này có thể sống trong các loại thực phẩm tươi sống hoặc thức ăn đã chế biến không hợp vệ sinh.

Khi bị nhiễm khuẩn đường ruột bà bầu có thể bị đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kéo dài từ 2-5 ngày, thậm chí là sốt.

Hệ tiêu hóa thay đổi khi mang thai

Trong thai kỳ, các hormone của thai phụ có sự thay đổi mạnh mẽ, điều này sẽ khiến cơ ruột được thả lỏng, làm quá trình tiêu hóa diễn ra chậm chạp, khó khăn hơn. Vì vậy, khi ăn quá no, hoặc ăn đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị khiến chị em bị đầy hơi, khó tiêu và đau bụng đi ngoài.

2. Bà bầu bị đau bụng đi ngoài có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài tiêu chảy hoặc táo bón đều ít nhiều gây khó chịu và làm chị em lo lắng đến sức khỏe của thai nhi.

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài nguy hiểm đến mức nào? - 2

Chị em bầu bí nên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn thường xuyên trong ngày. (Ảnh minh họa)

Mức độ tác động đến em bé còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng, mức độ đau bụng đi ngoài của thai phụ. Mức độ nhẹ, chị em chỉ đau bụng lâm râm, đau thành cơn nhẹ hoặc tiêu chảy đi ngoài 1-2 lần trong ngày rồi hết. Tuy nhiên, mức độ nặng hơn, các mẹ có thể đau quặn bụng, chướng bụng, đi ngoài phân có máu, nôn mửa và sốt.

Khi đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, mẹ bầu có thể mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của thai nhi cũng bị ảnh hưởng, khiến bé thiếu chất, chậm phát triển. Vì vậy, bà bầu bị đau bụng đi ngoài cần theo dõi số lần đi ngoài, đặc điểm của chất thải xem có dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp, bạn không biết cách xử lý tình trạng đau bụng đi ngoài tốt nhất mẹ bầu nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

3. Đau bụng đi ngoài, bà bầu nên làm gì?

Nếu bà bầu bị đau bụng đi ngoài ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng. Đặc biệt là khi chị em xác định được nguyên nhân là do ăn một loại thực phẩm nào đó thì có thể dừng ăn để theo dõi trong 1-2 ngày.

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài nguy hiểm đến mức nào? - 3

Bà bầu đau bụng đi ngoài không nên chủ quan. (Ảnh minh họa)

Khi bị tiêu chảy, trước hết mẹ bầu cần uống nhiều nước và bổ sung chất điện giải để bù lại phần nước bị hao hụt cho cơ thể.

Ngoài ra, chị em có thể ăn thêm 1 số thực phẩm giúp “cầm” tiêu chảy như ổi, cà rốt, nước gạo rang, bột sắn dây...

Trong trường hợp bà bầu bị đau bụng đi ngoài từ 5 lần/ ngày trở lên, cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn truyền tĩnh mạch hoặc sử dụng men tiêu hóa hoặc thuốc hỗ trợ tiêu hóa phù hợp.

Bên cạnh đó, để đề phòng tình trạng đau bụng đi ngoài cho phụ nữ mang thai, chị em cần hết sức lưu ý vấn đề vệ sinh – an toàn thực phẩm. Bạn nên rửa tay nhiều lần trong ngày để hạn chế các loại vi khuẩn gây bệnh. Ăn chín uống sôi, không nên ăn đồ tái sống, thực phẩm để lâu ngày hoặc chế biến sẵn không rõ nguồn gốc. Đồng thời, để tránh tạo áp lực cho hệ tiêu hóa, mẹ bầu nên ăn làm nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa từng ít một.

Bác sĩ Lê Thị Hải giải đáp câu hỏi: Sữa cho bà bầu loại nào tốt nhất?
Ths.Bs. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) cho rằng bà bầu không nhất thiết phải uống sữa bầu như nhiều người đang lầm tưởng.

Dinh dưỡng thai kỳ

Phương Thanh (Dịch từ Belly)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đau bụng khi mang thai