Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi có vấn đề về tiêu hóa

Ngày 24/02/2025 14:57 PM (GMT+7)

Duy trì chế độ ăn uống với các loại thực phẩm dễ tiêu có lợi cho những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, giúp phục hồi đường ruột sau các vấn đề về đường tiêu hóa. Vậy nên ăn và nên tránh thực phẩm nào?

1. Ai cần ăn thực phẩm dễ tiêu hóa?

Khi có vấn đề về đường tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, các chuyên gia tiêu hóa khuyên mọi người nên chú ý chế độ ăn uống và lựa chọn thực phẩm. Cần ưu tiên các thực phẩm lành mạnh giàu dinh dưỡng, dễ tiêu và dễ hấp thụ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Đây là biện pháp tự nhiên quan trọng giúp cân bằng và phục hồi chức năng tiêu hóa và đường ruột khỏe mạnh.

Chế độ ăn chủ yếu các thực phẩm dễ tiêu hóa thường được khuyến nghị cho những người bị rối loạn tiêu hóa như những người bị viêm dạ dày, ruột, hội chứng ruột kích thích hoặc đang điều trị các tình trạng như loét và trào ngược acid vì hệ tiêu hóa đang bị tổn thương cần được hồi phục.

Đối với những người mới phẫu thuật, cơ thể cần nhiều năng lượng để hồi phục nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu sẽ giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Người bị rối loạn tiêu hóa cần chú ý lựa chọn thực phẩm để phục hồi đường tiêu hóa.

Người bị rối loạn tiêu hóa cần chú ý lựa chọn thực phẩm để phục hồi đường tiêu hóa.

2. Một số thực phẩm dễ tiêu hóa nhất

Những thực phẩm dễ tiêu hóa nhất là những thực phẩm ít chất xơ và chất béo vì những chất dinh dưỡng này mất nhiều thời gian hơn để phân hủy. Thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản cũng được hấp thụ nhanh và cung cấp năng lượng ngay lập tức. Một số thực phẩm dễ tiêu hóa nhất bao gồm:

- Cháo, súp: Mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa.

- Cơm trắng nấu mềm: Dễ tiêu hóa hơn cơm gạo lứt.

- Thịt gà luộc, cá hấp: Protein dễ tiêu hóa.

- Bánh mì trắng: Dễ tiêu hóa hơn bánh mì nguyên hạt.

- Khoai lang, khoai tây: Chứa nhiều tinh bột, dễ tiêu hóa.

- Chuối: Mềm, dễ tiêu hóa, giàu kali.

- Táo: Gọt vỏ, bỏ hạt để dễ tiêu hóa hơn.

3. Bổ sung thực phẩm tăng cường sức khỏe đường ruột

Đường ruột khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Khi có vấn đề về tiêu hóa cũng có nghĩa là đường ruột bị ảnh hưởng. Để phục hồi sức khỏe đường ruột, cần loại bỏ những thực phẩm gây khó chịu và làm tổn thương niêm mạc ruột, bổ sung các thực phẩm thúc đẩy phát triển các vi sinh vật có lợi trong đường ruột.

Những vi sinh vật có lợi trong đường ruột giúp phân hủy thức ăn, sản xuất các enzyme tiêu hóa và tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

Để cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngoài chế độ ăn đủ chất, cân bằng với 4 nhóm thực phẩm chúng ta cần chú ý ăn nhiều rau xanh, quả chín. Ngoài ra, có thể bổ sung các chế phẩm lên men như: kim chi, các chế phẩm từ sữa lên men như sữa chua.

Ăn sữa chua giúp tăng vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Ăn sữa chua giúp tăng vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

4. Những thực phẩm nên tránh khi có vấn đề về tiêu hóa

Một số loại thực phẩm khó tiêu hóa và gây khó chịu, đặc biệt đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm bao gồm:

Thực phẩm chiên và nhiều dầu mỡ: Hàm lượng chất béo cao làm chậm quá trình tiêu hóa, gây đầu hơi, chướng bụng và khó chịu ở dạ dày.

Thức ăn cay: Gây kích ứng đường tiêu hóa và gây khó tiêu.

Ngũ cốc nguyên hạt: Mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng hàm lượng chất xơ cao trong các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể dẫn đến khó tiêu đối với một số người.

Các loại đậu: Các loại đậu chứa đường phức hợp có thể gây đầy hơi và chướng bụng.

Sản phẩm từ sữa: Đối với những người không dung nạp lactose, uống sữa thường gây đầy hơi và tiêu chảy.

Thực phẩm chế biến và siêu chế biến: Thường chứa các chất phụ gia và chất bảo quản cơ thể khó phân hủy.

Thịt chế biến: Chứa nhiều chất béo, natri và chất bảo quản khiến cơ thể khó tiêu hóa hơn.

Thực phẩm có tính acid: Thực phẩm như trái cây họ cam quýt và cà chua có tính acid gây trào ngược và khó chịu.

Chất tạo ngọt nhân tạo: Có thể gây đầy hợi và khó tiêu ở một số người.

Đồ uống có gas: Thường đưa khí dư thừa vào đường tiêu hóa dẫn đến đầy hơi.

Rượu: Có thể gây kích ứng đường tiêu hóa và phá vỡ cân bằng vi khuẩn đường ruột.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đầy bụng khó tiêu do ăn đồ dầu mỡ, mẹo xử lý ngay tại nhà hiệu quả.

Đâu là cách phòng bệnh cúm cho trẻ trong độ tuổi đến trường hiệu quả nhất? Hóa ra cực đơn giản nhưng ít trẻ làm
Trẻ đang độ tuổi đi học là nhóm dễ bị mắc cúm nhất, đặc biệt khi không có biện pháp phòng bệnh, cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Sức khỏe giao mùa

Theo Thu Phương
Nguồn: [Tên nguồn]24/02/2025 13:35 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh