Đâu là cách phòng bệnh cúm cho trẻ trong độ tuổi đến trường hiệu quả nhất? Hóa ra cực đơn giản nhưng ít trẻ làm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/02/2025 13:00 PM (GMT+7)

Trẻ đang độ tuổi đi học là nhóm dễ bị mắc cúm nhất, đặc biệt khi không có biện pháp phòng bệnh, cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Cúm là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp nên rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là ở trong điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay. Trong số đó, nhóm trẻ đang độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc bệnh cao, dễ bị biến chứng hơn cả, do vậy việc tăng cường phòng cúm trong nhà trường là điều rất quan trọng.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ đang học mầm non và tiểu học sức đề kháng còn kém, trẻ chưa ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ bản thân trước những tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, trường học là môi trường cộng đồng, trẻ dễ dàng tiếp xúc với nhau qua quá trình vui chơi, học tập do vậy nguy cơ lây lan bệnh là rất cao.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, với lứa tuổi học sinh, cũng như các nhóm tuổi khác (từ 6 tháng trở lên) thì biện pháp đầu tiên đó là phải tiêm vắc xin phòng cúm theo khuyến cáo của nhà sản xuất và ngành y tế. Riêng với nhóm tuổi học sinh, gia đình và nhà trường phải đặc biệt lưu ý về việc hướng dẫn trẻ luôn chủ động phòng cúm.

Đeo khẩu trang khi trẻ đến trường sẽ phòng được các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm mùa. Ảnh minh họa.

Đeo khẩu trang khi trẻ đến trường sẽ phòng được các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm mùa. Ảnh minh họa. 

Theo đó, cách phòng bệnh đơn giản, dễ làm và không tốn kém nhất đó là đeo khẩu trang khi đến trường, nhất là trong các hoạt động tập thể, vui chơi. Bởi cúm lây qua đường hô hấp, nếu người lành hít phải các giọt bắn có chứa virus của người bệnh thì nguy cơ lây là rất cao. Khi đó khẩu trang sẽ là “tấm khiên” giúp ngăn chặn sự lây lan của virus từ người bệnh sang người lành. Quá trình sử dụng có thể dùng khẩu trang vải hoặc khẩu trang dùng một lần.

Ngoài ra, hiện các nhà trường đã trang bị đầy đủ các điểm rửa tay công cộng, rửa tay trong nhà vệ sinh. Do vậy, hãy nhắc nhở và hướng dẫn trẻ luôn ý thức trong việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh. Hạn chế chạm vào các vật chung gian như tay nắm cửa, vì đây là nơi chứa nhiều virus, có thể lây bệnh.

Ngoài hai biện pháp đơn giản, dễ thực hiện trên, nhà trường cũng cần phải chủ động trong việc phòng bệnh. Theo đó, cần thường xuyên lau chùi các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào. Tại đây phải cung cấp khăn giấy, xà phòng, chà tay bằng cồn và khăn lau dùng một lần. Yêu cầu học sinh hay nhân viên của nhà trường nếu bị bệnh cần nghỉ học, nghỉ làm để cách ly tránh không bị lây nhiễm.

Tại gia đình và nhà trường, cần tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh cho học sinh trong mọi thời điểm, không cần đợi có dịch mới lo phòng bệnh. Theo đó, hàng ngày nên sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, mắt (bằng dung dịch Natriclorid 0,9%), họng (súc miệng Fluor ở trường đầy đủ hoặc nước muối pha loãng ở nhà).

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên cũng là cách bảo vệ trẻ không mắc cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp. Ảnh minh họa.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên cũng là cách bảo vệ trẻ không mắc cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp. Ảnh minh họa. 

Tại trường học cần đảm bảo nơi ở, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong trường học bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn 70 độ… Do cúm thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, vì thế cần cho trẻ mặc ấm, uống đủ nước cũng là một cách phòng bệnh từ xa.  

Học sinh cần được ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể. Theo khuyến cáo, trẻ cần bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là những dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch, bao gồm:

- Chất đạm từ cá, tôm, thịt, trứng,... Tùy thuộc vào lứa tuổi mà nhu cầu của trẻ cũng sẽ khác nhau.

- Vitamin C cũng là yếu tố giúp miễn dịch khỏe mạnh hơn. Vitamin C thường có nhiều trong các loại quả họ cam, quýt, dâu tây, rau cải xoăn, ổi hay ớt chuông đỏ.

- Vitamin A: Mẹ có thể bổ sung vitamin A cho trẻ từ một số loại rau xanh như  rau cải bó xôi, súp lơ, bí đỏ.

- Bổ sung sắt thông qua các loại thịt cá, gan, sò, hàu, các loại rau xanh đậm.

- Cho trẻ uống sữa và ăn một số sản phẩm từ sữa.

Làm sao để giúp trẻ phòng bệnh giao mùa tốt nhất, khi trẻ mắc bệnh có nên cho uống sữa để tăng đề kháng không?
Khi thời tiết giao mùa, để trẻ không mắc bệnh thì việc tăng đề kháng cho trẻ là vô cùng quan trọng, nhưng cần phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện...

Sức khỏe giao mùa

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]24/02/2025 11:50 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe giao mùa