Theo BS CKII Nguyễn Công Định, cảm cúm là nhóm bệnh lý do nhiễm virus. Virus xâm nhập vào cơ thể người lành thông qua miệng hoặc mũi. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.
Tác giả bài viết: ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (Cơ sở II) |
ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội |
Cúm là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus cúm (influenza virus) gây ra, có nhiều nhóm cúm như cúm A, B và C, trong đó cúm A và B là những loại phổ biến nhất.
Cảm cúm, là thuật ngữ chung chung, cần phân biệt cảm lạnh thông thường hay bị cúm vì phòng ngừa hay chữa trị của mỗi loại bệnh khác nhau, đặc biệt với những trường hợp cảm cúm khi mang thai, vì khi mang thai ngoài tác động của virus lên mẹ còn liên quan đến bào thai trong bụng.
Bệnh cúm tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu nhận biết cảm cúm ở bà bầu
- Ho khan
- Bị sốt khi mang thai , sốt từ vừa phải đến cao, mặc dù không phải ai bị cúm sẽ bị sốt.
- Viêm họng
- Ớn lạnh
- Đau cơ nghiêm trọng hoặc cơ thể
- Đau đầu
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi
- Mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài đến hai tuần.
Các triệu chứng cúm xảy ra nhanh chóng và có thể nghiêm trọng. Triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn, thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần.
Mẹ bầu có thể mắc cúm quanh năm, nhưng đặc biệt là vào mùa đông. Nếu mẹ đang mang thai và nghĩ rằng mình bị cúm, nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt, trong vòng 48 giờ đầu tiên khi có các dấu hiệu.
Nếu mẹ bầu có nguy cơ bị biến chứng do cúm, khi cần thiết các bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus, một số thuốc kê đơn trị triệu chứng có thể giúp cải thiện triệu chứng và biến chứng, nhưng cần phải được thực hiện ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Khi thấy mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài đến hai tuần chắc chắn bà bầu đã bị cúm. Ảnh minh họa
Nguyên nhân cảm cúm ở bà bầu
Nguyên nhân bà bầu bị cúm là do ở giai đoạn đầu thai kỳ, em bé mới đang bắt đầu hình thành và phát triển dần dần các bộ phận của cơ thể. Lúc này thai nhi đáp ứng kém với sự gia tăng thân nhiệt của người mẹ. Bên cạnh đó một số chủng virus cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, đục thuỷ tinh thể, sinh non hoặc thai chết lưu.
Bà bầu bị cúm không nên chủ quan trước tình trạng bệnh. Mẹ bầu nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kê đơn thuốc và các biện pháp chăm sóc thai kỳ thích hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống. Một số loại thuốc điều trị các triệu chứng của cúm có thể gây nguy hiểm với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, có thể gây dị tật bẩm sinh trên ruột của trẻ (hẹp ruột non, nứt bụng) như Tamiflu, Flumadine, Relenza, hoặc Symmetrel, Aspirin, các loại sirô chống cúm, cảm lạnh và ho chứa guaifenesin và dextromethorphan.
Tuy nhiên, bà bầu bị cúm, nhất là trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất cũng không nên quá lo lắng, hoang mang để ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi trong bụng. Với sự tiến bộ của y học hiện đại và công nghệ siêu âm 4D hiện nay các bác sĩ sản khoa sẽ sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai nhi và đưa và hướng điều trị thích hợp. Trong trường hợp cần đình chỉnh thai nghén cần cân nhắc kỹ lưỡng và có sự tư vấn, hội chẩn của chuyên gia.
Biến chứng cúm khi mang thai
Có nhiều bằng chứng rõ ràng rằng phụ nữ mang thai có nguy cơ cao tiến triển các biến chứng nếu họ bị cúm. Một trong những biến chứng phổ biến nhất của cúm là viêm phế quản, hay nghiêm trọng hơn là triển thành viêm phổi.
Các biến chứng khác không phổ biến, như: Viêm tai giữa, nhiễm trùng máu gây ra sự giảm huyết áp nghiêm trọng (sốc nhiễm khuẩn), viêm màng não, viêm não, viêm nội tâm mạc…
Nếu mẹ bị cúm trong khi đang mang thai, điều này có nguy cơ mẹ sinh sớm hoặc bé khi sinh ra có trọng lượng thấp và thậm chí có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc tử vong trong tuần đầu tiên của cuộc đời. Mẹ nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng của mẹ không cải thiện hoặc nếu chúng trở nên trầm trọng như: Khó thở, đau họng nhiều, ho khạc đàm xanh, sốt cao dai dẳng và tức ngực.
Mẹ bầu nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kê đơn thuốc và các biện pháp chăm sóc thai kỳ thích hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống. Ảnh minh họa
Cách phòng ngừa cảm cúm khi mang thai
Không có thuốc chủng ngừa cho chứng cảm cúm thông thường. Còn cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm phòng cúm. Tiêm phòng cúm khi mang thai sẽ bảo vệ cả mẹ và con yêu. Việc chủng ngừa bệnh cúm là an toàn trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, từ vài tuần đầu tiên đến ngày dự sinh. Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Mỹ-CDC, vaccine ngừa cúm không gây nguy cơ cho mẹ lẫn bé yêu.
Hầu hết các bác sĩ khuyên mẹ nên chủng ngừa cúm vào tháng 10 hoặc ngay khi bắt đầu mùa cúm. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể chủng ngừa vào cuối mùa thu hoặc mùa đông.
Các virus gây cảm cúm có thể lây lan qua không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nhưng nó cũng lây lan bằng tay khi sử dụng chung đồ dùng với người bị nhiễm bệnh, sau đó mẹ chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của mình.
Vì chứng cảm cúm lan truyền dễ dàng, việc ngăn ngừa tốt nhất là tránh xa bất cứ ai có triệu chứng cảm cúm. Để tránh bị nhiễm virus gây cảm cúm, mẹ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, hoặc sử dụng chất rửa tay có chất cồn. Tránh chạm mũi, mắt và miệng.
Điều quan trọng là phải áp dụng các thói quen lành mạnh để ngăn ngừa virus gây cúm. Mẹ cũng nên đảm bảo rằng mình ngủ đầy đủ, ăn nhiều trái cây và rau củ, tập thể dục…