Trong thời gian mang thai nhiều mẹ bầu bị sổ mũi cảm thấy vô cùng lo lắng cho sức khỏe thai nhi.
Những nguyên nhân khiến bà bầu bị sổ mũi
* Viêm mũi thai kỳ
Một con số thống kê cho biết, trong thời gian mang thai có tới 30% thai phụ gặp phải hiện tượng chảy nước mũi, nghẹt mũi. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và phổ biến ở bà bầu mà không phải xuất phát từ nguyên nhân dị ứng hay bệnh nhiễm trùng. Do vậy, tình trạng này được gọi là viêm mũi thai kỳ.
Hiện tượng viêm mũi thai kỳ thường xuất hiện từ tháng thứ 2 của thai kỳ với biểu hiện nghẹt mũi, chảy nước mũi. Nó có thể diễn ra trong thời gian mẹ bầu ốm nghén rồi biến mất, hoặc xuất hiện trở lại vào giai đoạn cuối mang thai. Sau khi sinh, biểu hiện này sẽ hoàn toàn biến mất.
Nguyên nhân viêm mũi thai kỳ ở bà bầu là do trong thời kỳ mang thai, sự gia tăng của hormone estrogen khiến các màng mũi tiết nhiều dịch nhầy và sưng lên.
Bên cạnh đó, lưu lượng máu trong cơ thể của mẹ bầu tăng lên trong thai kỳ khiến các mạch máu nhỏ li ti trong màng mũi bị sưng phù và làm đường thở bị thu hẹp gây ra tình trạng sổ mũi, chảy nước mũi liên tục.
Có tới 30% thai phụ bị viêm mũi thai kỳ và đây là biểu hiện bình thường, không đáng lo.(Ảnh minh họa)
Ngoài biểu hiện nghẹt mũi, chảy nước mũi mẹ bầu không gặp phải những triệu chứng khác thì chị em không cần quá lo lắng, hoang mang đến sức khỏe của thai nhi, mặc dù tình trạng này sẽ khiến bạn thấy đôi chút khó chịu.
* Do bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh truyền nhiễm
Biểu hiện sổ mũi, ngạt mũi kèm theo ho, họng đau, hắt hơi liên tục, nước mũi có dịch vàng hoặc xanh, đau đầu nhẹ hoặc có dấu hiệu sốt cho thấy bà bầu đã bị mắc bệnh truyền nhiễm, dễ gặp phải là cảm cúm.Lúc này, mẹ bầu cần được thăm khám y tế càng sớm càng tốt để được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Ngoài việc giữ ấm cơ thể và vệ sinh mũi họng thật tốt, chị em tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống, kể cả thuốc nam, thuốc đông y.
* Viêm xoang
Nhiều chị em có tiền sử bị viêm xoang, khi thời tiết giao mùa hoặc thay đổi, các triệu chứng xoang sẽ xuất hiện “tấn công” mẹ bầu. Cụ thể là bà bầu bị sổ mũi, đau đầu, đau xương hàm, đau vùng mặt, khó khăn trong việc nhận biết mùi, mũi xuất tiết dịch nhầy vàng hoặc xanh.
Trong trường hợp này, trước khi mang thai, chị em cần có kế hoạch giữ gìn sức khỏe cũng như tư vấn bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng cũng như sản khoa để có biện pháp dự phòng hoặc chuẩn bị thuốc kịp thời trong trường hợp mẹ bầu lên cơn xoang.
* Dị ứng thai kỳ
Nếu bị dị ứng thai kỳ, mẹ bầu có thể bị sổ mũi, tắc mũi, chảy nước mũi liên tục kèm theo biểu hiện ho, hắt hơi, ngứa tai-mũi-họng, hoặc phát ban trên cơ thể. Hiện tượng dị ứng thai kì thường khó dự đoán, sau khi xuất hiện, tình trạng bệnh có thể đỡ chút ít hoặc trở nặng, hoặc là một biểu hiện của một bệnh dị ứng nào đó mà trước khi mang thai chị em chưa từng mắc phải.
