Bác sĩ phụ sản tiết lộ dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần biết

Ngày 14/05/2019 16:04 PM (GMT+7)

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Hồ Cao Cường, sinh non thường xảy ra từ tuần 20 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ, xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau đến từ bản thân các bà bầu, từ thai nhi, phần phụ của thai và từ tác động xung quanh.

Bác sĩ phụ sản tiết lộ dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần biết - 1

Tác giả bài viết: Bác sĩ CKII Hồ Cao Cường - Sản phụ khoa - Bệnh viện Mỹ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh)

Bác sĩ phụ sản tiết lộ dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần biết - 2

BS CKII Hồ Cao Cường - Bệnh viện Mỹ Đức

Việc nhận biết sớm dấu hiệu sinh non là việc rất quan trọng để có hướng xử trí kịp thời. Nhận diện sớm dấu hiệu sinh non, bác sĩ sẽ giúp mẹ tăng khả năng giữ con trong bụng mẹ cho tới thời điểm con có thể sống khoẻ nhằm tránh các biến chứng nặng do non tháng gây ra như: suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, viêm ruột hoạt tử, dị tật bẩm sinh tim, bại não, các bệnh lý về mắt ...

Dấu hiệu sinh non ở bà bầu dễ phát hiện nhất

- Xuất hiện các cơn co tử cung bất thường

Các cơn co là một trong những biểu hiện của việc sinh non. Tuy nhiên các mẹ cũng phải phân biệt các cơn co sinh lý xuất hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Những cơn co này thường nhẹ và thưa, không gây đau, thai phụ chỉ cảm giác thỉnh thoảng có những cơn co cứng bụng nhẹ thoáng qua.

Các cơn co tử cung bất thường có các đặc điểm như sau:

+ Đều đặn: nó luôn xuất hiện đều đặn từng hồi hay từng đợt như sóng biển vỗ bờ, bắt đầu mới khởi sự thì khoảng cách mỗi 10 – 15 phút có 1 cơn co, sau đó càng ngày khoảng cách giữa các cơn co gần hơn, cơn co nhiều hơn.

+ Cơn co tử cung đến không tự ý và không phụ thuộc vào tư thế: có nghĩa là cơn co tử cung xuất hiện ở bất kỳ tư thế nào của mẹ bầu nằm hay ngồi, nhằm phân biện một số trường hợp mẹ bầu có cảm giác là có cơn co khi đi lại nhưng khi nằm nghỉ thì lại hết.

+ Cơn co tử cung tăng lên từ từ và gây đau: mới bắt đầu thai phụ cảm giác căng cứng toàn bộ bụng bầu, cảm giác này tăng lên có thể gây khó thở nhẹ và cảm giác đau xuất hiện tăng dần sau đó, cảm giác đau giảm dần cho đến khi hết đau và bụng mềm dần trở lại và thai phụ cảm giác bình thường giữa các cơn co.

+ Mỗi khi có cơn co xuất hiện, mẹ bầu cảm giác tì đè, thốn, mắc tiểu hoặc mắc đi cầu là do ngôi thai đang đi xuống thấp.

Bác sĩ phụ sản tiết lộ dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần biết - 3

Nhận diện sớm dấu hiệu sinh non, bác sĩ sẽ giúp mẹ tăng khả năng giữ con trong bụng mẹ cho tới thời điểm con có thể sống khoẻ. Ảnh minh họa

- Ra huyết âm đạo

Khi có cơn co tử cung kèm theo ra máu âm đạo là do hiện tượng bóc tách các mạch máu vùng cổ tử cung trong quá trình cổ tử cung mở ra. Dân gian hay gọi là máu báo, nó giống hình ảnh “máu cá” là chất dịch nhầy hồng sậm.

- Tăng tiết dịch âm đạo

Trong thai kỳ, cơ thể của mẹ bầu thay đổi dưới tác động của nội tiết tố của thai kỳ, nhất là vùng âm đạo, vùng âm đạo thường tăng tiết dịch nhầy hơi nhiều hơn bình thường, dịch nhầy này thường màu trắng hoặc hơi ngả vàng và không hôi. Nếu mẹ bầu thấy dịch ra nhiều hơn so với thường ngày, đặc biệt là dịch trắng trong như nước tiểu thì đi khám ngay để bác sĩ loại trừ hiện tượng rỉ hay vỡ ối.

- Đau thắt lưng

Khi thấy có những cơn đau vùng thắt lưng đều đặn khi xuất hiện cơn co tử cung đặc biệt là với trường hợp trước đó chị em ít khi bị đau lưng thì có thể là dấu hiệu của việc bà bầu sẽ sinh non. Nếu hiện tượng đau lưng của các mẹ kèm theo cả 3 hiện tượng trên thì bà bầu thực sự cần lời khuyên của bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

- Vỡ nước ối

Hiện tượng này thì tùy từng người, có người vỡ nước ối, nước ối ra ào ào thì dễ phát hiện. Tuy nhiên có những mẹ chỉ rỉ ối, nước ối chỉ rỉ ra nhỏ giọt nên khó phát hiện, do đó để không bỏ sót, mẹ bầu nếu thấy có cảm giác ẩm ướt nhiều hơn so với mọi ngày giống như són tiểu nên cần tới ngay bệnh viện để được bác sĩ khám và chẩn đoán và xử trí kịp thời, nếu để vỡ hay rỉ ối lâu không phát hiện sẽ gây nhiễm trùng ối rất nguy hiểm cho tính mạng mẹ và con.

Nguyên nhân đẫn đến sinh non

Các bệnh lý trên cơ thể như mẹ bị mắc bệnh u xơ tử cung to, u buồng trứng to, bệnh tim nặng, tiểu đường, thiếu máu nặng, cường giáp, mẹ thiếu cân, nhiễm trùng đường sinh dục, đa thai, đa ối, nhiễm trùng ối, tiền sản giật, sản giật v.v…

- Các bất thường ở tử cung

Các bất thường tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai nhi có nguy cơ sinh sớm hơn 37 tuần tuổi, bao gồm: hở eo tử cung, dị tật bẩm sinh tử cung (tử cung đôi, tử cung 1 sừng, vách ngăn tử cung...), v.v…

- Đa thai

Tử cung của người mẹ chỉ dành cho 1 em bé, nay có 2 hoặc hơn 2 thành viên trong “ngôi nhà” của mẹ sẽ làm cho tử cung to nhanh dẫn đến sanh non sẽ cao hơn so với tử cung chỉ có 1 em bé. Nếu các mẹ bầu có đa thai sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn các phương pháp dự phòng sinh non phù hợp cho mỗi đối tượng.

- Các nguyên nhân khác

Ngoài những lý do đã nêu, sinh non còn do nhiều lý do khác như chấn thương, mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, ít nước ối (thiểu ối), quá nhiều nước ối (đa ối), mang thai quá sớm (dưới 18 tuổi) hoặc mang thai từ 40 tuổi trở lên, nghiện ma túy, nghiện rượu, mang thai quá nhiều lần (đa sản)…

Bác sĩ phụ sản tiết lộ dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần biết - 4

nghiện ma túy, nghiện rượu, các chất kích thích là nguyên nhân dẫn đến mẹ bầu sinh non. Ảnh minh họa

Phòng tránh sinh non bằng cách nào?

+ Trước khi mang bầu

Các chị em trước khi mang thai nên đến gặp bác sĩ sản khoa khám, siêu âm tử cung và buồng trứng phát hiện các dị tật tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, làm các xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các bệnh lý thiếu máu bẩm sinh (thalassemia), các bệnh lý toàn thân (bệnh tim mạch, thận, tuyến giáp…), nên chích ngừa cúm, rubella và viêm gan siêu vi trước khi mang thai.

+ Khi có bầu

- Khám thai định kỳ

Việc khám thai định kỳ đều đặn, đúng hẹn sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các viêm nhiễm đường âm đạo sẽ ngăn chặn được rỉ ối vỡ ối, nhiễm trùng ối gây sinh non

- Lọai bỏ thói quen sử dụng chất kích thích

Hút thuốc lá, uống rượu bia quá nhiều, sử dụng ma túy là nguyên nhân hàng đầu khiến các mẹ bầu sinh non. Vì vậy trước khi mang thai và trong quá trình bầu bí, các mẹ cần loại bỏ ngay thói xấu này.

 - Kiểm soát cân nặng

Tăng cân quá nhanh và nhiều trong thai kỳ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiểu đường và tiền sản giật, những căn bệnh này đều làm tăng nguy cơ sinh non.

- Chế độ ăn uống cân bằng

Chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng với mẹ bầu và em bé để giúp chị em nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và giúp ngăn ngừa sinh non. Mẹ bầu cần bổ sung đủ axit béo omega-3 (có trong cá hồi, trứng, quả óc chó và hạt lanh); vitamin A (trong cà rốt, quả mơ và bông cải xanh); vitamin C (có trong họ cam quýt, dâu, ớt chuông) và vitamin E (có trong các loại hạt, khoai lang và xoài).

Ngoài ra mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm canxi (có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác hoặc nước trái cây); magiê (có trong các loại đậu, đậu phụ, sữa chua, mơ khô, chuối và hạt vừng); sắt (có trong thịt bò, trái cây sấy khô và các sản phẩm đậu nành); kẽm (có trong thịt gà, thịt lợn, thịt bò, bột yến mạch, ngô, hàu và trứng). Quan trọng nhất, chị em cần bổ sung đủ axit folic (có trong các sản phẩm ngũ cốc, chuối, cam và rau lá xanh thẫm).

Bác sĩ phụ sản tiết lộ dấu hiệu sinh non mẹ bầu cần biết - 5

Chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng với mẹ bầu và em bé để giúp chị em nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và giúp ngăn ngừa sinh non. Ảnh minh họa

- Ăn thành nhiều bữa nhỏ

Việc cung cấp chất dinh dưỡng qua chế độ ăn uống hàng ngày là rất quan trọng với bà bầu. Vì vậy các chuyên gia luôn khuyên mẹ bầu nên ăn uống thường xuyên 5 bữa một ngày (3 bữa chính và 2 bữa phụ) thay vì chỉ ăn 3 bữa chính

- Uống nhiều nước

- Chăm sóc nha khoa định kỳ

Chăm sóc nha khoa định kỳ là một cách để phòng ngừa sinh non hiểu quả. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mẹ bầu mắc bệnh răng miệng sẽ dễ bị sinh non. Vì vậy, chị me bầu cần nhớ đánh răng miệng bằng bàn chải mềm, dùng chỉ nha khoa và khám răng thường xuyên.

- Đi tiểu thường xuyên

Khi có dấu hiệu buồn đi tiểu, mẹ bầu đừng chần trừ vì để lâu sẽ rất dễ bị viêm bàng quang. Khi bị viêm bàng quang sẽ kích thích tử cung và gây ra các cơn co thắt. Ngoài ra, nhịn tiểu cũng tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu – một nguyên nhân dẫn đến các cơn co thắt.

Bác sĩ sản phụ khoa giải đáp thắc mắc: Sau sinh bao lâu thì có kinh?
Bác sĩ CKII Hồ Cao Cường chia sẻ, sau khi sinh bao lâu thì có kinh nguyệt trở lại là câu hỏi được nhiều mẹ thắc mắc. Vậy câu trả lời là gì? Hãy lắng...

Bài chuyên gia

Bác sĩ CKII Hồ Cao Cường
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ CKII Hồ Cao Cường