Ba tháng đầu – Nên và không nên

Ngày 09/08/2013 13:40 PM (GMT+7)

Chuyên gia Zita West mách chị em những điều nên và không nên làm khi mới mang thai.

Zita West - "Bà tiên" khoa sản

Ba tháng đầu – Nên và không nên - 1

Chuyên gia Zita West

Chuyên gia khoa sản Zita West được mệnh danh là "bà tiên" khoa sản với những cống hiến hết mình cho ngành sản khoa thế giới.

Với 30 năm trong nghề, bà đã từng làm việc với vai trò là một nữ hộ sinh, một chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ châm cứu, chuyên gia khoa sản và là tác giả của một số cuốn sách về sản khoa.

Đã có hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh tìm đến với chuyên gia Zita West để xin lời khuyên giúp nhanh có “tin vui” và cách chăm sóc thai kỳ cũng như chăm sóc trẻ sau sinh. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng như Công nương xứ Wale Diana, nữ bá tước xứ Wessex Sophie, nữ diễn viên Kate Winslet, Cate Blanchett, Stella McCartney và Davina McCall... đều đã từng nhờ sự giúp đỡ của bà.

9 tháng mang thai là những trải nghiệm vô cùng thú vị nhưng đi kèm với đó, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nhất là trong ba tháng đầu. Đầu tiên sẽ là cảm giác khó chịu là mệt mỏi khi cơ thể có thêm sự xuất hiện của một thành viên nữa. Tiếp theo đó là cảm giác lo lắng, bất an cho sức khỏe thai kỳ cũng như sự phát triển của em bé. Đã không ít lần bạn thắc mắc, ăn món này có an toàn cho thai nhi không, hay hành động này có gây hại cho thai kỳ?... Chuyên gia khoa sản Zita West sẽ mách chị em những điều nên và không nên làm trong quý một thai kỳ để mẹ và bé cùng khỏe mạnh nhất!

KHÔNG “yêu” quá cuồng nhiệt

“Chuyện yêu trong 3 tháng đầu thai kỳ vẫn có thể diễn ra tuy nhiên các cặp đôi cần chú ý phải nhẹ nhàng. Nếu chị em từng có tiền sử sảy thai hoặc bị chảy máu thai kỳ thì nên hạn chế đến mức tối đa nhé. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khám thai cho mình để biết mình có thể giao hợp hay không. Các cặp đôi nên ưu tiên sự an toàn của thai kỳ là trên hết.”, chuyên gia Zita nói.

Ba tháng đầu – Nên và không nên - 2
Chuyện yêu trong 3 tháng đầu thai kỳ vẫn có thể diễn ra tuy nhiên các cặp đôi cần chú ý phải nhẹ nhàng. (ảnh minh họa)

KHÔNG uống cà phê

“Phụ nữ mang thai tốt hơn hết là nên tránh uống cà phê”, chuyên gia Zita nói. Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh khuyên chị em mang bầu không nên uống quá 200mg caffeine mỗi ngày – tương đương 2 ly cà phê hòa tan. Caffeine còn có trong sô-cô-la và nước giải khát nên chị em bầu nên hạn chế nhé.

KHÔNG căng thẳng

Rất nhiều mẹ bầu thường có tâm lý lo lắng về sức khỏe thai nhi, về trách nhiệm làm mẹ trong tương lai. Điều này sẽ gây hại cho thai nhi đấy. Tốt hơn cả, chị em nên tạo tâm lý thoải mái, tránh công việc gây áp lực, căng thẳng và dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn.

KHÔNG nhuộm tóc

Theo các nghiên  cứu khoa học, các hóa chất nguy hiểm trong thuốc nhuộm tóc có thể gây hại cho mẹ bầu. Tuy nhiên, trường hợp xấu chỉ xảy ra khi bạn tiếp xúc với một liều lượng lớn. Nguy cơ này dễ xảy ra nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy, để an toàn cho thai nhi, chị em nên kiềm chế mong muốn làm đẹp hết 3 tháng đầu nhé. Khi sử dụng thuốc nhuộm tóc, bạn nên chú ý chọn loại thuốc có thành phần từ thiên nhiên.

Ba tháng đầu – Nên và không nên - 3
Các hóa chất nguy hiểm trong thuốc nhuộm tóc có thể gây hại cho mẹ bầu. (ảnh minh họa)

KHÔNG ăn đồ tái sống

Đồ ăn tái sống như trứng sống, sushi, đồ nướng tái… là thực phẩm cấm kị khi mang thai vì nó có chứa ký sinh trùng như sán dây – loại ký sinh trùng này có thể lấy đi những chất dinh dưỡng quan trọng. Đồng thời mẹ bầu cũng có thể bị nhiễm khuẩn listeria. Chuyên gia Zita cho rằng phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn listeria hơn người bình thường đến 20 lần. Vì vậy chị em cần đặc biệt lưu ý.

KHÔNG tiếp xúc hóa chất

Những hóa chất độc hại có trong thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu có chứa thành phần diethyltoluamide có thể hấp thụ qua da của mẹ bầu và ảnh hưởng đến thai nhi. Loại hóa chất trên sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của bé. Vì vậy, mẹ bầu nên tránh xa. Trong trường hợp công việc của bạn phải tiếp xúc với những loại hóa chất này, chị em cần xem xét để chuyển sang công việc khác trong thời gian mang thai.

NÊN tập thể dục

“Tập thể dục có rất nhiều lợi íc cho thai kỳ”, chuyên gia Zita nói. Tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ giúp mẹ bầu bớt mệt mỏi, nặng nề mà còn giúp tâm lý thoải mái, khỏe mạnh và dễ dàng sinh nở. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý chọn môn thể thao phù hợp với từng quý thai kỳ và không được tập luyện quá sức.

Ba tháng đầu – Nên và không nên - 4
Ngay khi que thử thai lên hai vạch, bạn cần đi khám thai ngay để được xác định chính xác thông tin này. (ảnh minh họa)

NÊN khám thai thường xuyên

Ngay khi que thử thai lên hai vạch, bạn cần đi khám thai ngay để được xác định chính xác thông tin này. Bác sĩ cũng sẽ là người hướng dẫn bạn cách ăn uống, tập thể dục và thay đổi lối sống sao cho có lợi nhất cho thai kỳ. Tuần 12 của quý 1 thai kỳ là thời điểm khám thai quan trọng, mẹ bầu không được bỏ qua nhé!

NÊN ăn uống cân bằng

Theo chuyên gia sản khoa Zita, những gì một người phụ nữ mang thai thực sự cần là một chế độ ăn uống cân bằng với những thành phần bổ sung để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Bạn cần phải tiêu thụ thêm khoảng 300 calo mỗi ngày. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều vì sẽ làm cho bạn dễ bị béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và khiến cho em bé quá to. Sản phụ cũng nên bổ sung thêm protein, sắt và canxi cho chế độ ăn uống hiện tại của mình.

NÊN uống thêm thuốc bổ

Hầu hết các bác sĩ khám thai cho bạn sẽ khuyên bạn cần bổ sung thêm acid folic trong 3 tháng đầu thai kỳ, thậm chí là trước khi mang thai để tránh nguy cơ thai nhi bị khuyết tật ống thần kinh. “Tôi cũng khuyên bạn nên bổ sung thêm DHA, omega-3 có trong cá và dầu cá vì nó rất quan trọng cho tủy sống và sự phát triển não bộ”, bà Zita nói. Ngoài ra, mẹ bầu nên cố gắng ăn nhiều những loại trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa.

Phong Lan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mang thai 1-3 tháng