Người phụ nữ đầu tiên có con sau khi được cấy ghép tử cung đã chia sẻ chuyện sinh con với hy vọng tiếp thêm niềm tin cho những bà mẹ kém may mắn khác.
Cô Malin Stenberg đã tạo lên kỳ tích khi là người phụ nữ đầu tiên sinh con nhờ cấy ghép tử cung.
Cô Malin Stenberg, 38 tuổi, biết mình không có tử cung từ nhỏ khi cô 15 tuổi và điều này có nghĩa là với cô việc mang thai, sinh nở là điều không tưởng. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra khi hiện tại cô là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới có con sau khi được cấy ghép tử cung. Bà mẹ U40 chia sẻ câu chuyện mang bầu và niềm hạnh phúc được làm mẹ để tiếp thêm hy vọng, niềm tin cho những người phụ nữ không có tử cung như cô.
“Bạn muốn có một gia đình với những đứa trẻ nhưng bạn không thể có con tự nhiên vì bất cứ lý do gì, thật là đáng buồn. Nhưng hạnh phúc là gia đình và điều này không loại trừ bạn có con bằng cách cấy ghép tử cung, xin con nuôi hay bất cứ cách nào khác. Đó là điều vô cùng kỳ diệu.”
Cách đây 3 năm, cô Malin Stenberg đã được cấy ghép tử cung từ một cụ bà 61 tuổi không còn cần đến tử cung nữa, trong chương trình cấy ghép tử cung tiên phong của Đại học Gothenburg, Thụy Điển. Và hơn 20 tháng trước đây, cô đã làm nên lịch sử khi cho ra đời cậu con trai khỏe mạnh tên là Vincent.
Cô Malin Stenberg và con trai khi bé vừa chào đời.
Cấy ghép tử cung cho người khiếm khuyết tử cung là phương pháp đã được thực hiện trước đó nhưng tất cả đều thất bại cho đến khi bé Vincent ra đời. Nhìn bé Vincent lớn lên từng ngày, bà mẹ 38 tuổi cho biết cô đã từng rất đau khổ và tuyệt vọng khi biết mình mắc hội chứng MRKH – một bệnh di truyền hiếm gặp khi người phụ nữ sinh ra đã không có tử cung.
“Chỉ nghĩ đến việc tôi sẽ không thể mang bầu, sinh con thôi là đã khiến tôi đau khổ đến thế nào. Tôi cảm thấy không một chút công bằng với mình. Tôi yêu trẻ con, tại sao tôi phải sống cô đơn?”, Malin Stenberg từng chia sẻ.
Thời gian đó, Malin Stenberg đã vùi mình vào công việc để tử bỏ chức năng làm mẹ và có một gia đình. Tuy nhiên mọi việc thay đổi khi cô gặp người chồng hiện tại của mình, anh Claes Nilsson, khi cô 30 tuổi. Malin đã nói rõ tình trạng bệnh tật của mình với chồng và anh hứa sẽ làm mọi cách để cặp đôi có được những đứa con.
Trước khi đến với chương trình tiên phong cấy ghép tử cung, cặp đôi đã tìm hiểu về việc nhận con nuôi hay nhờ dịch vụ đẻ thuê để có con. Malin nằm trong số 9 người phụ nữ được cấy ghép tử cung thời điểm đó. Hầu hết số phụ nữ trong chương trình này đều được cấp ghép tử cung của mẹ, nhưng riêng cô Malin được cấy ghép tử cung từ một người thân của gia đình, bà Ewa Rosen, 61 tuổi.
Sau khi cấy ghép tử cung thành công, cô Stenberg đã tiếp tục điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF và có thai ngay trong lần đầu tiên. Hai người đã có thời gian chăm sóc bụng bầu “nâng như nâng trứng” trước em bé ra đời sớm tới 2 tháng.
“Lần đầu tiên được ôm con trong tay, đó là cảm xúc rất tuyệt vời. Vậy là chúng tôi đã có một gia đình trọn vẹn.”, cô Malin hạnh phúc chia sẻ.
Hiện tại, người cho tử cung, bà Ewa Rosen chính là mẹ đỡ đầu của bé Vincent và họ có mối quan hệ rất thân thiết với nhau.
Hiện tại trên thế giới đã có 5 em bé ra đời bằng phương pháp cấy ghép tử cung.
Kể từ khi bé Vincent được sinh ra, đã có thêm 4 em bé nữa, gồm 3 bé trai và 1 bé gái - được sinh ra và nhiều đất nước khác cũng đã áp dụng phương pháp cấy ghép tử cung để những phụ nữ kém may mắn này có cơ hội được làm mẹ. Theo ước tính, có khoảng 15.000 phụ nữ ở Anh sinh ra không có tử cung hoặc tử cung bị cắt bỏ do ung thư hay những bệnh tật khác. Tuy nhiên, với những trường hợp đã sinh con 1 lần nhờ cấy ghép tử cung sẽ khó có cơ hội mang bầu lần 2 bởi việc này là quá nguy hiểm.