Nếu bị ngứa, bạn cũng chỉ nên xoa nhẹ nhàng vùng da bị ngứa để giảm bớt khó chịu và nhanh chóng đi khám để tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
Bà bầu bị sổ mũi nên đi khám để được tư vấn sử dụng thuốc hợp lý. (Ảnh minh họa)
Bà bầu bị sổ mũi cần lưu ý điều gì?
Khi bà bầu bị sổ mũi cần làm gì vì tình trạng này kéo dài khiến chị em cảm thấy khó chịu, mệt mỏi thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tùy theo mức độ sổ mũi bạn cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc, đặc biệt là mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu.
- Để giúp dễ thở, giảm bớt hiện tượng ngạt mũi, chảy nước mũi, hàng ngày chị em nên nhỏ nước mũi, tốt nhất là nước muối sinh lý dạng phun sương để vệ sinh sạch hốc mũi.
- Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên tập thể dục đều đặn giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức đề kháng trước nguy cơ nhiễm bệnh ngày càng gia tăng.
- Tránh đến những nơi có không khí ô nhiễm hoặc thường xuyên sử dụng khẩu trang y tế nếu bạn là người mẫn cảm, có cơ địa dị ứng thời tiết vì nơi đông người, không khí khói bụi hoặc nơi có khói thuốc lá, mùi bia rượu, mùi hóa chất… đều là những tác nhân kích thích gây viêm mũi dị ứng khiến bà bầu bị sổ mũi nặng nề hơn.
- Khi ngủ nên kê cao gối. Ngoài ra, trong phòng ngủ của bà bầu có thể sử dụng thêm máy tạo độ ẩm nhưng cần vệ sinh máy thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho thai phụ.
- Với những giai đoạn thời tiết giao mùa thay đổi thất thường, khi đi ra ngoài, chị em bầu bí cần chuẩn bị sẵn áo khoác, khăn, áo mưa hoặc dù để đề phòng nhiễm lạnh, nhiễm nước mưa.
- Bà bầu cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh cảm cúm hoặc có dấu hiệu sổ mũi
Một vài mẹo trị sổ mũi cho bà bầu dễ thực hiện, hiệu quả cao
Nước chanh, mật ong giúp giảm nhanh tình trạng sổ mũi, đau họng và an toàn cho bà bầu. (Ảnh minh họa)
Bà bầu bị sổ mũi phải làm sao là thắc mắc của nhiều chị em khi gặp phải tình trạng đường hô hấp gặp biến chứng khó chịu. Thực tế việc sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, ngạt mũi tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra hậy quả khôn lường, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sử dụng thuốc điều trị với thai phụ cần hết sức thận trọng. Trong 1 số trường hợp, chị em có thể áp dụng những mẹo trị sổ mũi cho bà bầu an toàn mà hiệu quả dưới đây:
- Tắm hoặc xông mũi bằng rượu gừng: Biện pháp này giúp làm ấm cơ thể và thông mũi nhanh chòng. Bạn có thể nhỏ vài giọt rượu gừng vào nước chậu nước tắm hàng ngày, hoặc ca nước nóng rồi xông mũi. Cách làm này rất hiệu quả và phù hợp khi bà bầu bị sổ mũi vì thời tiết giao mùa, mưa lạnh.
- Sử dụng tỏi trong bữa ăn hàng ngày: Nếu bà bầu không ngại mùi hôi của tỏi thì đây chính là loại gia vị hữu hiệu có tác dụng đề phòng cũng như điều trị bệnh cảm cúm hiệu quả. Chị em có thể gia giảm việc dùng tỏi trong chế độ ăn hàng ngày của mình.
- Uống nước chanh: Một cốc nước chanh ấm cùng 1 thìa cà phê mật ong sẽ giúp giảm đau rát cổ họng và tình trạng mũi chảy dịch nhầy.
- Ăn canh gà: Canh gà rất tốt cho phụ nữ mang thai bị sổ mũi. Các nhà khoa học Mỹ cho biết các dưỡng chất trong thịt gà giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể nhanh chóng. Đặc biệt, nước canh gà có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng về đường hô hấp, cảm cúm.
>> XEM TIẾP: Mang bầu bị cảm cúm, mẹ trẻ "chết lặng" khi sinh con ra dị tật thế này
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |