"Bởi vì tôi là phụ nữ nên tôi biết người phụ nữ mà không có con là điều rất bất hạnh. Đó chính là động lực để chúng tôi vững bước hơn trên con đường làm nghề chữa trị hiếm muộn, vô sinh của mình", bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Nhã chia sẻ.
Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội hầu như lúc nào cũng “đông đúc”, có những gương mặt bệnh nhân còn khá trẻ, nhưng cũng có những người phụ nữ đã bước vào tuổi ngoại tứ, ngũ tuần. Họ vào đây với chung một mục đích, đó là tiếp nối hoặc bắt đầu hành trình tìm kiếm một đứa con thơ.
Và một trong số những người luôn sát cánh, ươm mầm cho ước mơ của những người phụ nữ được lên chức mẹ ấy là Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tại đây, người ta hay gọi bác sĩ với cái tên thân mật là "cô Nhã", "chị Nhã" và thậm chí là "mẹ Nhã" bởi chính bác sĩ là người đã có công tạo ra hàng trăm, hàng nghìn đứa con mà chính chị cũng không đếm hết.
Được biết đến là một bác sĩ chữa hiếm muộn khá “mát tay”. Vậy cơ duyên đến với nghề của bác sĩ như thế nào?
Từ những ngày còn đang ngồi trên giảng đường đại học, do chị gái tôi cũng đã từng bị hiếm muộn nên bản thân rất trăn trở muốn tìm hiểu về chuyên ngành này. Tuy nhiên, thực tế ngày đấy hiểu biết về khoa học cũng như về vô sinh hiếm muộn còn hạn chế, nhất là ở những tỉnh phía Bắc, chính vì thế tôi thấy đó là một sự bế tắc.
Năm 2005, khi được lãnh đạo gọi lên bảo cho đi học hiếm muộn, tôi đã rất vui. Mặc dù hoàn cảnh lúc đó khó khăn, con còn nhỏ, nhưng tôi hiểu đó là cơ hội để mình tìm hiểu sâu về chuyên ngành mà bản thân đã trăn trở bao nhiêu năm nay. Mặc dù ngày ấy đi lại giữa Hà Nội và Thành phố HCM không dễ dàng như bây giờ, tôi vẫn quyết định dứt áo ra đi.
Đầu tiên cũng không mong là mình sẽ làm được gì nhiều, chỉ nghĩ cố gắng tìm hiểu để biết sao người nhà mình bất hạnh như vậy và hy vọng có hiểu biết để tìm cách chữa trị.
Khi mới bắt đầu, khó khăn nhất với bác sĩ là gì?
Đến bây giờ thì tôi không nói làm gì, nhưng lúc đầu khi vừa đi học về có rất nhiều khó khăn. Bởi vì đây là một chuyên ngành rất mới, đòi hỏi không phải chỉ một, hai người làm được mà là cả một ekip. Thứ hai nữa phải có một cơ sở vật chất đầy đủ thì mình mới triển khai được, thế nên cũng rất chật vật trong những giai đoạn đầu tiên.
Lúc đó bệnh viện rất khó khăn, cơ sở vật chất không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều, con người cũng vậy thôi, cũng phải lần lượt đi "đào" hết người này đến người kia, bao giờ đủ 1 ekip thì chúng tôi mới có thể triển khai được.
Nhất là bệnh viện tôi lại là bệnh viện ngành, nhiều người dân lúc đó nếu nói rằng đến Bệnh viện Bưu điện để khám hiếm muộn thì chắc là không nghĩ đến, vì thế mà thực sự bước khởi đầu của chúng tôi vô cùng khó khăn.
Điều gì khiến bác sĩ dành hết tâm huyết với nghề?
Điều khiến tôi tâm huyết nhất với nghề chính là nhìn thấy bệnh nhân của mình hạnh phúc, bởi vì tôi là phụ nữ nên tôi biết người phụ nữ mà không có con là điều rất bất hạnh. Đấy là động lực để chúng tôi vững bước hơn trên con đường của mình.
Chữa hiếm muộn khá nhiều năm, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, chắc hẳn phải có những trường hợp để lại ấn tượng đặc biệt cho bác sĩ?
Rất nhiều, bởi vì làm chuyên ngành hiếm muộn tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có nhiều bạn may mắn, đến chữa là được ngay. Nhưng cũng không ít người phải chật vật đi khám rất nhiều nơi, cuối cùng mới may mắn tìm được điểm đỗ.
Có những người lớn tuổi đã đi chữa nhiều nơi rồi vô tình khi đến chỗ tôi thì lại thành công. Như chị Phúc ở Hà Nội chẳng hạn, ngay lần đầu chuyển phôi chị ấy có ngay một em bé, hiện giờ cháu được gần 2 tuổi rồi.
Và tôi đặc biệt ấn tượng với một bạn khoảng 38, 39 tuổi vừa mới sinh xong gần đây vì hành trình tìm con rất vất vả. Khi biết khó có con từ cách đây 10 năm, nhà có điều kiện nên bạn ấy đã ra nước ngoài làm 3, 4 lần rồi lại về nước làm thêm một vài lần mà chưa thành công.
Khi đến gặp tôi, dự trữ buồng trứng của bạn ấy gần như không còn. Tôi đã khuyên nên đi xin trứng nhưng bạn không đồng ý, chỉ bảo cô cố gắng giúp cháu, cháu muốn lấy trứng của chính mình. Lần đầu tiên kích trứng không được một quả nào. Sau 5 ngày, tôi buộc phải dừng chu kì. Dù vậy nhưng lúc nào bạn ấy cũng vui, cũng cười, thất bại cũng cười, bảo cháu về bồi dưỡng rồi lại chiến đấu tiếp.
Lần thứ hai kích trứng, bạn ấy được hai quả và tạo thành công một phôi. Sau đó chuyển phôi, bạn ấy mang thai nhưng rồi thai sinh hóa, không phát triển. Lúc đó chính tôi cũng buồn, vậy mà không hiểu bạn ấy giấu nỗi buồn trong lòng thế nào. Khi gặp bác sĩ vẫn vui cười bảo cháu thất bại thì làm lại. Đến lần thứ 3 thì may mắn mới mỉm cười với bạn ấy. Lần đó kích được 4 quả trứng và chúng tôi làm được 3 phôi, thực hiện chuyển hai phôi, còn một phôi trữ.
Khi chữa vô sinh, hiếm muộn, tâm lý là yếu tố rất quan trọng. Đôi khi chính niềm tin mãnh liệt của người mẹ sẽ đưa may mắn đến.
”Có thể thấy trong điều trị vô sinh, hiếm muộn thì tâm lý rất quan trọng?
Đúng vậy. Tôi vẫn nói với bệnh nhân khi điều trị vô sinh hiếm muộn, tâm lý rất quan trọng. Trở lại với câu chuyện ở trên, tôi không hiểu vì sao mà những lần trước bạn ấy lại không thành công, cũng có thể lúc đó căng thẳng nên từ hồi còn trẻ, bạn ấy chưa bao giờ có thai một lần nào.
Nhiều lúc tôi nghĩ bản thân mình cũng không lý giải được vì sao thất bại nhiều như thế mà không bao giờ thấy bạn ý buồn cả và cũng không than thở với bác sĩ, chỉ bảo cháu vẫn quyết tâm, cô cứ giúp cháu đi, cháu vẫn chiến đấu đến cùng. Tôi nghĩ chính niềm tin đã đưa may mắn đến với người mẹ này.
Tinh thần bệnh nhân lạc quan như vậy chắc hẳn cũng sẽ tạo động lực cho bác sĩ trong quá trình điều trị?
Thực sự điều trị hiếm muộn gây áp lực rất lớn đối với bác sĩ. Khi mà bệnh nhân báo là có thai thì chúng tôi rất vui, bệnh nhân thất bại thì buồn. Ví dụ bệnh nhân họ lạc quan, vui vẻ, họ không than thở, không buồn rầu thì bác sĩ cũng đỡ áp lực nhưng nếu bệnh nhân thất vọng, chán chường thì mình lại càng thấy áp lực hơn.
Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Vậy là người ươm mầm cho thiên chức ấy thì cảm xúc của bác sĩ thế nào?
Nhiều lần tôi đã nói với các đồng nghiệp "bệnh nhân có thai mà cứ như là mình có thai". Có những hôm đang rất mệt mỏi nhưng các bạn điện thoại đến báo có thai, bỗng bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Tự nhiên mình được tăng thêm sức mạnh, phấn chấn và khỏe hẳn lên.
Khi thành công thì người vui mừng nhất đương nhiên là bệnh nhân. Có những người đến đây còn khóc vì quá hạnh phúc nhưng mình vẫn thương. Đó là bởi làm IVF áp lực rất lớn nên khi có thai họ có vui cũng phải nén lại vì biết còn cả chặng đường phía trước. Khi sinh rồi thì cảm xúc mới thực sự vỡ òa.
Nhiều người thường nhắc đến bác sĩ với những tên gọi thân thiết và coi bác sĩ như người nhà, là “mẹ nuôi”, "bà mẹ của trăm đứa con", chắc hẳn bác sĩ rất vui và tự hào?
Tôi vui chứ, rất vui. Tết vừa rồi có nhiều bạn gọi điện đến cho tôi, nhất là những bạn đã đứng tuổi, rồi cứ đưa điện thoại cho con gọi điện bảo “con chào mẹ đi”. Nghe vậy vừa xúc động, vừa hạnh phúc. Tôi vẫn nhớ cô bé Tường Vy, con chị Phúc ở Hà Nội, mới được 2 tuổi . Khi được đưa đến nhà tôi chơi, lúc bố mẹ về bé lại không chịu về, cừ đòi ở lại. Tự nhiên tôi cảm thấy có lẽ giữa mình và cô bé cũng có sợi dây tình cảm nào đó chăng. (cười)
Khi được nhiều người tin tưởng, ngày càng có nhiều bé gọi là mẹ nuôi thì bác sĩ có cảm thấy áp lực hơn không?
Vì cũng là phụ nữ nên tôi hiểu người phụ nữ không có con bất hạnh thế nào. Đó chính là động lực để chúng tôi vững bước hơn trên con đường làm nghề.
”Có chứ. Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp là bây giờ tỷ lệ thành công cao so với ngày xưa, ở cả trung tâm tôi và các nơi khác cũng vậy. Nhưng kể cả thành công đến 90% đi chăng nữa thì 10% còn lại vẫn là sự thất bại. Và với mình thì là 10%, nhưng với mỗi bệnh nhân thì sự thất bại đó là 100%.
Chính vì thế nên mong muốn của chúng tôi là ai chữa trị cũng thành công. Nhưng cho đến bây giờ khoa học cũng chỉ dừng lại được ở mức như vậy thì mình chỉ biết cố gắng hết sức thôi.
Trong quy trình làm IVF, tất cả các khâu tạo thành một vòng tròn khép kín, chỉ cần một khâu bị hỏng là hỏng hết luôn. Vì vậy, tôi luôn động viên tất cả các bạn phải thường xuyên trau dồi kiến thức để đem kĩ thuật tốt nhất áp dụng cho bệnh nhân, tăng tỉ lệ thành công cho họ.
Mỗi một việc làm hàng ngày của mình, mỗi một động tác mà mình làm, mình phải nghĩ rằng nó sẽ ảnh hướng đến sự thành công của bệnh nhân như thế nào. Và giả sử mình chỉn chu một chút thì có khi người ta thành công, mình chỉ cần lơ là một chút có thể dẫn đến sự thất bại. Vì thế tôi luôn luôn phải nhắc nhở các bạn khi làm bất kỳ một thao tác nào, hãy nghĩ đây là việc của mình, như đứa con của mình nên cần nâng niu nó để làm sao đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu được lựa chọn lại, bác sĩ vẫn sẽ lựa chọn chuyên ngành này chứ?
Tôi luôn luôn yêu nghề này, cho dù bao nhiêu lần lựa chọn tôi vẫn chọn nghề này và sẽ tiếp tục cống hiến hết khả năng của mình.
Xin cảm ơn bác sĩ! Chúc chị thật nhiều sức khỏe để tiếp tục ươm mầm cho những ước mơ của những người phụ nữ còn đang trong hành trình tìm con.